Bạch cầu tăng ở trẻ em cảnh báo bệnh lý gì? | Medlatec

Bạch cầu tăng ở trẻ em cảnh báo bệnh lý gì?

Bạch cầu là một trong những thành phần rất quan trọng của máu, chúng tham gia tích cực vào các hoạt động sống của cơ thể. Tương tự như người lớn, trường hợp bạch cầu tăng ở trẻ em cũng cảnh báo một số vấn đề về sức khỏe cơ thể đang gặp phải.


23/12/2022 | Tăng bạch cầu cảnh báo bệnh lý gì? Có nguy hiểm không?
22/12/2022 | Giảm bạch cầu có sao không, làm sao để chẩn đoán?
22/12/2022 | Chỉ số bạch cầu bình thường là bao nhiêu? Khi nào là bất thường?

1. Tìm hiểu về chỉ số bạch cầu trong cơ thể trẻ

1.1. Chức năng của bạch cầu

Bạch cầu là những tế bào máu trắng có tác dụng chống lại những tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể. Khi hệ miễn dịch phát hiện ra các tác nhân này, tế bào bạch cầu sẽ bắt đầu phát huy chức năng của nó bao gồm:

  • Biến đổi hình dáng để xuyên mạch, tức là đi qua các tế bào nội mô mạch máu;

  • Thực bào: đưa các vi sinh vật vào bào tương và tiêu hóa chúng;

  • Hóa ứng động: vi khuẩn xâm nhập hay các tế bào bị tổn thương sẽ phóng ra các hóa chất đặc biệt để hấp dẫn bạch cầu đi tới;

  • Giải phóng những chất dẫn truyền, sản sinh kháng thể để bảo vệ cơ thể. 

Bạch cầu là những tế bào máu trắng giúp chống lại những tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể

Bạch cầu là những tế bào máu trắng giúp chống lại những tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể

1.2. Lượng bạch cầu ở từng độ tuổi

Theo thời gian bạch cầu sẽ thay đổi về số lượng. Tuổi càng nhỏ thì bạch cầu sẽ nhiều hơn khi lớn tuổi. Cụ thể là:

  • Trẻ sơ sinh có số lượng bạch cầu trung bình từ 10.000 - 30.000/mm3;

  • Trẻ dưới 1 tuổi lượng bạch cầu là từ 10.000 - 12.000/mm3;

  • Trẻ > 1 tuổi lượng bạch cầu khoảng 6.000 - 8.000/mm3.

2. Bạch cầu tăng ở trẻ em cảnh báo bệnh lý gì? 

Bạch cầu tăng ở trẻ em xảy ra khi bạch cầu gia tăng số lượng trong máu. Mức bạch cầu đo được sẽ cao hơn mức giới hạn bình thường. Đây là hiện tượng thường xảy ra khi các tế bào bạch cầu hay cơ thể bị tổn thương khiến bạch cầu bị rối loạn chức năng hoạt động. Bạch cầu tăng được chia thành 5 dạng dưới đây:

  • Tăng bạch cầu trung tính: loại bạch cầu này chiếm khoảng 40 -  60% lượng bạch cầu tổng thể. Tình trạng tăng bạch cầu trung tính cũng là dạng phổ biến nhất, thường xuất hiện khi một bộ phận nào đó bị nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm;

  • Tăng bạch cầu đơn nhân: tên gọi khác là bạch cầu mono. Loại bạch cầu này ít ỏi hơn, chiếm khoảng 2 - 8% số bạch cầu của cơ thể. Khi bạch cầu mono tăng cao có thể báo hiệu tình trạng nhiễm trùng hay bệnh ung thư;

  • Tăng bạch cầu lympho: số lượng loại bạch cầu này là khoảng từ 20 - 40%. Nhiệm vụ của bạch cầu lympho là sản sinh ra các kháng thể giúp chống lại hiện tượng nhiễm trùng, nó sẽ gia tăng nếu trẻ bị u hạch lympho, mắc bệnh bạch cầu hoặc những bệnh lý nhiễm trùng do virus;

  • Tăng bạch cầu ái toan: là dạng bạch cầu chiếm 1 - 4% tỷ lệ bạch cầu của cơ thể. Bạch cầu ái toan gia tăng khi trẻ bị dị ứng, viêm nhiễm hoặc mắc bệnh lý nào đó do nhiễm ký sinh trùng;

  • Tăng bạch cầu ái kiềm: loại bạch cầu này được sản sinh từ tủy xương và chiếm tỷ lệ rất ít trong số các loại bạch cầu của cơ thể. Khi trẻ bị tăng bạch cầu ái kiềm có thể là do nhiễm siêu vi, dị ứng hoặc mắc phải bệnh lý ác tính nào đó. 

Bạch cầu tăng ở trẻ em báo động những vấn đề về sức khỏe 

Bạch cầu tăng ở trẻ em báo động những vấn đề về sức khỏe 

Thường thì khi đo chỉ số bạch cầu trên 1100/microlit máu thì được coi là tình trạng tăng bạch cầu.

3. Bạch cầu tăng ở trẻ em gây ra những triệu chứng gì?

Khi bạch cầu tăng có thể dẫn tới những biểu hiện khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân và loại bạch cầu tăng là gì. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Cơ thể mệt mỏi, đau nhức, sốt;

  • Khó thở, thở khò khè;

  • Da bị ngứa, nổi mề đay và dị ứng;

  • Dễ bị bầm tím, chảy máu và đổ nhiều mồ hôi về ban đêm;

  • Khi bạch cầu tăng quá cao có thể khiến máu trở nên đặc quánh, ảnh hưởng trực tiếp đến tốc độ máu lưu thông khiến trẻ gặp phải các nguy cơ biến chứng như: niêm mạc chảy máu, khó thở, gia tăng các vấn đề về hô hấp, nhìn mờ, hạn chế tầm nhìn, đột quỵ,...

Khi lượng bạch cầu tăng trẻ sẽ có biểu hiện sốt, mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác

Khi lượng bạch cầu tăng trẻ sẽ có biểu hiện sốt, mệt mỏi cùng nhiều triệu chứng khác

4. Các phương pháp chẩn đoán bạch cầu tăng ở trẻ em 

Để xác định được nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ định thực hiện các phương pháp chẩn đoán như sau:

  • Xét nghiệm công thức máu toàn phần: được áp dụng chủ yếu trong những ca bệnh bị tăng bạch cầu bất thường nhưng không rõ nguyên nhân. Trẻ sẽ được lấy máu và đem đi phân tích kiểm tra số lượng từng loại bạch cầu. Khi đã xác định được chính xác loại bạch cầu nào đang tăng cao về số lượng, bác sĩ sẽ khoanh vùng được nguyên nhân gây nên tình trạng này;

  • Xét nghiệm phết máu ngoại vi: đặc điểm của tế bào hồng cầu sẽ được nhận diện rõ hơn thông qua lăng kính hiển vi. Việc này giúp tìm hiểu được nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu hoặc chẩn đoán các bệnh lý khác. Ngoài ra, tế bào bạch cầu cũng được kiểm tra theo hình thức này. Bác sĩ thường sẽ chỉ định loại xét nghiệm này nếu có nghi ngờ bệnh nhân bị tăng bạch cầu lympho hay bạch cầu trung tính;

  • Sinh thiết tủy xương: nếu sau khi thực hiện xét nghiệm phết  máu ngoại vi cho ra kết quả bất thường thì bệnh nhân có thể sẽ cần tiến hành chọc hút và sinh thiết tủy xương để phục vụ cho công tác chẩn đoán. Vị trí chọc hút là mẫu tủy vùng xương hông, xương ức hoặc trước xương chày ở chân. Mẫu bệnh phẩm sau đó sẽ được phân tích dưới kính hiển vi giúp xác định có bất thường nào diễn ra khi tủy xương sản xuất bạch cầu hay không.

Bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán tăng bạch cầu ở trẻ

Bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm phù hợp để chẩn đoán tăng bạch cầu ở trẻ

5. Điều trị và phòng ngừa tình trạng tăng bạch cầu ở trẻ 

5.1. Điều trị

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh sẽ quyết định phương pháp điều trị bạch cầu tăng ở trẻ em, đó có thể là như sau:

  • Sử dụng thuốc dạng hít và thuốc kháng histamin giúp kiểm soát triệu chứng dị ứng;

  • Dùng thuốc kháng viêm và thuốc kháng sinh để khắc phục tình trạng viêm nhiễm;

  • Điều trị các bệnh lý ác tính hoặc nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng bạch cầu;

  • Kiểm soát tốt các trạng thái cảm xúc như lo âu, tiêu cực, căng thẳng.

5.2. Phương pháp phòng ngừa

Để hạn chế nguy cơ tăng bạch cầu ở trẻ, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau:

  • Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên để tránh nhiễm phải ký sinh trùng hoặc vi khuẩn có hại;

  • Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, ăn uống bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch giúp chống lại các tác nhân gây bệnh;

  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng, tránh xa những khu vực có khói thuốc lá;

  • Nếu trẻ đang gặp phải tình trạng viêm nhiễm nào đó, hãy đưa trẻ đi khám và tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.

Bạch cầu tăng ở trẻ em không phải là tình trạng hiếm gặp, tùy thuộc vào loại bạch cầu tăng sẽ cảnh báo các bệnh lý tiềm ẩn khác nhau. Mong rằng những thông tin trên đây sẽ giúp quý bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về hiện tượng tăng bạch cầu ở trẻ, từ đó sớm phát hiện và cho trẻ điều trị đúng cách, kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm do tình trạng này. 

Để được tư vấn chi tiết hơn, quý khách hàng vui lòng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.

Đăng ký khám, tư vấn

Tại sao nên chọn bệnh viện đa khoa MEDLATEC

Bệnh viện đa khoa nhiều năm kinh nghiệm.
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Đội ngũ giáo sư, bác sĩ đầu ngành
Cơ sở vật chất hiện đại
Áp dụng thanh toán bảo hiểm y tế lên tới 100%
Quy trình khám chữa bệnh nhanh chóng
Chi phí khám chữa bệnh hợp lý.

Tin cùng chuyên mục

Bệnh xuất huyết não: nhận diện và xử trí

Xuất huyết não là một thể đột quỵ não nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến sự sống và để lại những hệ lụy nặng nề. Phát hiện để không bỏ qua thời điểm vàng cấp cứu bệnh nhân xuất huyết não là cách tốt nhất để ngăn chặn tình trạng này. Trong nội dung bài viết dưới đây, MEDLATEC sẽ cùng bạn tìm hiểu rõ hơn về mọi vấn đề quan trọng liên quan đến xuất huyết não.
Ngày 19/06/2023

Tìm hiểu về hạch bạch huyết và các bệnh lý liên quan

Đối với cơ thể, hạch bạch huyết giữ vai trò như người giữ cửa để bảo vệ các hệ thống cơ quan trước sự xâm nhập của tác nhân lạ. Đây chính là một phần không thể thiếu của hệ miễn dịch nên khi hệ thống hạch bạch huyết có vấn đề bất thường thì cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng. Bài viết dưới đây sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết hơn về hệ này và các bệnh lý liên quan.
Ngày 19/06/2023

Chuyên gia tư vấn: thiếu máu uống thuốc gì?

Thiếu máu là tình trạng có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tình trạng này không những gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Trường hợp thiếu máu nặng còn có khả năng đe dọa đến tính mạng người bệnh. Vậy thiếu máu uống thuốc gì sẽ giúp cải thiện sức khỏe? Chuyên gia của MEDLATEC sẽ giải đáp qua bài viết sau đây. 
Ngày 15/06/2023

Thiếu máu do đâu? nên ăn gì để cải thiện?

Thiếu máu là một trong những tình trạng rất phổ biến khi có khoảng 1/3 dân số thế giới mắc phải nhưng rất ít người hiểu rõ nguyên nhân cũng như tác hại của tình trạng này. Thiếu máu có thể gây ra nhiều ảnh hưởng sức khỏe, gián đoạn hoạt động của các cơ quan do không được cung cấp đủ oxy. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này do đâu và những hệ lụy là gì?
Ngày 13/06/2023
Call Now
  Đặt lịch lấy mẫu tại nhà
  Đặt lịch KSK doanh nghiệp