Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là một trong những xét nghiệm cơ bản nhất được thực hiện thường quy. Từ kết quả của xét nghiệm có thể phát hiện ra các bất thường của cơ thể, đưa ra hướng chẩn đoán và điều trị kịp thời cho người bệnh.
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu là gì?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu sơ bộ để đánh giá sức khỏe bước đầu và phát hiện ra các rối loạn của cơ thể như: nhiễm trùng, thiếu máu, các bệnh lý về máu và một số bệnh lý khác liên quan đến cơ quan tạo máu…
Tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được thực hiện trên hệ thống máy tổng phân tích 32 thông số ABX PENTRA DF NEXUS hoàn toàn tự động nhằm phát hiện được:
+ Số lượng các loại tế bào: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong mỗi ml máu.
+ Đo kích thước tế bào hồng cầu và tính kích thước trung bình hồng cầu.
+ Tính thể tích khối hồng cầu trong 1 lit máu toàn phần.
+ Định lượng hemoglobin trong các tế bào hồng cầu.
+ Xác định tỷ lệ phần trăm từng loại bạch cầu trong mẫu máu ngoại vi.
2. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cung cấp cho các bác sĩ những thông tin gì?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu cung cấp cho các bác sĩ lâm sàng những thông tin hữu ích về tình trạng của người bệnh hoặc của người được xét nghiệm, gợi ý định hướng nguyên nhân gây bệnh, phát hiện ra các hiện tượng bất thường như:
a. Dòng hồng cầu
• Thiếu máu
+ Dựa vào số lượng huyết sắc tố (hemoglobin) để chẩn đoán bệnh nhân có thiếu máu hay không và xác định được mức độ thiếu máu của bệnh nhân.
+ Dựa vào thể tích trung bình hồng cầu (MCV) để phân loại thiếu máu hồng câu to hay hồng cầu nhỏ. MCV tăng trong: thiếu hụt vitamin B12, thiếu acid folic, bệnh gan, nghiện rượu, chứng tăng hồng cầu, suy tuyến giáp, bất sản tủy, xơ hóa tủy xương... MCV giảm trong: thiếu hụt sắt, hội chứng thalassemia, thiếu máu mạn tính, nhiễm độc chì,…
+ Dựa vào lượng huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCH) và nồng độ huyết sắc tố trung bình hồng cầu (MCHC) để phân loại thiếu máu bình sắc hay nhược sắc. MCH và MCHC giảm trong: thiếu máu thiếu sắt, thalasemia, thiếu máu do giảm folate hoặc vitamin B12, xơ gan, nghiện rượu,…
• Bệnh đa hồng cầu: Dựa vào số lượng hồng cầu, huyết sắc tố và thể tích khối hồng cầu để định hướng tới bệnh đa hồng cầu.
• Tăng số lượng hồng cầu: Có thể gặp trong các trường hợp sốt, mất nước, bệnh tim, bệnh phổi,…
b. Dòng bạch cầu
• Giảm số lượng bạch cầu: do nhiều nguyên nhân gây ra, tùy thuộc vào loại bạch cầu giảm mà được chia ra nhiều loại và tên gọi khác nhau như giảm bạch cầu đoạn trung tính, giảm bạch cầu lympho, giảm bạch cầu ưa acid.
• Tăng số lượng bạch cầu: được phân loại và gọi tên cụ thể tùy thuộc vào loại bạch cầu bị tăng như tăng bạch cầu đoạn trung tính, tăng bạch cầu lympho, tăng bạch cầu ưa acid, tăng bạch cầu đơn nhân, tăng bạch cầu ưa kiềm. Có thể do nhiều nguyên nhân như:
+ Nhiễm trùng, nhiễm độc kim loại nặng, có thể gây tăng bạch cầu đoạn trung tính.
+ Một số bệnh dị ứng, nhiễm ký sinh trùng có thể gây ra hiện tượng tăng bạch cầu ưa acid.
+ Bệnh ung thư máu gây ra sự tăng đột biến số lượng của nhiều loại bạch cầu.
c. Dòng tiểu cầu
• Giảm số lượng tiểu cầu: có nhiều nguyên nhân gây giảm tiểu cầu, có thể do cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại tiểu cầu của mình hoặc có thể do hậu quả của một bệnh lý khác gây giảm sản xuất hoặc tăng phá hủy tiểu cầu. Tiểu cầu giảm gây ra tình trạng cơ thể dễ bị bầm tím do xuất huyết và xét nghiệm có thời gian máu chảy kéo dài.
• Tăng số lượng tiểu cầu: có nhiều nguyên nhân gây tăng số lượng tiểu cầu, có thể do tăng tiểu cầu tự phát, bệnh lý của tủy xương, sau phẫu thuật cắt lách,… Tiểu cầu tăng gây ra tình trạng huyết khối dẫn đến tắc nghẽn mạch máu ở một số bệnh nhân.
3. Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu được chỉ định khi nào?
Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi 32 thông số có thể được chỉ định trong các trường hợp như:
- Chỉ định thường quy trong khám sức khỏe tổng quát định kỳ.
- Trong trường hợp bệnh nhân thiếu máu.
- Trong các trường hợp bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân có bệnh lý về tế bào máu.
- Trong theo dõi điều trị các bệnh lý về tế bào máu.
- Trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng, dị ứng,…
4. Cách lấy mẫu
- Máu toàn phần được lấy vào ống chống đông EDTA
- Thể tích: 2 mL
- Ghi rõ thông tin bệnh nhân và ống máu phải được dán mã code riêng.
- Nhiệt độ bảo quản mẫu: 20-25oC, khi vận chuyển xa cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8oC và không quá 24 giờ.
Tài liệu tham khảo
- Đỗ Trung Phấn (2004). Bài giảng huyết học truyền máu, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- Nguyễn Thế Khánh (2003). Xét nghiệm sử dụng trong lâm sàng, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.