Mới đây, vào tháng 07/2022, Tổ chức Y tế Thế giới WHO chính thức xác nhận 2 ca nhiễm Virus Marburg tại Ghana đã tử vong. Đây là một trong những loại virus có thể gây chết người với khả năng lây nhiễm cao khiến WHO phải ra cảnh báo và lên chủ trương chuẩn bị trước nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
30/07/2022 | Phân biệt triệu chứng nhiễm COVID-19 (biến chủng BA.5), cúm A và sốt xuất huyết 21/07/2022 | Thời tiết nắng mưa thất thường ở Hà Nội, cảnh giác sốt xuất huyết bùng phát 16/06/2022 | Dịch Ebola - Đại dịch đe dọa cả thế giới!
1. Virus Marburg là gì?
Để biết về mức độ nguy hiểm mà Marburg gây ra thì trước tiên bạn cần phải hiểu về loại virus này cũng như các thông tin liên quan đến chúng.
Những lần xuất hiện của virus
Marburg là một loại virus gây ra căn bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola hiếm gặp. Căn bệnh do virus này gây ra được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967 tại Đức và Serbia và tiếp theo đó 2 đợt bùng phát lớn (giai đoạn 1998 - 2000 ở Congo và 2004 - 2005 ở Angola). Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thì đây là loại virus ARN độc nhất về mặt di truyền của động vật thuộc họ Filovirus.
Marburg là loại virus độc nhất về mặt di truyền của động vật thuộc họ Filovirus
Đợt bùng phát gần đây nhất là vào tháng 09/2021, loại virus gây chết người này lại xuất hiện ở Guinea và diễn ra trong vòng 42 ngày. Cuối tháng 06/2022 đã 2 trường hợp nhập viện tại Ghana đều có biểu hiện tiêu chảy, sốt, buồn nôn, nôn và tử vong trong vòng một ngày. Sau đó mẫu máu xét nghiệm của 2 trường hợp này đã được xác định là dương tính với Virus Marburg.
Con đường lây nhiễm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, loại virus sốt xuất huyết hiếm gặp này ban đầu được lây truyền từ dơi ăn quả sang người. Dơi là vật chủ tự nhiên của virus Marburg và con người có khả năng bị nhiễm bệnh nếu tiếp xúc lâu với các mỏ hay hang động có những đàn dơi Rousettus sinh sống. Bên cạnh đó, CDC Mỹ chỉ rõ những con đường lây nhiễm của loại virus chết người nay mà bất kể ai cũng cần phải biết là:
-
Virus có thể lây giữa người với người thông qua tiếp xúc trực tiếp dịch cơ thể như nước bọt, nước tiểu và máu.
-
Các bề mặt tiếp xúc, vật liệu có chứa chất lỏng nhiễm virus cũng có thể làm lây lan mầm bệnh cho con người nếu chạm vào chúng.
-
Nhân viên y tế cũng có thể bị nhiễm bệnh do thường xuyên tiếp xúc với người nhiễm virus.
-
Các thi thể tử vong do virus cũng có thể phát tán mầm bệnh cho những người chôn cất.
Virus Marburg có thể lây sang người từ dơi ăn quả
Ngoài ra, virus có thể lây qua tinh dịch của đàn ông đã từng bị bệnh vì chúng tồn tại trong chất dịch của người khỏi bệnh hoặc ngay cả khi không còn các triệu chứng nặng. Theo các cơ quan y tế thì đến nay vẫn chưa có bằng chứng loại virus này lây truyền qua đường tình dục cũng như tiếp xúc với dịch âm đạo nữ giới mắc bệnh.
2. Mức độ nguy hiểm của virus sốt xuất huyết Marburg
Sau khi xác nhận 2 trường hợp tử vong gần đây và có ít nhất 90 người liên quan đang được theo dõi ở Ghana, WHO đã nhanh chóng đưa ra cảnh báo về nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.
Virus Marburg nguy hiểm như thế nào?
Tùy vào chủng virus và khả năng quản lý ca bệnh của cơ quan chịu trách nhiệm mà nguy cơ tử vong có thể dao động từ 24 - 88%. Ở lần bùng phát dịch đầu tiên, những người nhiễm bệnh là do tiếp xúc với khỉ xanh Châu Phi được nhập khẩu từ Uganda hoặc mô của chúng khi làm việc trong phòng thí nghiệm. Đã có ít nhất 7 trường hợp tử vong trong đợt bùng phát này.
Cơ quan chức năng vẫn đang tích cực rà soát để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch
Giai đoạn năm 2004 - 2005 là đợt bùng phát dịch lớn nhất đã lấy đi tính mạng của hơn 200 người ở Angola. Chính vì khả năng lây lan nhanh chóng và tỷ lệ tử vong cao nên sau khi phát hiện trường hợp tử vong do nhiễm virus Marburg tại Tây Phi, WHO liên hệ với các quốc gia lân cận với Ghana đưa những khu vực có nguy cơ nhiễm bệnh cao vào tình trạng báo động.
Bị nhiễm Virus Marburg có chữa được không?
Hiện nay, chưa có một loại vaccine hay phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi dứt điểm cho bệnh nhân bị nhiễm loại virus chết người này. Tuy nhiên, các phương pháp hỗ trợ tích cực có thể cải thiện khả năng sống cho bệnh nhân bao gồm bù nước thông qua đường uống hoặc truyền tĩnh mạch, theo dõi và duy trì nồng độ oxy trong máu, sử dụng các liệu pháp điều trị bằng thuốc để giảm triệu chứng ngay ở thời điểm khởi phát.
Một số phương pháp điều trị bệnh đang được thử nghiệm trên cơ thể động vật nhưng chưa từng được áp dụng lên cơ thể người. Các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu phương pháp điều trị bệnh đặc hiệu bằng cách phát triển kháng thể đơn dòng - protein hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể làm việc tốt hơn khi có sự xâm nhập và tấn công của virus.
Điều quan trọng nhất với những trường hợp khi phát hiện bị nhiễm virus là giữ bình tĩnh, chủ động cách ly với những người xung quanh và khai báo với cơ quan y tế để được hướng dẫn. Người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo những chỉ dẫn và liệu trình điều trị của cơ quan y tế để kịp thời khống chế và kiểm soát bệnh cũng như khả năng lây lan một cách hiệu quả.
Hiện nay, cơ quan y tế Ghana đã khuyến cáo người dân tránh xa các mỏ và hang động nơi có dơi ăn quả sinh sống. Đồng thời, nấu chín thật kỹ tất cả các loại thịt trước khi ăn để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm virus. Bên cạnh đó, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã gửi các thiết bị bảo vệ cá nhân, tăng cường giám sát dịch bệnh và truy vết các mối liên quan để ứng phó với những trường hợp cần thiết.
Các phương pháp điều trị đặc hiệu virus Marburg vẫn đang được nghiên cứu
Chính vì mức độ nguy hiểm cao của Virus Marburg có thể gây ra đối với con người mà bất kể ai cũng nên chủ động tìm hiểu về bệnh cũng như phương pháp bảo vệ bản thân và những người xung quanh. Mặc dù hiện nay, bệnh do loại virus chết người này gây ra vẫn chưa chính thức công bố thành dịch và vẫn còn đang trong tình trạng kiểm soát nhưng cũng không thể chủ quan vì vẫn có nguy cơ lây lan tiềm ẩn.
Do đó, nếu bạn đang quan tâm và muốn tìm hiểu về loại virus này, hoặc các thắc mắc liên quan đến sức khỏe khác thì có thể gọi đến hotline: 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn và hỗ trợ.