Viêm mũi là một tình trạng rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, giới tính. Đây là một bộ phận nhạy cảm và phản ứng nhanh với thời tiết. Mũi có thể dễ viêm và gây khó chịu khi gặp thời tiết trở lạnh bất thường hay không khí ô nhiễm hay do bất cứ tác nhân nào bên ngoài tác động.
30/07/2022 | Clorpheniramin - Thuốc dành cho bệnh nhân viêm mũi dị ứng 23/04/2022 | Những loại thuốc viêm mũi dị ứng được tin dùng 24/02/2022 | Góc tư vấn: viêm mũi dị ứng khác gì viêm mũi thông thường?
1. Tổng quan về viêm mũi
Viêm mũi là một tình trạng rất phổ biến. Mũi bị viêm khi lớp niêm mạc ở khoang mũi bị sưng lên khiến người bệnh cảm thấy nghẹt mũi, sổ mũi, ngứa và hắt hơi, khó chịu. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do môi trường bên ngoài hoặc tác nhân từ bên trong.
Một số triệu chứng thường thấy của viêm mũi là: nghẹt mũi, hắt hơi, ngứa từ mũi lên mắt và tai, sổ mũi, kèm theo viêm họng, ho, giảm khứu giác, ngủ ngáy to và nhiều triệu chứng khó chịu khác.
Viêm mũi là tình trạng bệnh lý rất thường gặp ở mọi đối tượng
2. Các dạng viêm mũi thường gặp
Viêm mũi được chia thành những dạng sau:
Là tình trạng niêm mạc mũi bị sưng lên do phản ứng với một số tác nhân gây dị ứng từ môi trường bên ngoài như: khói bụi, nấm mốc, lông súc vật, phấn hoa,… Tác nhân gây bệnh chủ yếu là lành tính, người bệnh có những dấu hiệu viêm mũi thông thường và gần như không cần phải dùng đến thuốc. Dấu hiệu sẽ khỏi sau vài ngày.
Viêm mũi do virus
Là tình trạng viêm mũi do sự xâm nhập của virus cúm hoặc cảm lạnh. Niêm mạc mũi sưng lên bất thường làm tăng tiết dịch nhầy, khiến người bệnh cảm giác nghẹt mũi, sổ mũi nhiều và hắt hơi cùng với nhiều triệu chứng khác.
Viêm mũi vận mạch
Khác với dị ứng. viêm mũi vận mạch là do các mạch máu trong mũi nhạy cảm khi mất cân bằng của hệ thần kinh kiểm soát niêm mạc mũi. Cùng với một số tác nhân từ môi trường bên ngoài, các mạch máu này bị giãn ra, khiến cho tăng tiết dịch mũi hơn bình thường gây chảy dịch mũi hoặc tắc nghẽn.
Viêm mũi gây khó chịu cho người bệnh khi chuyển mùa
Viêm mũi teo
Đây là một tình trạng bệnh mạn tính do niêm mạc mũi bị viêm lâu ngày dẫn đến teo và cứng lại, hốc mũi vì thế bị nở rộng hơn, không và đóng vảy. Người bị viêm mũi teo thường có khứu giác giảm sút nhiều, nặng có thể không ngửi thấy mùi. Các vi khuẩn gây hại cũng vì thế có cơ hội hoạt động nhiều hơn khiến cho tình trạng viêm mũi tái đi tái lại.
Viêm mũi do thuốc
Đôi khi viêm mũi cũng do nguyên nhân chủ quan của người bệnh khi chữa các triệu ứng dị ứng do thời tiết hay các tác nhân khác. Việc lạm dụng các loại thuốc thông mũi, xông xịt mũi, nhỏ mũi khiến các niêm mạc trong mũi mất dần sức đề kháng, bị kích ứng, nhạy cảm hơn. Từ đó dễ dẫn đến tình trạng viêm mũi nặng.
Viêm mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau
3. Nguyên nhân gây viêm mũi
Viêm mũi do nhiều nguyên nhân khác nhau. Các yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ gây nên viêm mũi dị ứng. Còn viêm mũi không dị ứng là do các tác nhân từ bên trong. Vì thế có thể thấy các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm mũi như:
Người bị hen suyễn: Người bị hen suyễn thường có hệ hô hấp nhạy cảm, dễ dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài, chính vì thế càng dễ bị viêm mũi.
Người lớn tuổi: Theo thống kê những người thường xuyên bị viêm mũi không do dị ứng chiếm phần lớn sau độ tuổi 20.
Giới tính: Phụ nữ thường dễ bị viêm mũi hơn, nhất là trong thời gian mang thai, thời kỳ kinh nguyệt.
Do các tác nhân bên ngoài: Do tiếp xúc với khói bụi, hóa chất, khói thuốc lá, lông động vật,… Những người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại sẽ có nguy cơ cao bị viêm mũi hơn thông thường.
Do bệnh lý: Một số các bệnh lý về suy giáp, các bệnh lý mạn tính gây suy giảm sức đề kháng như tiểu đường, bệnh phổi mạn tính, lupus ban đỏ,... cũng là tác nhân làm tăng nguy cơ bị viêm mũi.
Viêm mũi có thể do tác nhân bên ngoài cũng có thể do bệnh lý từ bên trong cơ thể
4. Chẩn đoán và điều trị viêm mũi như thế nào?
Tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ có thể đưa ra những chẩn đoán ban đầu về nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời kết hợp với các giải pháp khác để xác định tình trạng bệnh:
Phương pháp chẩn đoán viêm mũi
Đầu tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán sơ qua nguyên nhân gây bệnh qua điều tra bệnh sử, kiểm tra dị ứng bằng xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm da. Cùng với đó, bác sĩ có thể chỉ định chụp CT để xác định hình ảnh rõ về những tổn thương hay thay đổi cấu trúc trong khoang mũi. Cũng có trường hợp cần nội soi mũi để xác định tình trạng viêm mũi do viêm xoang.
Điều trị viêm mũi như thế nào?
Phương pháp điều trị viêm mũi phụ thuộc vào việc xác định được nguyên nhân gây bệnh. Với trường hợp viêm mũi dị ứng, giải pháp tốt nhất là loại bỏ hoàn toàn những tác nhân gây dị ứng làm kích ứng niêm mạc mũi. Sau đó có thể điều trị các triệu chứng từ nhẹ đến tặng tùy trường hợp bằng thuốc hoặc các giải pháp hỗ trợ khác.
Với những trường hợp viêm mũi không do dị ứng, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kê đơn, kháng sinh, dung dịch xịt mũi để làm giảm triệu chứng và chống viêm. Với trường hợp cấu trúc khoang mũi bất thường thì phải phẫu thuật để điều trị.
5. Cách phòng bệnh viêm mũi
Để phòng bệnh viêm mũi, điều quan trọng nhất đối với mỗi người là phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hoặc các thực phẩm giàu omega-3 giúp làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng và có tác dụng tốt trong phòng ngừa sưng tấy đường hô hấp. Tránh xa những môi trường khói bụi hoặc môi trường có thể là tác nhân gây dị ứng. Nhất là những người có tiền sử dị ứng.
Tránh lạm dụng các loại thuốc xịt mũi, thông mũi và không sử dụng thuốc khi không được bác sĩ chỉ định. Đồng thời không nên chủ quan với mọi biểu hiện của viêm mũi dù ở dạng nhẹ. Nên đi khám xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị, đúng, kịp thời khi bị bệnh.
Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hiện là địa chỉ uy tín trong khám và điều trị các bệnh lý về tai mũi họng. Bệnh viện quy tụ các chuyên gia, bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm, cùng hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị y tế tiên tiến. Đây là địa chỉ y tế mà khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng khi có nhu cầu khám và điều trị bệnh. Để đặt lịch khám, quý khách vui lòng gọi tới hotline 1900 56 56 56, Tổng đài viên của MEDLATEC sẽ tư vấn cụ thể.