Bệnh viêm khớp phản ứng là dạng bệnh lý viêm nhiễm ở nhiều khớp, có thể lan viêm đến da, mắt hoặc các cơ quan khác. Đối tượng mắc bệnh thường là người ở độ tuổi lao động từ 20 - 40 tuổi nên ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng lao động và sinh hoạt hàng ngày.
16/04/2021 | Các phương pháp và nguyên tắc trong điều trị viêm khớp dạng thấp 27/12/2020 | Nguyên nhân gây viêm khớp vảy nến, cách chữa trị và phòng bệnh 24/11/2020 | Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm khớp hiệu quả
1. Bác sĩ giải đáp: Viêm khớp phản ứng là gì?
Viêm khớp phản ứng được đặc trưng bởi tình trạng vô khuẩn sau tình trạng nhiễm trùng. Thường gặp nhất là nhiễm trùng đường tiết niệu, ninh dục hoặc tiêu hóa.
Viêm khớp phản ứng thường xảy ra sau bệnh nhiễm trùng
Tình trạng viêm có thể xảy ra từ một đến nhiều khớp, trong đó viêm các khớp lớn ở 2 chi dưới, khớp cùng chậu, viêm dây chằng là phổ biến nhất, là quá trình đáp ứng quá mẫn của hệ miễn dịch với tình trạng nhiễm trùng. Bệnh thường gặp trên cơ địa của người có kháng nguyên HLA-B27, độ tuổi từ 20 - 50 và nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ.
Nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng được xác định do:
-
Vai trò của kháng nguyên HLA-B27: Có đến 30 - 60% bệnh nhân viêm khớp phản ứng có kháng nguyên HLA-B27 và biểu hiện bệnh thường nặng hơn và có xu hướng chuyển thành mạn tính cao hơn ở những người có HLA-B27 (+).
-
Một số loại vi khuẩn nhất định như:
-
Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường tiêu hóa: Yersinia, Shigella, Salmonella, Borrelia, Campylobacter,…
-
Vi khuẩn gây nhiễm khuẩn đường sinh dục, tiết niệu: Trachomatis, Chlamydia,…
Ngoài ra, bệnh có thể xuất phát từ bệnh lao hệ thống hoặc virus như: virus viêm gan A, HIV, Rubella, Parvovirus,… Y học ghi nhận có trường hợp viêm khớp phản ứng thứ phát sau bệnh viêm đường ruột mạn tính như: viêm loét đại tràng, bệnh Crohn,…
Phản ứng với nhiễm trùng quá mức là nguyên nhân gây viêm khớp phản ứng
Không phải trường hợp bệnh nào cũng tìm được nguyên nhân chính xác. Điều này gây khó khăn cho việc điều trị và phòng ngừa tái phát. Ở bệnh nhân viêm khớp phản ứng, cần điều trị kết hợp phòng ngừa biến chứng như: viêm khớp vảy nến mạn tính, viêm cột sống dính khớp,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của khớp.
2. Điểm danh 5 triệu chứng bệnh viêm khớp phản ứng phổ biến nhất
Biểu hiện lâm sàng thường gặp là bệnh nhân có tiền sử viêm nhiễm đường tiết niệu, sinh dọc hoặc tiêu hóa trước khi có các biểu hiện viêm khớp. Tuy nhiên, có những trường hợp viêm nhiễm nhẹ và không được chú ý đến, nhất là ở nữ (chiếm khoảng 10%).
Các triệu chứng bệnh có thể gặp bao gồm:
2.1. Triệu chứng tại khớp
Triệu chứng đầu tiên là viêm và đau tại một hoặc nhiều khớp, không đối xứng, thường gặp ở các khớp chi dưới như khớp đầu gối, khớp bàn chân, mắt cá chân,… Ngoài ra, vị trí đau có thể lan đến cột sống, khớp vai, cổ tay, ngón tay gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng hoạt động và sinh hoạt.
Viêm khớp thường kèm theo viêm điểm bán tận cùng của gân cơ, viêm bao gân, nhất là gân gót và mắt cá chân.
Viêm khớp tái phát hoặc mạn tính: biểu hiện viêm khớp ngoại biên tái phát nhiều đợt hoặc viêm khớp cùng chậu và khớp đối sống mạn tính tiến triển thành viêm cột sống dính khớp.
Viêm mắt khá thường gặp trong viêm khớp phản ứng
2.2. Triệu chứng viêm mắt
Bệnh thường ảnh hưởng đến một bên mắt, sau đó sẽ lan đến bên còn lại. Bệnh nhân thường bị đỏ mắt, đau hốc mắt. Ngoài ra, có thể xảy ra viêm kết mạc, viêm giác mạc, thậm chí là loét giác mạc,…
2.3. Triệu chứng tổn thương da và niêm mạc
Bệnh nhân có thể xuất hiện các tổn thương:
-
Đa tăng sừng hóa ở lòng bàn tay, bàn chân, da bìu, da đầu (giống với bệnh vẩy nến).
-
Các tổn thương viêm niêm mạc miệng, lưỡi, bao quy đầu.
-
Viêm bàng quan, viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt.
2.4. Triệu chứng viêm ngón tay, ngón chân
Khớp ngón tay, ngón chân dễ bị tổn thương gây sưng phồng¸ đau đớn.
2.5. Triệu chứng toàn thân
Bệnh viêm khớp phản ứng gây phản ứng viêm ở nhiều cơ quan trong cơ thể, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và gây ra các triệu chứng như: Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ, gầy sút, người khó chịu,…
Bệnh tiến triển từ viêm đường tiêu hóa hoặc viêm đường tiết niệu - sinh dục có thể tái phát viêm nhưng triệu chứng thường nhẹ hơn. Vì thế không nên chủ quan dù đã điều trị khỏi bệnh nhưng triệu chứng vẫn tiếp tục xảy ra.
3. Chẩn đoán và điều trị viêm khớp phản ứng
Bệnh nhân viêm khớp phản ứng cần phải điều trị càng sớm càng tốt để tránh bệnh tiến triển thành biến chứng nguy hiểm.
Chẩn đoán viêm khớp phản ứng chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng
3.1. Chẩn đoán lâm sàng
Thực tế viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm, tổn thương do phản ứng quá mức của hệ miễn dịch, nên chưa có tiêu chuẩn xác định bệnh được thống nhất. Bác sĩ chủ yếu sẽ chẩn đoán qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và tiền sử nhiễm khuẩn của bệnh nhân.
Riêng với bệnh viêm khớp, các xét nghiệm thường được tiến hành là: xét nghiệm tốc độ máu lắng; xét nghiệm dịch khớp; test huyết thanh; X-quang khớp; xạ hình xương,...
3.2. Điều trị
Nguyên tắc điều trị bệnh cơ bản là:
-
Điều trị tổn thương viêm hệ cơ xương bằng các thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid.
-
Điều trị tổn thương ngoài khớp.
-
Điều trị nguyên nhân dẫn đến viêm nếu xác định được nguyên nhân.
-
Vật lý trị liệu và điều trị phòng ngừa các biến chứng.
Điều trị bằng thuốc
Cụ thể:
-
Điều trị viêm ở hệ cơ xương bằng các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm không steroid như Naproxen, Ibuprofen sẽ có tác dụng tốt, giảm cứng, đau, sưng khớp.
-
Kháng sinh: chỉ được dùng khi bệnh nhân có dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng ở đường tiêu hóa hoặc tiết niệu - sinh dục.
-
Với điều trị các tổn thương ngoài khớp, nhất là tại mắt thì dùng thuốc có Steroid sẽ có hiệu quả tốt nhưng cần có chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa liên quan.
Tập thể dục và vật lý trị liệu
Để cải thiện triệu chứng viêm khớp phản ứng, đặc biệt là tình trạng đau, sưng, viêm khớp, các bài tập vật lý trị liệu có vai trò quan trọng. Nếu tập đúng cách, bạn còn có thể giảm phản ứng miễn dịch quá mức gây tổn thương đến khớp, từ đó cải thiện bệnh.
Vật lý trị liệu giúp cải thiện sức khỏe xương khớp
Nếu gặp khó khăn khi lựa chọn bài tập, hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để hướng dẫn. Bệnh nhân chủ yếu được tập giãn cơ, tập thả lỏng cơ và khớp. Ngoài ra, nếu đang ngồi hoặc đứng sai tư thế, sẽ cần điều chỉnh và thay đổi thói quen để tránh biến dạng xương khớp trong tương lai.
Nếu điều trị tốt, bệnh nhân có thể cải thiện triệu chứng bệnh trong 3 - 4 tháng, đôi khi phản ứng viêm nhiễm nhẹ vẫn còn tồn tại sau điều trị.
Để phòng ngừa viêm khớp phản ứng, bệnh nhân nên tuân thủ điều trị, chăm sóc sức khỏe và thực hiện các biện pháp an toàn, tránh nhiễm trùng tái phát. Nếu cần tư vấn điều trị, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.