Kén nang lông hay còn gọi là viêm nang lông, đây là bệnh lý da liễu khá phổ biến xảy ra ở một hoặc nhiều nang lông bị sưng viêm, tích mủ như kén. Tác nhân gây kén nang lông rất đa dạng, có thể là vi sinh vật hoặc tác nhân gây kích ứng. Bệnh không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây không ít đau đớn, khó chịu cho bệnh nhân nên cầm điều trị sớm và tích cực.
17/01/2021 | Những cách điều trị viêm nang lông vùng kín phổ biến 07/01/2021 | Những điều bạn nên biết về bệnh viêm nang lông
1. Kén nang lông là gì và phân loại?
Kén nang lông còn được gọi là bệnh viêm nang lông, xảy ra khi các nang lông bị sưng đỏ, tích mủ hoặc dịch màu trắng. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra khiến các nang lông này càng bị sưng viêm, tích tụ dịch mủ và gây đau nhức dữ dội hơn.
Đa phần nhiễm trùng trong bệnh kén nang lông không nghiêm trọng, song khó điều trị dứt điểm và bệnh dễ tái phát khi gặp điều kiện thuận lợi. Hơn nữa, tổn thương da sau kén nang lông thường rất khó lành, thâm và sẹo có thể không biến mất khiến bệnh nhân mất tự tin trong giao tiếp và hoạt động hàng ngày.
Kén nang lông cũng gồm nhiều loại như: kén nang lông do lông mọc ngược, kén nang lông do tắm bồn nước nóng hoặc do nhiễm nấm, vi khuẩn,…
2. Vị trí da nào thường bị kén nang lông?
Thực tế mọi vùng da trên cơ thể, loại trừ da bàn tay và bàn chân đều có lỗ chân lông nên đều có thể bị kén nang lông. Tuy nhiên những vùng da nhạy cảm, chịu nhiều tác động từ môi trường và yếu tố gây hại là dễ mắc bệnh nhất. Cụ thể như sau:
2.1. Vùng da mặt
Tác nhân gây kén nang lông vùng da mặt có thể là: nấm, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu vàng, u mềm lây,… Kén nang lông da mặt cũng rất đa dạng, có thể nổi dạng mụn đầu trắng, mụn đầu đen, mụn đỏ sưng hoặc khiến da sần sùi, mẩn ngứa, ngứa da, lông mọc ngược và xoắn vào trong,…
Kén nang lông vùng da mặt thường nghiêm trọng và khó điều trị
Ngoài ra, kén nang lông vùng râu mặt cũng khá thường gặp, tác nhân có thể là virus herpes, nấm sợi, vi khuẩn gram âm,… Đặc điểm bệnh là khó chữa triệt để, tái phát nhiều lần và gây ra nhiều tổn thương nặng, thâm, sẹo cho da.
Da mặt là vùng da mỏng và nhạy cảm, lại chịu nhiều tác động xấu nên kén nang lông ở đây cần được điều trị sớm. Nếu xuất hiện tình trạng viêm nặng, có áp xe gây đau, nhọt lớn, nhiễm trùng rộng,… thì cần sớm đi khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
2.2. Vùng da đầu
Vùng da đầu có nhiều lỗ chân lông lớn với chân tóc mọc ở đây, là nơi lý tưởng cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển cùng với dầu nhờn và bụi bẩn tích tụ. Kén nang lông dễ xuất hiện ở người có da đầu dầu hoặc làm việc trong môi trường nóng ẩm, ít có điều kiện vệ sinh sạch sẽ.
Tác nhân gây kén nang lông vùng da đầu chủ yếu là vi khuẩn tụ cầu vàng, vi khuẩn gram âm hoặc nấm Trichophyton. Nếu bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như suy thận, đái tháo đường, lao, suy giảm miễn dịch thì tình trạng bệnh thường nghiêm trọng hơn, khó điều trị.
Có thể nhận biết kén nang lông vùng da đầu bằng các nốt sần nhỏ ở ngay chân tóc, có thể ở vùng nhỏ hoặc rộng, có nhiều vảy đặc biệt ở gáy và vùng tóc mai. Nếu không điều trị tốt, bệnh sẽ kéo dài dai dẳng nhiều năm, cảm giác ngứa khiến bệnh nhân gãi nhiều và khiến vùng da mắc bệnh càng lan rộng.
Vùng da lưng cũng là nơi thường bị kén nang lông
2.3. Vùng lưng
Nguyên nhân dẫn đến kén nang lông vùng lưng rất đa dạng, có thể do vệ sinh cá nhân kém, nhiễm khuẩn, dị ứng, bị kích ứng do cọ sát với vật liệu cứng hoặc da nhạy cảm bẩm sinh,… Triệu chứng nhận biết là trên da lưng xuất hiện nhiều vết sần đỏ ngứa ngáy, đau và khó chịu. Đôi khi có những kén nang lông nặng, chứa đầy dịch mủ sâu thành nhọt.
Các kén nang lông sau khi vỡ ra và lành lại thường để lại sẹo hoặc vết thâm đen kéo dài rất lâu. Dù bệnh dễ tái phát và thường kéo dài dai dẳng nhưng nếu điều trị đúng cách vẫn có thể kiểm soát bệnh được.
2.4. Vùng kín
Đây là vùng da nhạy cảm, nguyên nhân gây xuất hiện kén nang lông thường là: Tẩy lông vùng kín không đúng cách làm tổn thương nang lông, yếu tố cơ địa, vệ sinh không tốt, kích ứng với sản phẩm vệ sinh vùng kín hoặc do thường xuyên mặc quần lót chật và ẩm ướt,…
Biểu hiện của kén nang lông vùng kín là: nổi nhiều nốt mụn đỏ, mụn có lông, bên trong có mủ hoặc máu gây sưng viêm, đau nhức, ngứa ngáy khó chịu,…
3. Bác sĩ hướng dẫn phải làm gì khi bị kén nang lông?
Đa phần các trường hợp kén nang lông đều có thể chẩn đoán dễ dàng dựa vào thăm khám lâm sàng hoặc các kỹ thuật soi da. Đôi khi xét nghiệm hoặc nuôi cấy đơn giản được thực hiện để xác định chính xác tác nhân vi sinh vật gây bệnh.
Cần loại bỏ và hạn chế yếu tố gây kén nang lông
Việc điều trị kén nang lông chủ yếu vẫn là điều trị viêm và phục hồi tổn thương. Một số loại kem bôi hoặc thuốc có tác dụng giảm viêm, ngăn ngừa nhiễm khuẩn sẽ được dùng điều trị. Nếu trong kén nang lông chứa quá nhiều mủ, bác sĩ có thể thực hiện chích rạch để tháo mủ, giúp tổn thương nhanh phục hồi hơn. Một số trường hợp viêm nang lông do lông mọc ngược hoặc kích ứng khi mọc lông, bệnh nhân có thể cần loại bỏ lông bằng tia Laser.
Nhìn chung kén nang lông không khó điều trị, song bệnh dễ tái phát nếu không chăm sóc tốt hoặc điều trị không triệt để. Khi tái phát, bệnh thường nặng hơn và xuất hiện ở nhiều vùng da trên cơ thể hơn, do đó không nên chủ quan trong điều trị và phòng ngừa. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa kén nang lông hiệu quả bạn có thể áp dụng:
-
Hạn chế cạo râu, đặc biệt cao dao không có chất bôi trơn hỗ trợ ở cằm.
-
Hạn chế mặc quần áo quá chật, ẩm ướt.
-
Vệ sinh cơ thể và da mặt hàng ngày bằng chất tẩy rửa dịu nhẹ, tránh gây kích ứng da.
-
Tẩy hoặc cạo lông cẩn thận, nên chờ kén nang lông khỏi hoàn toàn mới thực hiện.
-
Hạn chế tắm bồn hoặc bể nước nóng không đảm bảo vệ sinh.
Vệ sinh da sạch sẽ là biện pháp cần thiết để phòng ngừa kén nang lông
Nếu bạn đã điều trị kén nang lông tích cực với các thuốc bôi được kê và chăm sóc tại nhà nhưng không hiệu quả, hãy sớm tới chuyên khoa da liễu để thăm khám. Nếu cần tư vấn thêm về bệnh, hãy liên hệ với chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900565656.