Bệnh cước chân không gây nguy hiểm nhưng lại khiến người bệnh khó chịu và gây ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, bệnh thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc trong thời điểm giao mùa đông xuân. Vậy nguyên nhân nào khiến bạn bị cước chân vào mùa đông và phải làm sao để khắc phục bệnh hiệu quả?
06/09/2021 | Chuyên gia da liễu tư vấn: Lăn kim có trị được rạn da không? 26/07/2021 | Bác sĩ Da liễu giải thích rõ cách điều trị dày sừng da dầu 11/05/2021 | Chuyên gia Da liễu chỉ ra các dấu hiệu bị viêm da điển hình
1. Nguyên nhân nào khiến bạn bị cước chân vào mùa đông?
1.1. Bị cước chân vào mùa đông có thể gây ra những triệu chứng gì?
Cước chân là tình trạng viêm các mạch máu nhỏ ở dưới da khiến cho da người bệnh có bị sưng lên, có cảm giác ngứa và bị đổi màu đỏ, trắng hoặc xanh tím. Nếu không được điều trị sớm, bệnh cước chân cũng có thể gây ra tình trạng phồng rộp da, viêm da, thậm chí là nhiễm trùng. Do đó, khi có những biểu hiện bệnh dưới đây, bạn không nên chủ quan mà nên đi khám càng sớm càng tốt:
Đầu ngón chân của người bị cước có hiện tượng sưng đỏ
+ Đầu ngón chân của bệnh nhân bị sưng đỏ.
+ Người bệnh có cảm giác bị nóng rát, đau như bị châm chính, thường xuyên bị ngứa da.
+ Da có biểu hiện chuyển màu, chuyển sang màu đỏ, xanh tím.
+ Đối với những trường hợp nặng, da của người bệnh có thể bị sưng phồng, mưng mủ hoặc viêm loét, thậm chí có thể dẫn đến nhiễm trùng nếu không được xử lý kịp thời.
Bất cứ ai cũng có thể gặp phải tình trạng này, tuy nhiên, dưới đây là một số trường hợp có nguy cơ cao:
+ Người mặc quần áo quá chật và thường xuyên để da tiếp xúc với thời tiết lạnh.
+ Người có hiện tượng thừa cân béo phì.
+ Phụ nữ thường có nguy cơ bị cước chân cao hơn nam giới.
+ Những người sinh sống và làm việc trong môi trường ẩm ướt, lạnh.
+ Những người có vấn đề về tuần hoàn máu thường nhạy cảm hơn với sự thay đổi của thời tiết.
+ Trường hợp mắc bệnh Raynaud: Khi mắc căn bệnh này, bệnh nhân dễ bị co thắt các mạch máu ngoại vi nếu phải đối mặt với điều kiện thời tiết lạnh hoặc cũng có thể là do gặp phải tình huống căng thẳng khiến cho lưu lượng máu đến các mô và tế bào bị cản trở.
+Bệnh nhân mắc bệnh Lupus: Đây là một tình trạng rối loạn tự miễn phổ biến gây ra tình trạng cước chân.
1.2. Những nguyên nhân khiến bạn bị cước chân vào mùa đông
Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng cước chân. Tuy nhiên, thời tiết lạnh ẩm và tuần hoàn máu kém được cho là có liên quan rất mật thiết đến những triệu chứng bệnh.
Thời tiết thay đổi đột ngột làm tăng nguy cơ bị cước chân
Hệ thống tuần hoàn gồm các mao mạch, tĩnh mạch và một số động mạch có nhiệm vụ mang máu đến các tế bào của cơ thể. Ở điều kiện thời tiết nóng bức, những mạch máu này sẽ mở rộng hơn để làm mát cơ thể. Ngược lại, trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thì các mạch máu sẽ co lại để giúp duy trì nhiệt độ cơ thể. Sự co thắt của hệ thống tuần hoàn chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bị cước chân.
Những triệu chứng cước chân sẽ trở nên nghiêm trọng hơn nếu bạn tiếp xúc với điều kiện thời tiết bất thường, thay đổi nhiệt độ đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc từ lạnh sang nóng. Tuy nhiên, với những nơi có điều kiện thời tiết lạnh nhưng hanh khô thì lại ít có nguy cơ gây ra bệnh cước chân.
2. Phải làm sao nếu bị cước chân vào mùa đông?
2.1. Biện pháp khắc phục khi bị cước chân vào mùa đông
Thông thường tình trạng bị cước chân vào mùa đông sẽ giảm dần khi thời tiết ấm lên. Tuy nhiên, bạn cũng có thể áp dụng những phương pháp dưới đây nếu muốn tình trạng này kết thúc nhanh chóng hơn:
- Giữ ấm toàn bộ cơ thể: Khi bị cước tay hoặc cước chân, nhiều người có xu hướng để chân cạnh lò sưởi hoặc dùng túi chườm nóng đặt trực tiếp lên vùng da bị cước. Tuy nhiên, đây là cách hoàn toàn sai lầm, thậm chí nó còn có thể khiến cho bệnh thêm nghiêm trọng. Lời khuyên cho bạn là hãy làm nóng toàn bộ cơ thể. Tuyệt đối không để vùng da bị cước tiếp xúc với nước quá nóng hoặc quá lạnh.
- Không nên gãi mà chỉ nên xoa nhẹ lên vùng da bị cước. Nếu bạn gãi quá nhiều có thể khiến da bị bong tróc, tổn thương và có thể dẫn tới nhiễm trùng.
Không nên gãi vùng da bị cước để tránh khiến da bị tổn thương
- Đối với những vùng da đã bị sưng phồng, mưng mủ thì chỉ nên giữ sạch da để tránh nhiễm trùng và đồng thời nên uống nhiều nước hơn.
- Nếu vùng da bị cước đang có biểu hiện dần phục hồi, bạn có thể dùng kem dưỡng ẩm cho da. Lưu ý chỉ nên sử dụng loại kem không mùi.
- Không nên hút thuốc nếu đang bị cước vì thói quen hút thuốc có thể khiến co mạch máu và đồng thời làm cho vùng da bị cước lâu hồi phục hơn.
- Nên tắm với nước ấm giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn.
2.2. Một số phương pháp tránh bị cước chân vào mùa đông
Để phòng tránh bị cước chân vào mùa đông, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Việc quan trọng nhất chính để tránh bị cước là giữ ấm cho cơ thể đúng cách. Khi phải ra ngoài trong điều kiện thời tiết lạnh ẩm, bạn nên giữ ấm cơ thể, tránh để da phải tiếp xúc trực tiếp với thời tiết lạnh ẩm. Nên mặc nhiều lớp quần áo hơn là việc mắc một lớp quần áo dày.
Nên đi tất để phòng tránh bị cước vào mùa đông
- Không nên tiếp xúc với các loại hóa chất có tính tẩy rửa mạnh.
- Nên lựa chọn loại giày phù hợp với kích cỡ chân và có khả năng giữ ấm tốt.
- Sau khi tắm nên chú ý lau khô chân.
- Nên đi tất để giữ ấm chân, lưu ý ưu tiên lựa chọn loại tất bằng len hoặc cotton.
- Nên tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu.
- Uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây mỗi ngày.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân dẫn tới tình trạng bị cước chân vào mùa đông và một số cách khắc phục, phòng ngừa hiệu quả. Nếu bạn có dấu hiệu bất thường, hãy gọi đến Tổng đài 1900 56 56 56 để được các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC tư vấn và đặt lịch khám sớm cho bạn.