Có rất nhiều phương pháp được sử dụng trong điều trị ung thư vú hiện nay, mỗi phương pháp lại có ưu nhược điểm, hiệu quả tiêu diệt tế bào ung thư khác nhau. Tùy từng giai đoạn bệnh, mức độ tiến triển lan rộng của khối u mà ung thư vú và cách điều trị sẽ được thiết kế khác nhau. Trong đó có những liệu pháp điều trị tiêu chuẩn, liệu pháp hỗ trợ và phòng ngừa.
07/01/2021 | Ung thư vú di căn sống được bao lâu - băn khoăn của nhiều người 07/01/2021 | Ung thư vú có chữa được không và các biện pháp phát hiện bệnh 25/12/2020 | Ung thư vú có mấy giai đoạn và dấu hiệu bệnh điển hình
1. Tìm hiểu ung thư vú và cách điều trị hiệu quả
Ung thư vú là khối u ác tính xuất hiện ở vú. Bệnh có thể mắc ở cả nam lẫn nữ nhưng đa số là ở nữ. Ung thư vú được chia làm 4 giai đoạn, tùy vào tiến triển của bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
Ung thư vú tùy giai đoạn sẽ được thiết kế biện pháp điều trị phù hợp
Trong đó, các biện pháp điều trị phổ biến là:
1.1. Phẫu thuật
Phẫu thuật là việc các bác sĩ cắt bỏ khối u ở vú, thường được áp dụng khi khối u chưa lan rộng.
Các kĩ thuật phẫu thuật trong điều trị ung thư vú gồm:
-
Phẫu thuật cắt bỏ khối u: kỹ thuật này giúp cắt bỏ khối u cùng 1 ít các mô lành xung quanh vị trí khối u.
-
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến vú hoàn toàn: Kỹ thuật này sẽ cắt bỏ toàn bộ vú và nạo hạch.
-
Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết: Áp dụng với trường hợp ung thư vú đã di căn đến hạch bạch huyết¸ thường chỉ cắt bỏ những hạch gần, đã di căn hoặc nguy cơ di căn cao và bảo tồn các hạch còn lại.
Với ung thư vú, phương pháp chính được sử dụng là phẫu thuật
Dựa trên chẩn đoán mức độ bệnh, kích thước khối u và độ lan rộng mà lựa chọn kỹ thuật phẫu thuật phù hợp. Một số biến chứng sau phẫu thuật mà bệnh nhân có thể gặp phải như: chảy máu, đau, nhiễm trùng, sưng cánh tay,…
Sau phẫu thuật, để đảm bảo tính thẩm mỹ, bệnh nhân có thể xem xét thực hiện tái tạo vú bằng cấy ghép silicon hoặc sử dụng chính mô vú để tái tạo.
Xạ trị hiện nay gồm 2 phương pháp là xạ trị trong và xạ trị ngoài, khác biệt ở chùm năng lượng bức xạ được chiếu từ ngoài cơ thể hay từ trong cơ thể. Những tia năng lượng này có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư song không thể triệt để bằng phẫu thuật. Vì thế, xạ trị ngoài thường chỉ định sau phẫu thuật ung thư vú để giảm nguy cơ tái phát.
Thời gian điều trị ung thư vú bằng xạ trị có thể kéo dài từ 3 ngày - 6 tuần tùy theo phương pháp điều trị. Bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ sau: mệt mỏi, sạm da, đỏ da, mô vú sưng phồng,… Những biến chứng nặng như tổn thương tim, phổi, ung thư thứ phát,… hiếm khi xảy ra hơn.
Để giảm kích thước khối u, thông thường các bác sĩ sẽ chỉ định hóa trị
1.3. Hóa trị
Hóa chất hay thuốc đặc hiệu có thể tiêu diệt tế bào ung thư và giảm mức độ tiến triển, lây lan bệnh sang các cơ quan khác. Hóa trị có tác dụng toàn thân nên cũng được sử dụng ở các trường hợp ung thư di căn xa đến các cơ quan trong cơ thể, giúp kiểm soát triệu chứng, giảm tiến triển bệnh và giảm đau đớn cho bệnh nhân.
Bệnh nhân ung thư điều trị bằng hóa trị thường bị rụng tóc, mệt mỏi, nôn, buồn nôn, vô sinh, mãn kinh sớm, tổn thương thần kinh,…
1.4. Liệu pháp hormone
Liệu pháp Hormone có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư vú nhạy cảm với hormone, hay còn gọi là ung thư thụ thể progesterone dương tính, estrogen dương tính,… Phương pháp này có thể thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật, kết hợp với phương pháp khác để ngăn ngừa nguy cơ ung thư tái phát. Với ung thư lan rộng, liệu pháp hormone giúp thu nhỏ và kiểm soát khối u tốt hơn.
Một số liệu pháp hormone đang được ứng dụng điều trị gồm:
-
Thuốc ngăn chặn hormone dính lấy tế bào ung thư.
-
Thuốc ngăn cơ thể sản sinh estrogen (thường dùng với phụ nữ mãn kinh).
-
Phẫu thuật hoặc thuốc ngăn chặn sản sinh hormone buồng trứng.
Tác dụng phụ có thể gặp với phương pháp điều trị này gồm: loãng xương, đông máu, đổ mồ hôi đêm, khô âm đạo,…
Ung thư vú và cách điều trị bằng liệu pháp hormone cũng được sử dụng
1.5. Điều trị trúng đích
Một số loại thuốc đặc hiệu có khả năng tấn công chính xác vào tế bào ung thư ác tính hoặc protein đặc hiệu mà tế bào ung thư vú sử dụng để phát hiện và tồn tại. Đây là phương pháp mới đem lại nhiều thành công trong điều trị ung thư vú, song mức độ phổ biến còn hạn chế bởi giá thành cao, chỉ hiệu quả với một số loại ung thư.
1.6. Liệu pháp miễn dịch
Phương pháp điều trị này can thiệp vào quá trình hệ miễn dịch sản sinh kháng thể tấn công tế bào ung thư. Nguyên nhân do tế bào ung thư có thể sản sinh protein “đánh lừa” hệ miễn dịch. Phương pháp này đang đạt hiệu quả tốt với các trường hợp ung thư không có thụ thể progesterone, estrogen hoặc HER2.
1.7. Chăm sóc hỗ trợ
Các phương pháp chăm sóc hỗ trợ tập trung vào giảm đau đớn và triệu chứng bệnh, giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe mạnh hơn, sống lâu hơn. Chăm sóc hỗ trợ cần thực hiện cả trong quá trình điều trị lẫn sau đó.
2. Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú theo giai đoạn bệnh
Giai đoạn bệnh với đặc điểm phát triển ung thư vú riêng sẽ hiệu quả với từng phương pháp và liệu trình điều trị khác nhau. Dưới đây là liệu pháp điều trị thường dùng với từng giai đoạn ung thư vú.
Lựa chọn phương pháp điều trị ung thư vú phụ thuộc vào giai đoạn bệnh
Giai đoạn 0
Phương pháp điều trị chính: Phẫu thuật.
Phương pháp điều trị hỗ trợ: Xạ trị, liệu pháp hormone.
Giai đoạn 1
Phương pháp điều trị chính: Phẫu thuật.
Phương pháp điều trị hỗ trợ: Hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone.
Giai đoạn 2
Phương pháp điều trị chính: Phẫu thuật.
Phương pháp điều trị hỗ trợ: Xạ trị, hóa trị, liệu pháp hormone.
Giai đoạn 3
Phương pháp điều trị chính: Hóa trị, Phẫu thuật.
Phương pháp điều trị hỗ trợ: Liệu pháp miễn dịch, hóa trị, xạ trị trước và sau phẫu thuật.
Giai đoạn 4
Phương pháp điều trị chính: Điều trị toàn thân.
Phương pháp điều trị hỗ trợ: Phẫu thuật, hóa xạ trị.
Trên đây là những thông tin về ung thư vú và cách điều trị. Nếu cần tư vấn để hiểu rõ hơn về căn bệnh nguy hiểm này, hãy liên hệ hotline 1900565656 để được chuyên gia MEDLATEC hỗ trợ.