Muốn đánh giá sọ não không xâm lấn thì chụp cộng hưởng từ được xem là giải pháp tối ưu. Thông qua hình ảnh thu được từ chụp cộng hưởng từ não bác sĩ sẽ chẩn đoán nhanh chóng, chính xác các bất thường tại đây, đặc biệt là u não, dị dạng mạch máu não,... mà không cần tiêm cản quang.
23/08/2019 | Chụp cộng hưởng từ là gì có nên sử dụng phương pháp này hay không 23/08/2019 | Những điều nên biết trước khi chụp cộng hưởng từ 02/08/2019 | Bạn cần biết chụp cộng hưởng từ là gì? 02/08/2019 | Những ai nên chụp cộng hưởng từ não, ưu điểm của phương pháp này là gì?
1. Vì sao phải chụp cộng hưởng từ não?
1.1. Chụp cộng hưởng từ não là gì?
Chụp cộng hưởng từ não (MRI) là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sử dụng từ trường và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và thân não. Khác với chụp CT, MRI không sử dụng bức xạ, không xâm lấn nên tương đối an toàn.
Máy chụp cộng hưởng từ não 1.5 Tesla tại MEDLATEC
Máy dùng để chụp MRI gồm một nam châm lớn có đường hầm ở trung tâm. Người bệnh sẽ nằm trên một chiếc bàn có khả năng tự động trượt vào đường hầm này, khi chụp, sóng radio đập vào các vị trí từ của các nguyên tử trong cơ thể và phát ra tín hiệu, máu thu nhận lại tín hiệu bằng một ăng-ten mạnh rồi gửi đến máy tính. Tại đây, máy tính sẽ thực hiện hàng triệu phép tính để cho kết quả rõ ràng về các mặt cắt của não. Hình ảnh có thể được chuyển đổi thành hình ảnh 3D nhằm xác định các trục trặc và bất thường trong não và thân não.
1.2. Vì sao phải chụp cộng hưởng từ não?
Cộng hưởng từ cho phép phát hiện một loạt tình trạng bệnh lý của não như phù nề, xuất huyết, có khối u, nang, bất thường về cấu trúc, bệnh nhiễm trùng, viêm, vấn đề về mạch máu, tuyến yên, thân não. Ngoài ra nó còn xác định thông động tĩnh mạch và phát hiện tổn thương não do đột quỵ hoặc chấn thương.
Không những thế, chụp cộng hưởng từ não còn hữu ích trong việc đánh giá các vấn đề khác như đau đầu hoặc chóng mặt kéo dài, yếu hoặc liệt cơ, suy giảm thị lực hoặc động kinh, phát hiện các bệnh lý hệ thần kinh mãn tính. Một số trường hợp nó còn cung cấp hình ảnh rõ ràng về các thành phần nhu mô não mà chụp X-quang, siêu âm hay CT không thể thấy rõ.
Chụp cộng hưởng từ cho phép phát hiện một loạt tình trạng bệnh lý của não
Những tác dụng này của chụp MRI sẽ có hiệu quả với bệnh nhân có các triệu chứng sau:
- Đau đầu từng cơn hoặc liên tục, âm ỉ hoặc dữ dội, đau nửa hoặc toàn bộ đầu... trong thời gian dài.
- Thường xuyên có cảm giác chóng mặt.
- Ngủ kém: ngủ chập chờn, khó vào giấc, hay tỉnh giấc giữa đêm, tỉnh giấc sớm mà không ngủ lại được, mất ngủ cả đêm... kéo dài.
- Suy giảm trí nhớ: khả năng tư duy và tập trung kém, dễ nhầm lẫn, hay nói đi nói lại một vấn đề, hay quên...
- Liệt hoặc yếu nửa người: run tay khó cầm nắm, làm rơi thức ăn hoặc rơi đũa, khó đi lại hoặc không vận động được, rối loạn cảm giác...
- Khó nói, nói khó nghe, méo mặt, méo miệng.
- Đau một bên mắt, giảm thị lực.
- Co giật, động kinh.
- Cứng gáy, nôn vọt, táo bón... thường xuyên.
2. Chụp cộng hưởng từ não lợi ích và nguy cơ
2.1. Lợi ích
- Kỹ thuật không gây xâm lấn, không chứa bức xạ ion hóa nên an toàn cho bệnh nhân, nhất là những trường hợp cần chụp để đánh giá nhiều lần.
- Đánh giá được rõ ràng và chi tiết cấu trúc não hơn CT, X-quang nên được xem là phương pháp tối ưu nhất trong chẩn đoán và đánh giá bệnh lý ở não.
- So với chất được dùng trong chụp CT thì chất tương phản tiêm khi chụp MRI não ít gây dị ứng hơn.
- Không cần tiêm cản quang vẫn chụp được mạch máu não.
- Đánh giá được tổn thương bị xương che khuất – điều rất khó quan sát trong các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
- Phát hiện giai đoạn sớm của bệnh đột quỵ.
2.2. Nguy cơ
- Gần như chưa ghi nhận một trường hợp nguy cơ nào do chụp cộng hưởng từ não khi tuân thủ đúng các hướng dẫn an toàn của bác sĩ và kỹ thuật viên.
- Hiếm khi xảy ra dị ứng với thuốc tương phản, nếu có thì cũng rất nhẹ và kiểm soát đơn giản.
Nhìn chung, trừ trường hợp từ trường cao của máy có thể ảnh hưởng đến các thiết bị cấy - ghép kim loại trong cơ thể hoặc vùng đầu – não; thì đến nay MRI não vẫn được đánh giá là không gây tác hại hay ảnh hưởng nào cho sức khỏe. Để tránh nguy cơ này, nếu có đặt máy hay thiết bị cấy ghép kim loại, điện tử, răng giả, mảnh đạn kim loại,... trước khi chụp bệnh nhân cần thông báo đến nhân viên chụp MRI để lấy chúng ra. Ngoài ra, các vật dụng bằng kim loại đeo trên người cũng nên tháo ra trước khi chụp.
Với những ai cần tiêm thuốc tương phản, trước khi tiêm, nhân viên y tế sẽ hỏi về tiền sử dị ứng thuốc và bệnh thận để đảm bảo an toàn. Các phản ứng phụ có thể gặp phải là: chóng mặt, buồn nôn, nôn, nhức đầu, tê tay chân, nổi mẩn... chúng sẽ nhanh chóng mất đi khi dùng thuốc chống dị ứng.
3. Chuẩn bị, tư thế và kết quả chụp cộng hưởng từ não
3.1. Chuẩn bị cho bệnh nhân
Trước khi chụp cộng hưởng từ não bệnh nhân cần:
- Đi vệ sinh.
- Lắng nghe chuyên viên kỹ thuật giải thích quy trình chụp.
- Đeo bảo vệ tai hoặc nhét nút tai.
- Loại bỏ mọi vật bằng kim loại có trên cơ thể.
- Đặt đường truyền tĩnh mạch nếu được bác sĩ yêu cầu.
- Ký cam kết đồng ý chụp MRI.
3.2. Tư thế của người bệnh
- Nằm ngửa 2 tai xuôi, 2 chân duỗi thẳng.
- Đầu đặt cố định vào coil chụp, hướng đầu chân.
Tư thế của người bệnh trước khi chụp cộng hưởng từ não
3.3. Kết quả chụp MRI não
Một bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh sẽ đọc kết quả thu được sau khi chụp cộng hưởng từ não rồi gửi bản báo cáo đến bác sĩ chỉ định chụp MRI. Tại đây, bác sĩ sẽ xem xét, thảo luận về các kết quả và giải thích ý nghĩa hình ảnh cho bệnh nhân. Hầu hết các trường hợp chụp sẽ không nhận kết quả ngay tại thời điểm vừa chụp xong MRI. Kết quả chỉ được cung cấp nhanh hơn với những bệnh nhân chụp cấp cứu.
Những tác dụng mà chụp cộng hưởng từ não mang lại là không thể phủ nhận nhưng cũng không phải vì thế mà tự ý thực hiện được. Người bệnh chỉ nên chụp MRI khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Nếu có triệu chứng nào như đã được nêu trên đây, bạn đọc có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 hoặc đến trực tiếp Bệnh viện đa khoa MEDLATEC để được các chuyên viên y tế, bác sĩ giàu kinh nghiệm của chúng tôi thăm hỏi kỹ lưỡng tình trạng sức khỏe, xem xét khả năng cần thiết của việc thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh này.