Vảy nến - một bệnh mạn tính ngoài da không có tính chất lây lan rất phổ biến hiện nay. Đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Tuy nhiên việc điều trị theo các nguyên nhân gây ra bệnh đã và đang được tiến hành rất tốt. Vậy nguyên nhân bệnh vảy nến là gì? Dấu hiệu để nhận biết chúng ra sau?
11/10/2020 | Bệnh vảy nến có thể lây từ người sang người không? 11/05/2020 | Những thông tin cần biết về bệnh vảy nến
1. Những nguyên nhân bệnh vảy nến cơ bản nhất
Do di truyền:
Theo thống kê Bolgert, yếu tố di truyền chiếm đến 29,8% trong tổng số nguyên nhân bệnh vảy nến. Bệnh tiềm ẩn từ khi sinh ra do di truyền từ bố mẹ, khi gặp những yếu tố tác động sẽ bùng phát ra bên ngoài.
Rối loạn hệ miễn dịch:
Phát hiện và tiêu diệt các yếu tố gây bệnh xâm nhập vào cơ thể là cơ chế do hệ miễn dịch sinh ra để bảo vệ cơ thể. Khi hệ miễn dịch bị rối loạn dẫn đến gây tổn thương cho chính bản thân, trong đó có hệ thống da. Việc này đã làm thúc đẩy quá trình tăng sinh các tế bào da nhanh hơn bình thường. Các tế bào da cũ chưa được thay thế, các tế bào da mới đã xuất hiện, dẫn đến dư thừa, tích tụ lại thành từng mảng. Các mảng da chết này thường dày, có màu trắng sáp như nến, đỏ ửng và dễ gây ngứa. Đây cũng là lý do tại sao bệnh có tên là vảy nến như chúng ta thường gọi.
Các yếu tố gây stress hàng ngày:
Đây cũng là nguyên nhân gây khởi phát và làm bệnh trầm trọng hơn. Một số nghiên cứu cho rằng, ở những người mắc bệnh thường dễ bị kích thích hoặc lo lắng thái hóa.
Căng thẳng trong cuộc sống hằng ngày là nguyên nhân khởi phát bệnh vảy nến
Thường xuyên tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm:
Cơ thể con người đặc biệt là vùng da thường xuyên làm việc trong môi trường bị ô nhiễm, tiếp xúc với nhiều khói bụi, vi khuẩn có trong khí rất dễ bùng phát bệnh.
Dùng thuốc không đúng chỉ định:
Việc chúng ta sử dụng thuốc một cách bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ cũng là một trong những nguyên nhân bệnh vảy nến. Một số loại thuốc bạn cần lưu ý trong quá trình sử dụng như: Lithium, một số thuốc chống sốt rét, thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc chống viêm, thuốc điều trị suy tim sung huyết,…
Thiếu quan tâm đến các vùng da đang bị tổn thương:
Đa số chúng ta rất hay lơ là đối với những vùng da bị tổn thương, chủ quan và không chữa trị. Việc này đã tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tấn công làm gia tăng rối loạn chuyển hóa dẫn đến gây bệnh. Tuy chỉ chiếm 14% trong tổng số các nguyên nhân, nhưng chúng ta vẫn cần phải chú trọng hơn để giảm thiểu rủi ro gây và tái phát bệnh.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp:
Không thuộc một trong những nguyên nhân đáng báo động. Tuy nhiên, những bệnh nhân có tiền xử bị viêm họng, viêm amidan vẫn xuất hiện vảy nến trên cơ thể.
Yếu tố thời tiết:
Một nguyên nhân khác nữa gây khởi phát bệnh đó là trời quá lạnh và khô khiến da nứt nẻ, khô khan. Ở một số người, nếu thời tiết chuyển lạnh đột ngột rất dễ gây dị ứng da, và tái phát bệnh nhanh chóng.
Không chỉ vậy, nếu da tiếp xúc trực tiếp quá lâu dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt từ 10h - 15h vẫn gây bất lợi cho cơ thể. Khoảng thời gian này các tia tử ngoại từ mặt trời có thể gây tổn thương các tế bào da, ngoài ra cũng rất dễ gây ung thư da.
Thói quen sống không lành mạnh:
Duy trì một thói quen sống không lành mạnh là một yếu tố vô cùng bất lợi cho cơ thể nói chung và bệnh vảy nến nói riêng. Những đối tượng thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc bệnh và tái phát cao hơn người bình thường. Nguyên nhân chính là những chất này gây tác mạnh, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của cơ thể.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tái phát bệnh vảy nến
Một số rối loạn khác:
Rối loạn chuyển hóa đạm, đường hoặc các rối loạn nội tiết tố ở phụ nữ cũng là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến vẩy nến trên cơ thể.
2. Đâu là dấu hiệu giúp bạn phát hiện mình có đang bị vảy nến hay không?
Ngoài việc tìm hiểu nguyên nhân bệnh vảy nến, bạn cũng nên nắm được đâu là những dấu hiệu nhận biết. Vảy nến chủ yếu gây tổn thương ngoài da, nên việc phát hiện bệnh khá dễ dàng. Bệnh thường tồn tại theo nhiều thể khác nhau và mỗi thể sẽ có những dấu hiệu nhận biết riêng.
-
Thể mảng: Đây là thể thường gặp nhất. Trên bề mặt da phủ đầy vảy bạc, đỏ ửng. Giữa phần da bình thường và da bị tổn thương rất dễ phân biệt bởi đường rìa có màu hồng. Một số gây khô, nứt nẻ thậm chí là chảy máu kèm theo đó là ngứa, rát hoặc đau nhức.
Vảy nến xuất hiện thành từng mảng
-
Thể giọt: Ở vùng da bị tổn thương hình thành những hạt lấm tấm màu đỏ như giọt nước, trên bề mặt xuất hiện vảy nến. Viêm sưng có thể xảy ra ở ở thể này.
-
Thể nến da đỏ: Thể này được biết đến khi bệnh đã tiến triển khá nặng. Nguyên nhân dẫn đến là do người mắc bệnh không sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, tự ý ngưng sử dụng thuốc. Nghiêm trọng hơn là tin vào những lời đồn vô căn cứ mà sử dụng những bài thuốc nam, bắc tại nhà. Dẫn đến bệnh càng ngày càng phát triển, da bong tróc thành những mảng to, lây lan nhanh ra toàn thân. Chính sự lây lan nhanh này tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập. Dần dần làm suy yếu hệ thống miễn dịch, mất khả năng bảo vệ cơ thể, gây nhiễm trùng đặc biệt là nhiễm trùng huyết dẫn đến tử vong.
-
Thể khớp: Hay còn gọi là viêm khớp vảy nến. Ở thể này, bên cạnh việc xuất hiện những mảng da đỏ, có vảy trắng, gây ngứa ở các khớp tay, chân,... Người bệnh còn xuất hiện những triệu chứng như khớp sưng, đỏ và thường xuyên cảm thấy đau nhức.
Vảy nến ở khủy tay gây ngứa ngáy, khó chịu
-
Thể mủ: Trên bề mặt những vùng da bị tổn thương chứa đầy mủ trắng. Thể này thường thấy ở da bàn tay, da bàn chân hoặc toàn thân.
-
Thể móng: Một trong những nguyên nhân làm những người mắc bệnh lo ngại khi xuất hiện do bệnh thể hiện ở các vùng móng tay, chân. Các móng bị tổn thương thường bị đổi màu, sần sùi, thậm chí là biến dạng.
-
Vảy nến đảo ngược: Thể này có khác hơn so với những thể kia ở vùng da bị tổn thương không thấy có vảy trắng, tuy nhiên da vẫn đỏ màu đỏ tươi và mịn. Thường xuất hiện ở vùng da có những nếp gấp như: nách, háng, dưới bầu vú,...
Qua những nguyên nhân bệnh vảy nến và dấu hiệu nhận biết trên, chắc hẳn các bạn đã có cái nhìn khách quan hơn về bệnh, dễ dàng nhận biết mình có mắc phải hay không. Nếu bản thân đã xuất hiện những dấu hiệu đó, việc tốt nhất bạn nên làm là đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Các bác sĩ sẽ giúp bạn tìm ra nguyên nhân để từ đó có thể đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp. Việc tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ giúp bạn khống chế được bệnh, hạn chế số lần tái phát.
Nếu có bất kỳ thắc mắc, khó khăn nào, hãy liên hệ với chúng tôi Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900565656 để được giải đáp và tư vấn miễn phí.