Vảy nến được xếp vào loại bệnh tự miễn, là một bệnh da liễu mạn tính, xuất hiện ở nhiều quốc gia. Bệnh gây tổn thương ở da, ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ. Trong bài viết kỳ này, MEDLATEC sẽ chia sẻ một số thông tin cơ bản về bệnh nhằm giúp bạn đọc có thể phòng ngừa, điều trị hiệu quả.
28/11/2015 | Bài thuốc dân gian chữa bệnh vảy nến 11/03/2014 | Điều trị bệnh vảy nến: Cũ và mới
1. Bệnh vảy nến - một dạng bệnh tự miễn phổ biến
Hiện nay, theo thống kê có khoảng 2 triệu người Việt Nam mắc bệnh vảy nến. Đây là một trong số các bệnh tự miễn về da thường gặp. Bệnh tiến triển theo từng đợt và chưa có thuốc đặc trị. Bệnh lành tính, thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, tâm lý và những hệ lụy của nó. Nam gặp nhiều hơn nữ, người lớn nhiều hơn trẻ em.
Ở người bình thường, khi có sự xâm nhập của các loại tác nhân gây bệnh (hay còn gọi là kháng nguyên), hệ miễn dịch trong cơ thể sẽ nhanh chóng sản sinh ra kháng thể để tiêu diệt kháng nguyên đó. Tuy nhiên, với những người mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch của họ sẽ sinh ra kháng thể và tấn công các tế bào của chính cơ thể mình.
Vảy nến gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến tâm lý người mắc
2. Các dạng bệnh vảy nến
Bệnh có biểu hiện là các mảng tổn thương da màu hồng hình tròn hoặc hình bầu dục, bao phủ bởi lớp vảy màu trắng hoặc màu bạc, dễ bong tróc.
Dựa vào các đặc điểm tổn thương mà bệnh bao gồm các thể như sau:
Bệnh ở dạng mảng
Ở dạng này, da người bệnh xuất hiện các mảng sần màu hồng, giống nổi ban nhưng diện tích rộng hơn, có vẩy. Thường gặp nhiều ở các vị trí như khuỷu tay, đầu gối, bàn tay hoặc da đầu, vùng dưới lưng.
Bệnh ở dạng giọt
Bệnh gặp nhiều ở trẻ em và những người trưởng thành, tỷ lệ người lớn tuổi mắc dạng này không cao. Các đa tổn thương ở dạng giọt xuất hiện trên toàn thân. Thông thường bệnh xảy ra sau khi bị viêm họng do Streptococcus.
Bệnh ở móng
Móng ở người bị bệnh lâu ngày sẽ dẫn đến những thay đổi. Móng dày lên, có nhiều vết lõm và biến đổi về màu sắc.
Khớp vảy nến
Hầu hết các bệnh nhân đều có tình trạng đau khớp, là tình trạng bệnh khớp huyết thanh âm tính. Tất cả các khớp đều có thể bị ảnh hưởng nhưng nhiều nhất là khớp cùng chậu và khớp gian đốt bàn tay.
Bệnh ở dạng mủ
Vùng da tay và chân xuất hiện những mụn mủ vô khuẩn hoặc nặng hơn có thể xuất hiện toàn thân. Đây là đặc điểm lâm sàng, rõ ràng và đặc trưng của bệnh. Bệnh ở dạng này ít gây nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên bệnh gây những biến thể mạn thể do đáp ứng kém với liệu trình điều trị.
Các mụn mủ nổi toàn thân người bệnh
Bệnh ở da đầu
Da đầu là vị trí thường gặp với những mảng dày màu đỏ, phú một lớp vảy bạc. Hầu hết các bệnh nhân đều có đo kèm với biểu hiện rụng tóc.
Vảy nến nếp gấp
Dạng này còn hay gọi là thể tăng tiết nhờn. Bệnh hay gặp ở những người béo phì do da có nhiều nếp gấp, nhất là ở vùng nắc, bẹn, hông,…
3. Những lưu ý đối với bệnh vảy nến
Bệnh chưa xác định được nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh hiện nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Theo một số chuyên gia cho rằng bệnh xuất phát từ hệ miễn dịch suy yếu hoặc rối loạn. Một số yếu tố nguy cơ có thể cấu thành bệnh như: di truyền, môi trường sống, căng thẳng tâm lý, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết, do nhiễm khuẩn hoặc sử dụng các thuốc kháng sinh không đúng cách,…
Bệnh chưa có thuốc đặc trị
Các bệnh nhân bệnh tự miễn cần phải hiểu hiện nay chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào. Hầu hết các thuốc bệnh nhân sử dụng đều mang tính kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Bệnh nhân cần phải chuẩn bị tinh thần sống chung với bệnh cả đời. Tuy nhiên, thực hiện nghiêm chỉnh theo hướng dẫn của bác sĩ cùng với chế độ dinh dưỡng, luyện tập và lối sống lành mạnh sẽ rất tốt trong việc hạn chế những đau đớn và khó chịu của bệnh.
Chế độ dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp bệnh nhân hạn chế những phiền toái của bệnh
Bệnh không lây nhiễm
Vảy nến là bệnh xuất phát từ bên trong cơ thể, không phải do virus hay vi khuẩn nên không lây nhiễm cho người khác. Nhưng một thực tế đáng buồn là những bệnh nhân bị vảy nến dễ bị người xung quanh xa lánh hay kì thị chỉ vì sợ lây bệnh. Những lời mỉa mai, cười chê khi thấy bệnh nhân có những tổn thương trên da khiến càng áp lực, tự ti và khép mình. Điều đó có thể khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Ai cũng có thể mắc bệnh
Không giới hạn đối tượng mắc bệnh, bất kỳ ai cũng có thể là nạn nhân của vảy nến. Theo nhiều nghiên cứu đều chỉ ra tỷ lệ nam nữ mắc bệnh ngang nhau. Thường gặp nhất là người trên 20 tuổi, cũng có thể gặp ở người trên 50 tuổi. Đối với trẻ em dưới 10 tuổi thường gặp là do di truyền.
Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh hay thuốc nam
Có nhiều người thấy những mảng ngứa trên da đã vội vã tự ý đi mua thuốc hoặc tìm các loại cây dân gian. Nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc bôi hoặc thuốc uống, nhất là kháng sinh khiến cho việc sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ khó khăn, có thể dẫn đến trường hợp kháng kháng sinh hoặc các loại thuốc phản ứng với nhau.
Vì chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh theo Tây y khiến bệnh tái phát nhiều lần. Do đó nhiều người chán nản tìm đến các phương pháp dân gian. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp hay mà nhiều khi còn gây tác dụng ngược. Các phương pháp điều trị không chính thống có thể khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Nếu thiếu hiểu biết, người bệnh sử dụng các loại thuốc nam chứa nhiều corticoid có thể gây suy tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa, tim mạch, loãng xương,…
Sử dụng thuốc nam khiến việc điều trị Tây y gặp khó khăn
Mặc dù hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh vảy nến nhưng các bác sĩ luôn nỗ lực để kiểm soát quá trình tiến triển và tổn thương tế bào da. Các phương pháp điều trị Tây y nhằm hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra cho bệnh nhân. Vì vậy người bệnh không nên quá lo lắng khiến bệnh nặng hơn mà tốt nhất hãy thực hiện theo những hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để chung sống hòa bình với bệnh.