Tiêu chảy là tình trạng khá thường gặp song hầu hết bạn sẽ thấy phân mình có màu vàng hoặc nâu kèm theo nhiều dịch lỏng. Tuy nhiên tiêu chảy ra phân màu đỏ có thể là máu hoặc do nguyên nhân khác, cần tìm hiểu chính xác để xử lý tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.
10/06/2021 | Nguyên nhân và cách phòng bệnh tiêu chảy cấp cho bé hiệu quả 24/05/2021 | Hiểu rõ, đúng nguyên nhân tiêu chảy cấp để phòng ngừa hiệu quả 27/12/2020 | Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt
1. Nhận biết màu sắc phân khi bị tiêu chảy
Tiêu chảy có thể gặp ở cả trẻ nhỏ và người lớn, tác nhân phổ biến nhất là norovirus, ngoài ra còn do vi khuẩn hoặc sử dụng nhiều kháng sinh làm mất cân bằng hệ sinh vật trong dạ dày.
Tiêu chảy là triệu chứng tiêu hóa thường gặp
Tiêu chảy là triệu chứng tiêu hóa phổ biến với các dấu hiệu sau:
-
Đi ngoài ra phân lỏng nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày).
-
Đau bụng.
-
Cơ thể mệt mỏi, mất nước, chóng mặt.
-
Chuột rút, đau co cứng ở bụng.
-
Sốt.
Nếu tiêu chảy bình thường, phân của bạn sẽ có màu vàng hoặc nâu, nếu bạn thấy phân có màu đỏ thì cần kiểm tra nguyên nhân. Có thể màu đỏ trong phân là máu hoặc do nguyên nhân khác.
2. Nguyên nhân chính dẫn đến tiêu chảy ra phân màu đỏ
Có nhiều nguyên nhân khiến bạn tiêu chảy ra phân màu đỏ, cần lưu ý 1 số nguyên nhân nghiêm trọng có thể nguy hiểm với sức khỏe, cần đi khám và điều trị. Tùy vào từng nguyên nhân mà tình trạng tiêu chảy có màu đỏ này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn hoặc lặp lại trong thời gian dài.
Màu đỏ trong phân có thể do tiêu thụ thức uống màu đỏ
2.1. Do tiêu thụ thực phẩm có màu đỏ
Phẩm màu được sử dụng phổ biến trong các loại thực phẩm và nước uống, đa phần phẩm màu thực phẩm là an toàn với hệ tiêu hóa. Tuy nhiên nếu bạn bị tiêu chảy, phẩm màu không được hấp thu sẽ ra ngoài cùng phân khiến phân có màu đỏ.
Nếu bị tiêu chảy có màu đỏ, hãy kiểm tra bạn có sử dụng thực phẩm hay nước uống có phẩm màu này như kẹo, nước ép trái cây, nước ngọt, rượu,…
2.2. Viêm đường ruột
Viêm đường ruột là bệnh chỉ tình trạng viêm do virus hoặc vi khuẩn gây tổn thương tại vị trí bất cứ trong đường ruột. Viêm, tổn thương nặng và kéo dài, đặc biệt trong viêm loét đại trực tràng và bệnh Crohn thường gây tiêu chảy ra máu. Triệu chứng đi kèm là đau bụng từ mức độ vừa đến nặng gây cảm giác vô cùng khó chịu, chán ăn, sốt, mệt mỏi, buồn nôn,…
Viêm ruột có thể gặp ở mọi lứa tuổi, bệnh kéo dài dai dẳng và diễn biến phức tạp. Do đó nếu tiêu chảy ra máu đi kèm với các dấu hiệu nghi ngờ trên, cần đi khám và điều trị. Biến chứng do viêm ruột gây ra có thể gặp như suy dinh dưỡng, mất máu, mất nước, tắc nghẽn đường ruột,…
Cẩn thận tiêu chảy ra phân màu đỏ do xuất huyết tiêu hóa
2.3. Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết dạ dày hoặc xuất huyết cơ quan nào trong hệ tiêu hóa cũng khiến phân bạn lẫn máu và có màu đỏ. Vị trí thường bị xuất huyết tiêu hóa ra máu kèm phân như: hậu môn, đại tràng, ruột, dạ dày,… Nguyên nhân chủ yếu do bệnh lý đường tiêu hóa không đường kiểm soát tốt, bệnh nhân thường có triệu chứng đi kèm như: đau quặn bụng, sốt, nhiễm trùng, sốc do mất máu,…
Cần cẩn thận với trường hợp xuất huyết tiêu hóa nghiêm trọng, máu xuất hiện với lượng nhiều khi đi ngoài tiêu chảy. Bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ mất máu kèm với mất nước nên cần đi khám và điều trị sớm.
2.4. Tiêu chảy do Rotavirus
Rotavirus là virus gây tiêu chảy có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, song trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bị nặng hơn do hệ tiêu hóa còn non nớt. Không nên chủ quan với tiêu chảy do Rotavirus, nếu không điều trị tốt, hệ tiêu hóa bị tấn công có thể tổn thương dẫn đến chảy máu, mất nước hoặc thậm chí tử vong.
Rotavirus có thể gây tiêu chảy kéo dài từ 2 - 3 ngày, đa phần phân tiêu chảy toàn nước, có đờm nhớt và màu xanh. Nếu xuất hiện màu đỏ nghi ngờ do xuất huyết, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Cùng với đó phải bù nước và chất điện giải cho người bệnh, tránh mất nước nguy hiểm đến tính mạng.
Ngộ độc thực phẩm nặng có thể gây chảy máu tiêu hóa
2.5. Ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm do ăn phải thực phẩm chứa độc chất sẽ gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa nghiêm trọng như tiêu chảy, nôn mửa, mệt mỏi, ớn lạnh, sốt cao, đau bụng,… Ngộ độc nhẹ thường chỉ kéo dài 1 vài ngày rồi triệu chứng sẽ biến mất.
Nếu ngộ độc thực phẩm đi kèm với tiêu chảy ra máu, nôn ra máu, tay chân lạnh, đau bụng dữ dội,… thì cần đưa bệnh nhân nhập viện để được theo dõi và điều trị.
2.6. Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ xảy ra khi mạch máu nuôi bị tắc nghẽn hoặc chèn ép, khiến lưu lượng máu nuôi đến đại tràng giảm. Sự thiếu hụt oxy và dinh dưỡng kéo dài sẽ gây tổn thương tế bào đại tràng dẫn đến viêm. Nguyên nhân gây tắc mạch máu rất đa dạng, có thể là do cục máu đông, chấn thương hoặc mảng bám cholesterol trong động mạch.
Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu cùng nhiều triệu chứng khác như: đau dữ dội ở bụng, đầy hơi, ói mửa, buồn nôn,…
Cần xác định tiêu chảy ra máu do nguyên nhân này sớm bởi đây là tình trạng cấp tính nguy hiểm. Nếu không được điều trị thông tắc mạch máu, mô đại tràng có thể bị hoại tử gây biến chứng cho sức khỏe.
3. Khi nào tiêu chảy ra phân màu đỏ cần đi khám bác sĩ?
Nếu nguyên nhân gây màu đỏ trong phân tiêu chảy chỉ do tiêu thụ thực phẩm có màu thì đây không phải là tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu màu đỏ này là máu, xuất hiện với số lượng nhiều cùng các triệu chứng kèm theo thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Cẩn thận tiêu chảy ra phân màu đỏ đi kèm với triệu chứng thiếu máu, chóng mặt
Lượng máu mất đi lớn qua đường tiêu hóa có thể gây nhiều biến chứng sức khỏe như suy thận, thiếu sắt, mất nước, mất máu,… Vì thế không nên chủ quan nếu tiêu chảy ra phân màu đỏ là do máu tươi hoặc máu đông chảy ra và đọng lại trong hệ tiêu hóa. Cần chẩn đoán tìm nguyên nhân và khắc phục bệnh sớm, tránh tình trạng chảy máu nghiêm trọng.
Thông thường, đi ngoài ra máu khi có thể nhìn thấy bằng mắt thường tức bệnh đã diễn tiến nặng. Thực tế trong phân có thể lẫn máu từ lâu nhưng lượng ít nên người bệnh không nhận ra. Khi thăm khám, tùy vào từng trường hợp cụ thể các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp, trong đó có thể xét nghiệm tìm máu trong phân để sàng lọc các bệnh lý nguy hiểm như ung thư đại trực tràng.
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC đã tiếp nhận và điều trị thành công cho hàng nghìn bệnh nhân bị tiêu chảy ra phân có màu đỏ. Với đội ngũ y bác sĩ nhiều năm trong nghề, Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế ISO 15189:2012, chắc chắn MEDLATEC là cơ sở y tế xứng đáng để bạn trao gửi niềm tin.
Tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.