Rối loạn chuyển hóa lipid hiện nay đang được nhiều người quan tâm bởi tỷ lệ mắc tăng cao qua các năm và có xu hướng trẻ hóa. Bổ sung kiến thức về rối loạn lipid máu sẽ giúp bạn có biện pháp tránh xa căn bệnh này. Đừng bỏ qua những thông tin hữu ích dưới đây của các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.
25/02/2022 | Rối loạn lipid máu là bệnh gì - những điều bạn nên biết! 27/05/2021 | Ai cũng có thể bị rối loạn lipid máu, vì thế nên nhớ điều này 21/10/2020 | Một số dấu hiệu rối loạn lipid máu thường gặp nhất
1. Tổng quan về chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu
Rối loạn lipid máu là tình trạng các chỉ số mỡ máu thay đổi bất thường bao gồm tăng Cholesterol, Triglyceride, LDL-Cholesterol và giảm HDL-Cholesterol. Bệnh thường gặp ở người trung và cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa dần khiến không ít người lo lắng.
Sự bất thường của các chỉ số mỡ máu dẫn đến chứng rối loạn chuyển hóa lipid
Ở giai đoạn đầu, các biểu hiện của rối loạn lipid máu rất khó phát hiện thông qua triệu chứng. Bệnh âm thầm phát triển trong khoảng thời gian dài và có biểu hiện rõ ràng khi biến chứng trên các cơ quan.
2. Nguyên nhân
Rối loạn lipid máu có mối quan hệ mật thiết với chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Những thói quen tiêu cực làm tăng nguy cơ dẫn đến mỡ máu bao gồm:
Chế độ ăn uống thiếu khoa học
-
Các loại đồ chiên nhiều dầu mỡ, rán, xào, nội tạng động vật, thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn đều là những thực phẩm làm tăng nguy cơ gây rối loạn lipid máu.
-
Sử dụng các loại đồ uống có cồn, gas như bia, rượu, nước ngọt,... sẽ khiến cho hàm lượng lipid trong máu tăng cao.
Lười vận động
Quá trình vận động sẽ giúp con người tiêu hao năng lượng, đánh tan mỡ thừa và ngăn ngừa được tình trạng tích trữ mỡ trong máu và các vấn đề về tim mạch. Ngược lại, việc lười vận động sẽ khiến cho quá trình chuyển hóa các chất bị trì trệ, tăng lượng mỡ thừa tích tụ và gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ.
Lối sống thiếu khoa học là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến mỡ máu
Di truyền
Một số trường hợp bị mỡ máu là do rối loạn gen chuyển hóa HDL-Cholesterol hoặc thiếu hụt men Lipase được di truyền lại từ thế hệ trước. Ngoài ra, đột biến gen gây cản trở quá trình loại thải hoặc tăng tổng hợp Cholesterol, Triglyceride cũng là yếu tố dẫn đến mỡ máu
Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác cũng rất phổ biến gây ra chứng rối loạn chuyển hóa lipid là bệnh lý nền hoặc tác dụng phụ của thuốc đang dùng.
-
Những người mắc các bệnh như tiểu đường, suy gan, suy thận, suy tuyến giáp,... có nguy cơ cao rối loạn lipid máu thứ phát.
-
Nhiều bệnh nhân đang dùng estrogen, corticoid, thuốc lợi tiểu, an thần hay sử dụng thuốc ngừa thai cũng có thể gây rối loạn lipid máu.
3. Triệu chứng
Rối loạn lipid máu nếu không được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị thích hợp sẽ biến chứng sang các cơ quan nội tạng gây nguy hiểm. Những biểu hiện của mỡ máu mà bạn cần chú ý như sau:
Triệu chứng bên ngoài
-
Những bệnh nhân dưới 50 tuổi thường xuất hiện tình trạng cung giác mạc đổi màu trắng, hình tròn hoặc không hoàn toàn, định vị quanh mống mắt.
-
Ở các vị trí như mi mắt trên hoặc dưới, nếp gấp ngón tay, lòng bàn tay nổi ban vàng.
-
Phần gân duỗi xung quanh các ngón tay, gân gót chân và vị trí các đốt ngón tay xuất hiện u vàng gân.
-
U vàng dưới màng xương tìm thấy ở vị trí củ trước xương chày, trên đầu xương mỏm khuỷu tay.
-
Khuỷu tay và đầu gối thấy xuất hiện các u vàng trên da hoặc củ gân.
Triệu chứng bên trong nội tạng
Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu biến chứng trên cơ quan nội tạng có thể xuất hiện các biểu hiện sau:
-
Mỡ tích tụ trong máu lâu ngày bám lên thành mạch, gây xơ vữa động mạch. Đồng thời làm cản trở quá trình tuần hoàn máu, tăng yếu tố nguy cơ dẫn đến cao huyết áp, bệnh lý về tim mạch.
-
Mỡ không được chuyển hóa hết gây tích tụ trong gan gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ từng phần hoặc toàn bộ.
-
Rối loạn lipid máu còn gây ra triệu chứng viêm tụy ở dạng cấp hoặc bán cấp. Người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn, sốt,...
Rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ dẫn đến các vấn đề về tim mạch
4. Chẩn đoán và điều trị
Quá trình chẩn đoán và điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa. Với từng trường hợp cụ thể và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra những tư vấn cụ thể nhất.
Chẩn đoán
Hiện nay, xét nghiệm máu là phương pháp an toàn và nhanh chóng để kiểm tra sự bất thường các chỉ số lipid có trong máu. Sau khi có kết quả xét nghiệm, bác sĩ chuyên khoa sẽ so sánh các chỉ số máu của người bệnh với chỉ số bình thường. Từ đó đưa ra kết luận chính xác về tình hình bệnh cũng như hướng điều trị mỡ máu.
Một lưu ý cho mọi người trước khi thực hiện xét nghiệm máu kiểm tra chỉ số lipid thì cần nhịn ăn và nên tiến hành vào buổi sáng. Những trường hợp đã ăn thì có thể trao đổi với bác sĩ để đối lịch xét nghiệm vì sau khi ăn, các chỉ số lipid trong máu đều tăng sẽ cho kết quả không chính xác.
Điều trị
Điều trị rối loạn chuyển hóa lipid máu cần được tiến hành trong thời gian dài và có sự kết hợp giữa thuốc với chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh. Hiện nay, rối loạn lipid có thể kiểm soát thông qua sự kết hợp của các biện pháp sau:
-
Sử dụng các nhóm thuốc gồm Statin, Niacin, dẫn xuất fibrat hoặc các loại renins gắn acid mật. Việc sử dụng thuốc cần phải có sự chỉ định và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.
-
Thay đổi thói quen ăn uống, bổ sung các loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin, kiểm soát lượng chất béo đưa vào cơ thể. Đặc biệt, hạn chế tối đa sử dụng các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ gây mỡ máu khiến bệnh ngày càng nặng hơn.
-
Thường xuyên luyện tập thể dục, xây dựng lối sống khoa học, đi bộ, đạp xe, tập yoga, ngồi thiền, đọc sách,... sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng và mỡ thừa, tinh thần thoải mái.
-
Cung cấp đủ nước cho cơ thể mỗi ngày, uống tối thiểu 2 lít nước lọc. Có thể uống nước ép trái cây, các loại trà thanh lọc cơ thể, nước chè xanh.
Xây dựng lối sống khoa học sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng mỡ máu cao
Ngoài ra, người bị rối loạn chuyển hóa lipid cũng cần chú ý đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát các chỉ số ở mức bình thường. Đồng thời, khi sử dụng thuốc giảm mỡ máu sẽ gây ra một số tác dụng phụ do đó người bệnh cần phải theo dõi liên tục trong suốt quá trình điều trị.
Trên đây là những kiến thức cơ bản về chứng rối loạn chuyển hóa lipid máu được các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC chia sẻ. Nếu bạn vẫn còn nhiều lo ngại về bệnh lý thì đừng chần chừ, hãy liên hệ ngay với Khoa Huyết học của bệnh viện để đặt lịch xét nghiệm và kiểm tra sức khỏe tổng quát.
Mọi thắc mắc liên quan, bạn vui lòng gọi đến hotline của MEDLATEC theo số: 1900 56 56 56 để được tư vấn.