Huyết áp cao là bệnh lý diễn tiến trong âm thầm và có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng như tai biến mạch máu não, suy tim, đột quỵ, tàn phế và nguy hiểm nhất là tử vong. Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị, kiểm soát huyết áp bằng y khoa thì thực đơn cho người cao huyết áp cũng vô cùng quan trọng. Việc xây dựng một chế độ ăn khoa học sẽ giúp kiểm soát tốt chỉ số huyết áp và phòng ngừa nhiều nguy cơ bệnh lý khác.
12/12/2020 | Huyết áp cao là bao nhiêu và các biến chứng có thể gặp phải 24/09/2020 | Nguyên nhân gây huyết áp cao và những biến chứng của bệnh 23/09/2020 | Sử dụng thuốc huyết áp cao đúng cách và hiệu quả
1. Cao huyết áp là gì?
Huyết áp được tạo nên từ lực đàn hồi của động mạch và lực co bóp của cơ tim. Huyết áp tâm trương (hay còn gọi là huyết áp tối thiểu) được sinh ra khi tim nghỉ. Còn khi tim co bóp sẽ tạo ra huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa). Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người được cho là bị tăng huyết áp khi:
-
Huyết áp cao độ 1 - dạng nhẹ: chỉ số huyết áp nằm trong khoảng 140/90 mmHg - 159/95 mmHg.
-
Huyết áp cao độ 2 - dạng trung bình: chỉ số huyết áp nằm trong khoảng từ 160/95 mmHg - 179/100 mmHg;
-
Huyết áp cao độ 3 - dạng nặng: chỉ số huyết áp vượt ngưỡng 180/100 mmHg.
Huyết áp cao là bệnh lý diễn tiến trong âm thầm và có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng
Khi bị huyết áp cao, bệnh nhân thường có các biểu hiện như hoa mắt, đau đầu, ù tai, chóng mặt, mờ mắt, hồi hộp, mất ngủ, trí nhớ suy giảm, cơ thể mệt mỏi, tay chân tê dại và hay cáu gắt,... Nếu cao huyết áp không được chẩn đoán và kiểm soát từ sớm có thể gây nên các biến chứng nghiêm trọng như:
-
Biến chứng tại não: hay quên, đau nhức đầu, nhũn não, xuất huyết não,...;
-
Biến chứng ở tim: suy tim, rối loạn nhịp tim, tim to, nhồi máu cơ tim,...;
-
Biến chứng tại động mạch: tắc nghẽn hoặc bị hẹp động mạch cổ, động mạch tại các chi hay động mạch ở đáy mắt có thể gây mù vĩnh viễn;
-
Biến chứng tại thận: suy thận, phù thận,...;
-
Biến chứng khác: giảm chức năng tình dục và sinh lý.
Cao huyết áp là bệnh lý thuộc hệ tim mạch, phát triển thầm lặng và có tỷ lệ tử vong cao. Chính vì bệnh thường ít khi bộc lộ triệu chứng, nếu có thì cũng dễ gây nhầm sang các biểu hiện bệnh thường gặp khác nên việc phát hiện cũng như điều trị còn nhiều trở ngại. Những trường hợp được chẩn đoán có nguy cơ cao bị tăng huyết áp thì nên thay đổi chế độ sinh hoạt lành mạnh hơn, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, đồng thời thường xuyên thăm khám định kỳ để kiểm soát bệnh, phòng ngừa rủi ro biến chứng trong tương lai.
2. Thực đơn cho người cao huyết áp
Tình trạng cao huyết áp có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm tâm lý, thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chế độ ăn uống thiếu khoa học,... Vì vậy để cải thiện triệu chứng cao huyết áp, người bệnh nên đặt ra những giới hạn trong thực đơn ăn uống của mình. Cụ thể:
2.1. Những món mà bệnh nhân bị cao huyết áp không nên ăn
-
Muối: một chế độ ăn dư thừa muối sẽ làm tăng natri trong máu. Mà thành phần này lại có khả năng hút nước mạnh. Khi natri ngấm vào thành động mạch sẽ làm co hẹp thành mạch, từ đó khiến cho sức cản ngoại vi gia tăng và gây huyết áp cao. Vì vậy bạn nên hạn chế ăn các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối như thịt muối, dưa cà muối, cá khô, đồng thời hãy nêm nếm nhạt trong quá trình chế biến thức ăn. Theo khuyến cáo mỗi người không nên tiêu thụ quá 3g muối/ngày;
-
Đồ ăn chế biến với nhiều dầu mỡ, nội tạng động vật, mỡ động vật: những món ăn này tuy hấp dẫn nhưng lại hàm chứa một lượng lớn cholesterol có hại. Nếu người bệnh ăn nhiều thực phẩm dạng này sẽ làm tăng mỡ máu, dễ gây xơ vữa động mạch và cao huyết áp;
-
Đồ ngọt: những món chứa nhiều loại đường như glucose, fructose, saccharose,... đều khiến mỡ máu và đường máu tăng cao;
-
Caffein, trà đặc, rượu bia, đồ uống có cồn, đồ ăn cay nóng,... đều không phù hợp cho những người cao huyết áp.
Đồ chiên rán là món ăn không nên có trong thực đơn cho người cao huyết áp
2.2. Thực đơn cho người cao huyết áp
-
Một số loại thực phẩm có tác dụng giảm mỡ máu, bảo vệ mạch máu và chứa nhiều kali rất tốt cho người bị cao huyết áp, ví dụ như mộc nhĩ, cà chua, rau cần, nấm hương, chuối, hành, hải sâm, rong biển,...;
-
Bổ sung chất xơ từ các loại thực phẩm như ngô, yến mạch, mì,... Những thức ăn này cung cấp chất xơ giúp giảm thiểu hàm lượng cholesterol, ngăn ngừa nguy cơ xơ vữa động mạch, phòng ngừa tình trạng cao huyết áp, mỡ máu hay bệnh mạch vành. Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, trung bình mỗi ngày bạn nên tiêu thụ khoảng 15g chất xơ. Bên cạnh đó những bệnh nhân huyết áp cao kèm chứng táo bón thì việc tăng cường chất xơ trong khẩu phần ăn là vô cùng cần thiết để cải thiện triệu chứng này.
-
Tăng cường trái cây và rau xanh: đây là những loại thực vật cung cấp rất nhiều vitamin C và vitamin E cho cơ thể. Trong đó, vitamin C có tác dụng củng cố tính đàn hồi linh hoạt cho mạch máu, giảm cholesterol, còn vitamin E giúp chống oxy hóa, bảo vệ màng tế bào và hạn chế tình trạng xơ vữa động mạch. Ngoài ra trong các loại thực phẩm này còn chứa các khoáng chất như selen, kẽm, crom,... có tác dụng chuyển hóa glucid và lipid hiệu quả.
-
Nên ăn nhiều cá biển: cá biến cung cấp một hàm lượng lớn chất axit béo không bão hòa, có tác dụng giảm kết tập tiểu cầu trong tuần hoàn máu, hạ cholesterol, hạn chế nguy cơ hình thành huyết khối và phòng ngừa rủi ro tai biến mạch máu não do huyết áp cao. Ngoài ra, cá biến còn chứa rất nhiều axit linoleic với công dụng củng cố sự bền chắc và đàn hồi của thành mạch máu, giảm thiểu nguy cơ vỡ mạch và ngăn chặn các biến chứng do tăng huyết áp gây ra. Mỗi tuần bạn nên ăn từ 2 - 3 bữa cá.
Tăng cường bổ sung chất xơ sẽ giúp duy trì độ ổn định cho huyết áp
Như vậy có thể thấy rằng chỉ số huyết áp bị ảnh hưởng rất nhiều bởi lối sống và chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Nhìn chung để duy trì độ ổn định của huyết áp, bạn nên hạn chế những thực phẩm nhiều đường, muối và chất béo. Thay vào đó nên tăng cường bổ sung những loại thức ăn chứa các dưỡng chất tốt cho hệ tim mạch.
Để được thăm khám và tư vấn điều trị các bệnh lý về tim mạch đúng cách, bạn có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Chuyên khoa Tim mạch của MEDLATEC hội tụ đội ngũ bác sĩ đầu ngành với kinh nghiệm dày dặn, kết hợp với hệ thống máy móc hiện đại và Trung tâm Xét nghiệm đạt chuẩn quốc tế với hai chứng chỉ song hành là ISO 15189:2012 và CAP sẽ giúp khách hàng nhận được kết quả chẩn đoán nhanh chóng, chính xác nhất.