Táo bón là bệnh phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng và độ tuổi nào. Tưởng chừng đơn giản, nhưng nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là khi mắc bệnh mạn tính. Vậy vì sao gặp phải tình trạng này và cách phòng tránh như thế nào?
18/06/2020 | Một vài “mẹo” bỏ túi cho mẹ khi trẻ sơ sinh bị táo bón 13/05/2020 | Những cách trị táo bón cho trẻ 2 tuổi đơn giản và hiệu quả nhất
1. Hiện tượng táo bón là như thế nào?
táo bón là tình trạng bất thường của hệ tiêu hóa, khi nhu động ruột không được xảy ra thường xuyên. Đó là khi bạn cảm thấy việc đi đại tiện trở nên khó khăn, kéo dài trong vài tuần hoặc lâu hơn. Nếu bạn đi đại tiện từ 3 lần trở xuống trong 1 tuần, thì có thể bạn đã mắc phải tình trạng khó nói này.
Đa phần các trường hợp bệnh xuất hiện trong thời gian ngắn, không gây ra vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Nhưng nếu tình trạng kéo dài, nó có thể trở thành một dạng bệnh lý mạn tính, gây khó chịu cho người bệnh.
Ngoài ra, người cao tuổi và phụ nữ có thai cũng là 2 đối tượng dễ gặp phải hiện tượng bị táo.
Táo bón là tình trạng rối loạn tiêu hóa phổ biến hiện nay
2. Nguyên nhân, triệu chứng
Nguyên nhân
Táo bón có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, các nguyên nhân chủ yếu có thể kể đến như sau:
-
Nhịn đi đại tiện: do một vài lý do, chúng ta vẫn nhịn đi đại tiện khi cảm thấy muốn đi vệ sinh, trong khi đó, ruột vẫn tiếp tục hoạt động, bị hấp thụ quá nhiều nước ở ruột già khiến phân khô và cứng.
-
Chế độ ăn uống: Chế độ ăn thiếu hoa quả và rau củ, cơ thể thiếu nước cũng khiến cho chúng ta khó đi đại tiện hơn.
-
Thay đổi thói quen, lối sống: khi đi du lịch, hoặc thay đổi môi trường sống, thói quen sinh hoạt mà cơ thể chưa kịp thích ứng, cũng rất có thể gây rối loạn tiêu hóa.
-
Ảnh hưởng của một số loại thuốc: khi sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh lý khác, như trầm cảm, có thể gây tác dụng phụ là táo bón. Hoặc khi người bệnh lạm dụng thuốc nhuận tràng quá nhiều đến mức lệ thuộc vào thuốc, cũng sẽ khiến ruột khó hoạt động hơn bình thường.
-
Mắc một số bệnh lý khác: Bệnh táo bón mạn tính có thể xảy ra do người bệnh mắc một số bệnh lý khác như nứt hậu môn, sa trực tràng, tắc nghẽn ruột, ung thư đại tràng,...
Dùng thuốc trầm cảm có thể dẫn đến khó đi đại tiện
Triệu chứng
Bệnh lý này gây cảm giác khó chịu cho người bệnh, bất kể ở trẻ em hay người lớn, chúng khiến cho các hoạt động vui chơi, học tập, làm việc trở nên khó khăn hơn. Các triệu chứng thường gặp là:
-
Đi đại tiện ít hơn 3 lần trong 1 tuần.
-
Phân cứng, khô, rời rạc.
-
Đau bụng, đầy hơi.
-
Có cảm giác phân chưa được đẩy hết ra ngoài.
-
Chảy máu trong hoặc sau khi đi đại tiện.
-
Buồn nôn, chán ăn.
3. Tác hại của bệnh táo bón
Thông thường, táo bón xuất hiện trong thời gian ngắn sẽ không đáng lo ngại, không gây nguy hiểm cho cơ thể. Đây là hiện tượng phổ biến thường gặp, cần áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp là có thể cải thiện được tình trạng này. Tuy nhiên, bệnh vẫn gây những tác hại nhất định cho cơ thể, khiến bạn cảm thấy mệt mỏi khó chịu, cản trở trong công việc hàng ngày làm chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng.
Bệnh sẽ nghiêm trọng hơn nếu tình trạng bệnh kéo dài trong vài tuần và có thể trở thành mạn tính. Bệnh lý mạn tính có thể dẫn đến một số các biến chứng như:
-
Bệnh trĩ: áp lực đẩy phân ra ngoài và khó khăn khi đi đại tiện trong thời gian dài vô tình dần làm sưng các tĩnh mạch, gây nên bệnh trĩ.
-
Nứt hậu môn: khó đi đại tiện khiến phân cứng và khô, dễ gây nên các vết rách ở hậu môn, có thể gây chảy máu.
-
Ứ phân trong đại tràng: táo bón mạn tính có thể khiến có một phần khối phân bị kẹt, ứ lại bên trong đại tràng, không thể ra ngoài.
-
Sa trực tràng: khi bị táo phân cứng và bạn cố đi đại tiện, việc này có thể khiến một đoạn nhỏ trực tràng bị giãn ra và nhô ra ngoài hậu môn.
Bệnh gây các ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hàng ngày
4. Cách phòng tránh bệnh
Bởi những bất tiện và khó khăn do táo bón gây ra trong cuộc sống thường nhật, ai trong mỗi chúng ta cũng muốn bản thân có thể phòng tránh và không mắc phải tình trạng khó nói này. Bạn có thể phòng tránh bằng những phương pháp dưới đây.
Tăng cường tập luyện thể dục
Đây là hoạt động giúp tăng nhu động ruột, chức năng của ruột được xoa bóp, và giúp phục hồi chức năng tiêu hóa của ruột một cách hiệu quả. Các hoạt động như đi bộ, đi xe đạp, chạy hay bơi lội để có thể giúp bạn cải thiện đáng kể tình trạng bệnh.
Tạo thói quen đi vệ sinh
Việc tạo thói quen đi vệ sinh là rất quan trọng, giúp cơ thể tạo đồng hồ sinh học cho việc đi đại tiện. Bạn nên cố gắng hình thành thói quen đi đại tiện, tốt nhất nên đi vào buổi sáng sau khi ngủ dậy (5 - 7h), là thời điểm thải độc tốt nhất của ruột.
Xem lai thuốc điều trị đang sử dụng
Nếu bạn đang mắc các bệnh lý khác cần sử dụng thuốc điều trị, nhưng thuốc đó lại gây nên tác dụng phụ là táo bón, thì bạn cần liên hệ ngay tới bác sĩ. Bạn cần nhận được tư vấn của bác sĩ điều trị về tác dụng phụ của thuốc, có thể thay thế thuốc khác hoặc có cách khắc phục nào phù hợp nhất.
Bổ sung nhiều chất xơ, uống nhiều nước
Đầu tiên, bạn cần tăng cường thêm các loại thực phẩm rau củ quả nhiều chất xơ vào trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên hạn chế các loại đồ ăn sẵn đóng hộp, các loại sản phẩm từ sữa và thịt, vì chúng là thực phẩm có hàm lượng chất xơ thấp. Bạn cũng cần uống nhiều nước, tránh để cho cơ thể bị mất nước và để thôi thúc quá trình đi vệ sinh.
Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu chất xơ cho cơ thể
Táo bón là bệnh phổ biến mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải, thậm chí gặp phải thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống. Bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu hơn về các nguyên nhân, tác hại và biện pháp phòng tránh hiệu quả tình trạng này. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn mà không thể điều trị bằng các phương pháp tại nhà, bạn cần đến sự can thiệp của bác sĩ. MEDLATEC luôn sẵn sàng tiếp đón bệnh nhân tại khoa tiêu hóa, giúp chẩn đoán và điều trị hiệu quả các bệnh lý liên quan.
Mọi thắc mắc về vấn đề này, bạn hãy liên hệ ngay tới hotline của chúng tôi 1900.56.56.56 để được giải đáp và tư vấn.