Suy hô hấp cấp tính sẽ làm rối loạn hoạt động trao đổi khí O2 và CO2 trong phổi. Khi cơ thể bị thiếu hụt nguồn oxy cần thiết thì các bộ phận như tim, não cũng những cơ quan khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này khiến bệnh nhân bị rối loạn tri giác, mệt mỏi, da dẻ xanh tái và khó thở.
04/05/2023 | Các phân độ suy hô hấp bạn nên biết 18/03/2023 | Suy hô hấp ở trẻ và các dấu hiệu cha mẹ cần cảnh giác 24/06/2022 | Khái niệm về hội chứng suy hô hấp tiến triển và các phương án điều trị
1. Tổng quan về suy hô hấp cấp
1.1. Khái niệm tình trạng suy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp xảy ra khi chức năng trao đổi khí và thông khí ở phổi bị suy giảm. Những người bị suy hô hấp cấp sẽ có chỉ số áp lực khí oxy trong động mạch PaO2 giảm xuống dưới 60 mmHg, còn chỉ số CO2 trong động mạch PaCO2 có thể giảm, ở mức bình thường hoặc tăng.
Suy hô hấp cấp gồm 2 loại đó là:
-
Suy hô hấp cấp thiếu oxy, đồng thời giảm CO2;
-
Suy hô hấp cấp thiếu oxy, không bị ứ khí CO2.
1.2. Nguyên nhân gây suy hô hấp cấp
Nguyên nhân tại phổi:
-
Phù phổi cấp trên tim lành: truyền quá nhiều dịch khiến áp lực mao mạch gia tăng hoặc bắt nguồn từ các vấn đề về thần kinh như viêm não, phẫu thuật tổn thương thân não, u não;
-
Phù phổi cấp do tim: huyết áp tăng liên tục, hẹp hở van động mạch chủ, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, hở van hai lá, tắc động mạch phổi,...;
-
Phù phổi tổn thương: thường gặp ở những bệnh nhân có thể chất yếu như hẹp hai lá, phụ nữ có thai, người lớn tuổi, trẻ nhỏ bị nhiễm virus theo dạng viêm tiểu phế quản-phế nang.
-
Nhiễm trùng phổi: đối với người khỏe mạnh nếu bị nhiễm vi khuẩn, virus ác tính, lao kê thì có thể gây nhiễm trùng phổi lan rộng ra nhiều thùy hoặc bị viêm phế quản. Dần dần tình trạng này sẽ khiến bệnh nhân bị suy hô hấp cấp tính;
-
Suy hô hấp mạn gây mất bù cấp: tắc nghẽn động mạch phổi, nhiễm trùng phế quản-phổi, tràn khí màng phổi,... là những yếu tố dẫn đến suy hô hấp cấp;
-
Tắc nghẽn phế quản cấp: tình trạng này hiếm gặp, có thể xuất phát từ nguyên nhân có khối u, hay đặt nội khí quản gây xẹp phổi cấp ở người lớn, hoặc mắc dị vật ở trẻ em;
-
Hen phế quản nặng: bệnh lý này rất phổ biến có thể gây suy hô hấp cấp do không được điều trị đúng cách và kịp thời.
Những người có nguy cơ cao bị suy hô hấp cấp
Nguyên nhân ngoài phổi:
-
Hiện tượng tràn dịch màng phổi: lượng dịch nhiều, tăng nhanh gây tràn dịch cấp có thể dẫn đến suy hô hấp cấp;
-
Tràn dịch màng phổi tự do: do vỡ bóng khí phế thũng, tự phát, mắc lao phổi, vỡ áp xe phổi hay vỡ kén khí bẩm sinh,...;
-
Tắc nghẽn thanh quản - khí quản: xuất hiện bướu giáp chìm, có u thanh quản/thực quản, mắc dị vật lớn, nhiễm trùng (uốn ván, viêm thanh quản);
-
Cơ hô hấp gặp tổn thương: bệnh viêm đa cơ, nhược cơ nặng, uốn ván, ngộ độc thuốc trừ sâu (loại có gốc phospho hữu cơ), viêm sừng trước tủy sống, rắn cắn, hội chứng Guillain Barré kèm liệt lên cấp Landry;
-
Chấn thương lồng ngực: gãy xương sườn chọc vào phổi và màng phổi;
-
Vấn đề tại hệ thần kinh trung ương: do tăng áp lực nội sọ, hội chứng giảm thông khí vô căn, nhiễm trùng thần kinh, rối loạn hô hấp khi ngủ (giảm thông khí do béo bệu, ngưng thở khi ngủ), tác dụng phụ của thuốc (gây mê, thuốc ngủ, thuốc an thần), tổn thương trung tâm điều hòa hô hấp tại hành não (bệnh mạch não, chấn thương đầu, nhược giáp).
2. Biểu hiện của suy hô hấp cấp
-
Nhịp thở nhanh, co kéo cơ hô hấp, lõm vùng ngực, đặc biệt trẻ nhỏ thở phập phồng cánh mũi. Đối với những người có tổn thương do liệt (nhược cơ nặng, tổn thương tủy sống gây liệt tứ chi, viêm đa rễ thần kinh) thì nhịp thở giảm, hô hấp yếu hơn và không thể ho. Điều này khiến đờm dãi bị ứ đọng trong phế quản;
-
Niêm mạc tím tái: nhận thấy rõ tại đầu các chi, môi, mặt hoặc toàn thân. Bệnh nhân thiếu máu nặng sẽ khó thấy tím rõ, nhưng triệu chứng này sẽ biểu hiện rõ ở những người có nồng độ hemoglobin trong máu cao do suy hô hấp mạn tính. Tím tái thường kèm theo giãn mạch đầu các chi, tăng CO2 máu và đổ nhiều mồ hôi;
-
Suy tim phải cấp: thường xảy ra trong đợt cấp tính trên nền suy hô hấp mạn.
-
Triệu chứng tuần hoàn: huyết áp tăng, mạch nhanh, cung lượng tim tăng, có thể xảy ra loạn nhịp trên thất, về sau có thể hạ huyết áp;
-
Biểu hiện thần kinh tâm thần: là diễn biến khi bệnh nhân suy hô hấp nặng, có thể gây kích thích, lơ mơ, rối loạn tri giác, vật vã, thậm chí là hôn mê.
Bệnh nhân suy hô hấp cấp thường có biểu hiện thở nhanh, có kéo cơ hô hấp
3. Một số biện pháp điều trị suy hô hấp cấp
Suy hô hấp cấp là tình trạng đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời. Càng được điều trị sớm thì cơ hội sống sót của bệnh nhân sẽ càng cao. Dưới đây là những phương pháp thường được áp dụng trong điều trị suy hô hấp cấp:
3.1. Khai thông đường dẫn khí
Bao gồm những thủ thuật như sau:
-
Móc miệng, họng, mũi cho bệnh nhân, hút sạch bùn cát, đất, máu, thức ăn ra khỏi đường thở;
-
Nếu bệnh nhân bị tụt lưỡi do chấn thương vùng hàm mặt thì cần kéo lưỡi hoặc đặt đầu bệnh nhân ngửa ra sau, nâng hàm lên;
-
Bệnh nhân có quá nhiều đờm dãi tắc bên trong mà không thể hút hết, hút kịp thì cần kích thích phản xạ ho để tống xuất đờm dãi, chất dịch ra ngoài bằng cách luồn dây polyten vào khí quản. Tiếp theo bơm thêm thuốc kháng sinh, long đờm để phòng tránh nhiễm trùng và hỗ trợ khơi thông đường thở;
-
Kết hợp hút dịch, máu mủ, đờm dãi trong khí quản và phế quản;
-
Đặt nội khí quản và mở khí quản.
3.2. Hỗ trợ hô hấp, hô hấp nhân tạo
Có thể thực hiện biện pháp này ở những người bị giảm thông khí:
-
Thổi ngạt: áp dụng ngay tại hiện trường tai nạn, sơ cứu ngoài viện. Mặc dù đơn giản nhưng phương pháp này đem lại hiệu quả cao. Trên thực tế thổi ngạt kết hợp cùng ép tim ngoài lồng ngực đã giúp cứu được nhiều bệnh nhân ngừng thở, ngừng tim và khắc phục khẩn cấp tình trạng thiếu oxy lên não, hỗ trợ hồi phục vỏ não;
-
Thở máy: chỉ định trong trường hợp bệnh nhân không đáp ứng với biện pháp hỗ trợ hô hấp thông thường.
3.3. Dẫn lưu màng phổi
Phương pháp này thường được chỉ định trong các trường hợp tràn dịch, tràn máu màng phổi, tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi. Nếu phế quản bị rách, vỡ, tràn khí màng phổi nặng và không đáp ứng dẫn lưu thì cần thực hiện phẫu thuật ngay lập tức, kết hợp đặt nội phế quản hoặc ống Carlens để mổ.
3.4. Mở khí quản
Mở khí quản áp dụng đối với bệnh nhân:
3.5. Đặt nội khí quản
Chỉ định đặt nội khí quản tương tự như mở khí quản, gồm 2 phương pháp là đặt qua mũi hoặc qua miệng. Đặt qua miệng thì dễ đặt hơn nhưng sẽ khó vệ sinh răng miệng, bệnh nhân sẽ cắn ống đặt và phải dùng đèn soi thanh quản. Còn đặt qua mũi thì không cần đèn và đặt được lâu. Tuy nhiên đặt qua mũi có thể làm chảy máu mũi, loét niêm mạc mũi, dễ bị tắc ống và chăm sóc khó hơn.
Phương pháp đặt nội khí quản
3.6. Liệu pháp Oxy
Giúp hỗ trợ hoạt động hô hấp của bệnh nhân vì thiếu oxy. Nếu người bệnh vừa thiếu oxy, vừa dư thừa CO2 thì trước khi cho thở oxy cần giúp bệnh nhân khôi phục chức năng thở để đẩy hết CO2 dư thừa ra ngoài.
Thở oxy gồm các phương pháp sau: mặt nạ oxy, dùng ống thông đặt mũi, thở oxy cao áp và thở oxy trong lồng ấp.
3.7. Dùng thuốc
Thuốc kháng sinh và thuốc kích thích hô hấp sẽ được dùng bổ trợ cùng với các phương pháp trên trong trường hợp cần thiết.
Thuốc kích thích hô hấp thường được sử dụng sau khi bệnh nhân đã được khơi thông đường hô hấp, đang thở oxy. Những thuốc này phát huy tác dụng đối với các trường hợp bị suy thở cấp tính hoặc mạn tính.
Thuốc kháng sinh thì được chỉ định ở những bệnh nhân xuất hiện nhiễm trùng (COPD cấp đã nhiễm khuẩn, viêm phổi).
Nhìn chung suy hô hấp cấp là một biến chứng hô hấp nguy hiểm, gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Bệnh nhân ngay khi có các triệu chứng của suy hô hấp cấp cần được đưa đi cấp cứu sớm sẽ giúp tăng cơ hội sống sót cho người bệnh.