Những bệnh van tim phổ biến hiện nay đó là hẹp van tim, hở van tim,... Phụ thuộc vào căn nguyên, biểu hiện cũng như mức độ của bệnh ảnh hưởng nặng hay nhẹ tới chức năng co bóp của tim mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp phẫu thuật cho phù hợp. Vậy bệnh van tim khi nào cần phẫu thuật? Sau khi mổ có biến chứng gì không? Hãy cùng chúng tôi nghiên cứu qua bài phân tích sau đây nhé!
17/08/2021 | Bệnh cơ tim và kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính ở người mắc bệnh cơ tim 16/08/2021 | Cơ tim hạn chế: phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh hiệu quả 16/08/2021 | Bệnh cơ tim chu sản: nguyên nhân và phương pháp điều trị
1. Liệt kê các bệnh van tim thường gặp
Hệ thống van tim là một cấu trúc đóng vai trò điều phối, dẫn lưu nhằm đảm bảo dòng lưu chuyển của máu giữa những buồng tim được tuân theo một chu trình nhất định. Tuy nhiên van tim cũng có thể do một nguyên nhân nào đó mà bị tổn thương, dẫn tới bệnh về van tim.
Cấu tạo của hệ thống van tim bao gồm: van 2 lá và van 3 lá, van động mạch phổi và van động mạch chủ. Tình trạng bất thường về van tim xảy ra là khi có một hoặc nhiều van tim gặp trục trặc, không thực hiện đúng chức năng đóng mở của mình để máu di chuyển theo một chiều.
Hình ảnh cấu tạo van tim
Có các dạng bệnh van tim thường gặp như sau:
-
Hở van tim: hay còn được gọi là bị suy van tim - là hiện tượng các van tim không đóng kín được do vòng van bị dính, giãn, co rút, thoái hoá hoặc là các dây chằng van tim quá dài. Điều này sẽ gây trào ngược dòng máu khi đóng van và tim sẽ phải làm việc vất vả hơn để bổ sung lượng máu bị thiếu do tình trạng trào ngược;
-
Hẹp van tim: là khi các van tim trở nên cứng, dày hoặc mép van tim bị dính làm hạn chế hoạt động mở của van tim, khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở. Do đó tim phải bơm mạnh hơn bình thường để ép máu đi qua những vị trí hẹp van tim;
-
Kết hợp: một số ca bệnh, đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh van tim do thấp tim có thể vừa bị hở van tim vừa bị hẹp van tim ở một hoặc nhiều van.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh van tim có thể bao gồm: bị bẩm sinh, tuổi cao, bị bệnh thấp tim, mắc bệnh cơ tim, sa van 2 lá, nhồi máu cơ tim,...
2. Vậy bệnh van tim khi nào cần phẫu thuật?
Hiện nay phần lớn các bệnh về van tim có thể chữa trị một là bằng thuốc, hai là phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim.
Đối với những ca bệnh bị hẹp hoặc hở van tim thì thường được chỉ định điều trị bằng thuốc. Biện pháp này nhằm hỗ trợ làm giảm các triệu chứng của bệnh, giảm bớt áp lực cho tim và làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh nhưng chỉ là biện pháp tạm thời, không thể điều trị dứt điểm tận gốc tình trạng hẹp và hở van tim. Các loại thuốc thường được áp dụng: thuốc chống đông, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch,...
Ví dụ về van tim khi bị hở
Đối với các trường hợp cần thiết phải thay thế van tim thì sẽ sử dụng phương pháp can thiệp phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào mức độ tổn thương của van tim, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa kỹ thuật phẫu thuật tim mở hay là can thiệp tim qua da. Nếu bệnh nhân bị khuyết tật van tim bẩm sinh hoặc bị hẹp van tim thì sẽ được can thiệp tim qua da. Còn một kỹ thuật khác đó là thay van tim qua da (không can thiệp mổ) là một phương pháp hiện đại, mới mẻ nhưng chưa được áp dụng sâu rộng.
3. Lợi ích và nguy cơ của phẫu thuật sửa van tim
Khi bệnh nhân bị hẹp van tim do các mép van bị dính thì có thể áp dụng kỹ thuật sửa, cắt các mép van bị dính. Còn đối với các ca bị hở van tim, phụ thuộc vào nguyên nhân gây hở mà bác sĩ sẽ xử lý theo các cách khác nhau như:
-
Cắt, khâu dây chằng quá dài;
-
Thu hẹp bớt đường kính vòng van bằng cách đặt đai quanh những vòng van này, giúp lá van có thể khép kín lại được.
Ưu điểm của kỹ thuật sửa van tim:
-
Cấu trúc van tim tự nhiên của người bệnh được duy trì và bảo tồn, giúp làm giảm đi nguy cơ bị nhiễm trùng van hoặc phải dùng thuốc chống đông sau khi mổ;
-
Bác sĩ có thể tiếp cận trực tiếp và dễ dàng hơn với tim cũng như các cấu trúc bên trong tim.
Nhược điểm của phẫu thuật tim hở:
Phẫu thuật mổ tim hở được coi là một trong những loại phẫu thuật phức tạp nhất trong công tác điều trị bệnh lý về tim mạch. Những nhược điểm của kỹ thuật này đó là:
- Vết mổ khá lớn nên thời gian bình phục cũng lâu hơn nếu so với vết mổ nội soi.
- Bệnh nhân bị mất nhiều máu và đau nhiều.
- Các biến chứng hậu phẫu:
-
Rối loạn nhịp tim;
-
Nhiễm trùng màng tim, huyết khối;
-
Biến cố gây mê;
-
Nhiễm trùng xương ức: tuy có tỷ lệ thấp nhưng đặc biệt nguy hiểm và làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân từ 30 - 50%, nếu xảy ra bắt buộc bệnh nhân phải nằm điều trị dài ngày tại viện.
4. Người bệnh đã từng mổ tim có tuổi thọ là bao lâu?
Sau khi thực hiện phẫu thuật mổ tim, bệnh nhân sẽ được theo dõi và chăm sóc để sức khỏe hồi phục. Người bệnh sống thêm được bao lâu còn tùy thuộc vào các yếu tố như chức năng tim sau mổ, tình trạng thể chất, biến chứng, lối sống, các yếu tố nguy cơ và việc tuân thủ điều trị hậu phẫu,... Do vậy cũng không đưa ra được khoảng thời gian chính xác được rằng bệnh nhân mổ tim sống thêm được bao lâu.
Trường hợp phẫu thuật thành công, bệnh nhân và người chăm sóc bệnh nhân tuân thủ theo phác đồ điều trị, duy trì thói quen, lối sống lành mạnh thì người bệnh sẽ có cơ hội được sống lâu với trái tim khỏe mạnh.
Phẫu thuật bệnh van tim là một kỹ thuật phức tạp và tuổi thọ của bệnh nhân sau khi mổ tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố
Ngoài ra, bệnh nhân cần lưu ý những điều sau đối với tình trạng bệnh của mình:
-
Nắm các thông tin và tình trạng hiện tại của van khi bị mắc bệnh van tim, đặc biệt cần cung cấp thông tin cho bác sĩ trong mỗi lần đi khám;
-
Nếu phát hiện ra các biểu hiện về nhiễm trùng bắt buộc phải điều trị sớm;
-
Có ý thức thường xuyên vệ sinh răng miệng;
-
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ;
-
Tái khám định kỳ, thường xuyên kiểm tra huyết áp, nếu có dấu hiệu tăng huyết áp cần điều trị ngay;
-
Chế độ ăn ít muối, ăn nhạt và ít chất béo. Cần kiểm tra chỉ số mỡ máu định kỳ;
-
Kiêng các đồ uống có cồn như bia rượu, cà phê;
-
Rèn luyện sức khỏe bằng cách tập thể dục hàng ngày nhưng không gắng sức.
Như vậy chúng ta đã biết được rằng bệnh van tim khi nào cần phẫu thuật. Các bệnh về tim nói chung thường có tính phức tạp và có rủi ro cao đối với sức khỏe con người. Do đó, chúng ta cần duy trì một thói quen sinh hoạt điều độ và tránh làm tổn thương đến trái tim, đồng thời bổ túc những kiến thức y khoa về tim mạch để biết bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Nếu bản thân hoặc những người xung quanh có mắc bệnh về tim cũng cần lựa chọn nơi thăm khám và điều trị uy tín.
Mọi thông tin chi tiết về bệnh lý xin vui lòng liên hệ tới tổng đài 1900565656 của BVĐK MEDLATEC để được hỗ trợ tư vấn và đặt lịch khám.