Sức khỏe của cả mẹ và thai nhi cần được quan tâm trong suốt thai kỳ, nhằm đảm bảo con yêu phát triển khỏe mạnh, quá trình sinh nở diễn ra an toàn, thuận lợi. Để làm được điều đó, việc cập nhật những kiến thức tiền thai sản là rất quan trọng, bao gồm cả thông tin về sự phát triển của thai nhi trong suốt 9 tháng 10 ngày.
18/09/2020 | Cân nặng của thai nhi và những điều có thể bạn chưa biết 10/09/2020 | Các chỉ số thai nhi mẹ cần biết và ý nghĩa của chúng 09/07/2020 | Bà bầu không nên ăn gì để thai nhi phát triển khỏe mạnh và an toàn?
1. Sự hình thành của thai nhi
Trước khi tìm hiểu về sự phát triển của thai nhi, chúng ta hãy cùng xem bé yêu được hình thành như thế nào nhé.
Sự hình thành của thai nhi diễn ra khi tinh trùng của người bố gặp trứng của người mẹ. Khi đó, quá trình thụ thai sẽ bắt đầu và tạo thành phôi thai, rồi di chuyển đến tử cung của người mẹ trong vòng 3 - 4 ngày.
Tại tử cung, phôi thai bắt đầu hình thành chân giả, tìm vị trí thích hợp bám vào niêm mạc để làm tổ. Mất khoảng 7 - 10 ngày để hoàn thành quá trình này. Như vậy, khâu thụ thai sẽ hoàn tất trong khoảng thời gian 2 tuần.
Quá trình thụ thai diễn ra khi tinh trùng người bố gặp trứng người mẹ
Sự phát triển của thai được chia làm 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có những thay đổi trên cơ thể của bé một cách rõ rệt. Bé sẽ được chào đời sau 3 giai đoạn này, cũng chính là qua khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ.
2. Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng đầu
Chúng ta đều biết rằng 3 tháng đầu của thai kỳ là thời điểm quan trọng nhất đối với sự phát triển của thai nhi. Đây là thời điểm hình thành nên các bộ phận đầu tiên trên cơ thể bé.
Tháng thứ 1
Tháng đầu tiên là tháng bắt đầu với sự xuất hiện của túi ối và nhau thai. Túi ối chứa đầy dịch lỏng, bao quanh phôi thai, là môi trường và điều kiện tốt để thai phát triển bình thường. Nhau thai sẽ giúp thai nhi hấp thu dinh dưỡng từ mẹ, đồng thời chuyển các chất thải ra bên ngoài. Đây cũng là thời gian hình thành một số bộ phận trên cơ thể của bé, như hệ thống tuần hoàn, tế bào máu, cổ họng và miệng.
Tháng thứ 2
Cơ thể của thai nhi tiếp tục phát triển lớn dần lên và hình thành các cơ quan trong tháng thứ 2. Sự phát triển của thai nhi thể hiện ở các cơ quan khác của bé như đường tiêu hóa, ống thần kinh và các cơ quan cảm giác cũng được hình thành và phát triển.
Tháng thứ 3
Sự phát triển của thai nhi sẽ xuất hiện những sự thay đổi rõ rệt ở tháng này. Các ngón chân, ngón tay đã có thể nhìn thấy rõ hơn, cơ quan sinh dục bắt đầu hình thành và phát triển.
Đồng thời, các hệ cơ quan khác của bé cũng vẫn tiếp tục phát triển như hệ tiết niệu, hệ tuần hoàn. Đặc biệt, nhịp đập của tim thai bắt đầu có thể nghe được thông qua thiết bị đo từ giai đoạn này.
Sự phát triển của thai nhi sẽ xuất hiện những thay đổi rõ rệt ở tháng thứ 3
3. Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng giữa
Tháng thứ 4
Ở thời điểm tháng thứ 4, bộ phận sinh dục của bé phát triển và hiện rõ ràng hơn. Các bộ phận như chân tay cũng trong quá trình phát triển hoàn thiện. Từ giai đoạn này, các phần mí mắt, lông mi và tóc bắt đầu xuất hiện và phát triển.
Điều đặc biệt là thai nhi có thể có các cử chỉ như ngáp hoặc mút tay, do hệ thần kinh của bé bắt đầu đi vào hoạt động. Khi đi siêu âm thai, người mẹ có thể nhìn thấy các hình ảnh này, và cũng có cảm nhận rõ hơn về bé.
Tháng thứ 5
Giai đoạn này cũng là một bước tiến hoàn toàn mới trong sự phát triển của thai nhi. Thai nhi bắt đầu chuyển động nhiều, điển hình là việc bé đã biết đạp và người mẹ cảm nhận một cách rõ ràng.
Đây là thời điểm thai nhi phát triển rất nhanh, khiến cho bụng của người mẹ cũng lớn lên nhanh chóng. Đồng thời, một lớp lông tơ sẽ xuất hiện xung quanh cơ thể của bé vào lúc này.
Tháng thứ 6
Cơ thể bé gần như đã hoàn thiện ở sau 6 tháng phát triển, đặc biệt là về khuôn mặt. Bé dần có những cảm giác về âm thanh và ánh sáng, có thể phản ứng lại khi bố mẹ nói chuyện với bé bằng một số chuyển động.
Thai nhi có các cử chỉ như mút tay ở giai đoạn thứ 2 của thai kỳ
4. Sự phát triển của thai nhi trong 3 tháng cuối
Tháng thứ 7
Sự phát triển của thai nhi bắt đầu ở giai đoạn thứ 3, bé sẽ có trọng lượng trong khoảng từ 1kg đến 1,5kg. Các cảm nhận về ánh sáng và chuyển động ngày càng rõ ràng, các chuyển động cũng thường xuyên hơn.
Thời điểm này, người mẹ cần chú ý và cẩn thận rất nhiều về chế độ sinh hoạt cũng như chế độ ăn uống để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé. Bởi đây là thời điểm có nguy cơ sinh non rất lớn.
Tháng thứ 8
Ngoài phổi chưa phát triển đầy đủ thì cơ thể bé đã gần như hoàn thiện ở tháng thứ 8. Đây là giai đoạn cuối và chuẩn bị sinh, thai phụ cần đi khám thai thường xuyên hơn, việc kiểm tra định kỳ 2 tuần /lần sẽ giúp mẹ theo dõi được tình trạng của bé tốt nhất.
Tháng thứ 9
Tháng cuối của thai kỳ là thời điểm em bé đã phát triển hoàn thiện, chuẩn bị cho ngày chào đời của mình. Trong lượng cơ thể bé thường dao động trong khoảng từ 2,9kg đến 3,5kg. Lúc này, tư thế nằm của bé đã có thay đổi, đầu bé chúc xuống bên dưới để dễ dàng chào đời.
Tháng cuối của thai kỳ là thời điểm em bé đã phát triển hoàn thiện, chuẩn bị cho ngày chào đời của mình
Như vậy, các mẹ đã hẳn đã hiểu rõ hơn về sự phát triển của thai nhi qua 3 giai đoạn trải dài suốt thai kỳ. Mỗi giai đoạn phát triển của thai nhi đều có những thay đổi rõ rệt, cơ thể hình thành và dần hoàn thiện. Đồng thời, những giác quan của bé cũng rõ ràng hơn theo thời gian. Việc bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết phù hợp cho sự phát triển em bé trong bụng là rất quan trọng. Đồng thời, người mẹ cũng cần đi kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC rất tự hào khi là nơi được các bà mẹ tin tưởng, lựa chọn trong việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ. Hãy liên hệ tới hotline của MEDLATEC 1900.56.56.56 để được giải đáp thắc mắc và tư vấn khám thai đầy đủ nhất nhé.