Không ít chị em hiện nay đang có thói quen khắc phục các cơn đau bụng kinh bằng cách dùng thuốc mang tác dụng giảm đau, chẳng hạn như Fenaflam. Vậy, thành phần chủ yếu của thuốc là gì, chúng còn được ứng dụng trong trường hợp nào nữa và có những lưu ý sử dụng như thế nào, hãy cùng tìm hiểu.
20/10/2022 | Các tư thế giảm đau bụng kinh chị em không nên bỏ qua! 11/06/2022 | Đau bụng kinh nên ăn gì để giảm cảm giác khó chịu cho chị em? 27/10/2021 | Các loại thuốc giảm đau bụng kinh và lưu ý khi sử dụng
1. Tại sao Fenaflam lại có tác dụng giảm đau?
Fenaflam là một trong những loại thuốc dạng viên nén, được cấu tạo bởi dược chất chính là Diclofenac. Chính vì vậy, thuốc được biết tới với tác dụng giảm đau, chống viêm và hạ sốt.
Cơ chế hoạt động của thuốc là ức chế hoạt tính của enzyme cyclooxygenase khiến cho các chất gây đau, viêm, sốt là prostaglandin, prostacyclin và thromboxan không hình thành được. Nhờ đó mà khắc phục được các hiện tượng này trong cơ thể.
Diclofenac gây tác động ngăn chặn sự hình thành của các hoạt chất gây đau, viêm
2. Việc dùng thuốc cần chú ý điều gì?
Thuốc được sử dụng theo đường uống và sau khi đi vào cơ thể sẽ được hấp thụ hoàn toàn, liều dùng phổ biến được sử dụng là loại 25mg. Ngoài tác dụng khắc phục hiện tượng đau bụng kinh, thuốc còn có thể được dùng trong các trường hợp điều trị viêm, đau cấp tính tại các cơ quan khác trong cơ thể như: tai mũi họng, răng hàm mặt hoặc hiện tượng đau liên quan tới xương khớp,...
Về liều lượng sử dụng đối với những người trưởng thành là từ 1 tới 2 viên cho mỗi lần, có thể dùng 2 tới 3 lần trong một ngày. Nếu để khắc phục hiện tượng đau bụng kinh, về thời điểm và liều lượng cụ thể, bạn nên hỏi bác sĩ.
Bên cạnh đó, thuốc không được chỉ định dùng đối với các trường hợp như:
-
Người từng bị dị ứng hoặc cơ thể mẫn cảm với thành phần có trong thuốc.
-
Người từng có tiền sử bị hen suyễn hoặc viêm mũi cấp hay nổi mẩn,...
-
Giống như nhiều loại giảm đau khác, thuốc có thể gây hại tới dạ dày nên những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng hoặc từng mắc xuất huyết tiêu hóa là đối tượng tránh dùng.
-
Những người mắc bệnh suy thận, suy tim ứ máu, giảm thể tích tuần hoàn.
-
Người thiếu máu cục bộ, suy tim sung huyết ở cấp 2 tới 4,...
-
Viêm hoặc suy gan, thận, hen suyễn, nhìn mờ,...
-
Những người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, cần lưu ý:
-
Đối với phụ nữ: do hoạt chất Diclofenac có thể gây tác động nhất định đối việc rụng trứng nên những người đang có dự định mang thai nên tránh dùng, nếu dùng cần được bác sĩ chỉ định hoặc hướng dẫn.
-
Những người trong thời gian mang thai 3 tháng cuối không khuyến cáo sử dụng thuốc.
-
Phụ nữ trong thời kỳ cho con bú cần được hướng dẫn, tư vấn của bác sĩ nếu có nhu cầu dùng thuốc.
Đang mang thai là thời kỳ người phụ nữ cần rất thận trọng với việc dùng thuốc
3. Thuốc có thể gây ra những tác dụng phụ gì?
Những tác dụng phụ mà thuốc Fenaflam có thể gây ra đối với cơ thể đã được nghiên cứu và khuyến cáo cho người dùng, gồm có:
-
Nếu dùng trong thời gian dài, cần cẩn trọng với một số nguy cơ như: viêm thận kẽ, rối loạn máu (thiếu máu, giảm số lượng tiểu cầu hoặc bạch cầu,...), mất ngủ, căng thẳng, đau đầu, cũng có thể nổi mề đay hay phù nề.
-
Hiện tượng xuất huyết đường tiêu hóa.
-
Phế quản co thắt hoặc suyễn,...
Thiếu máu là một trong các nguy cơ do dùng thuốc thời gian dài cần phòng ngừa
Thuốc không nên được dùng phối hợp với một số loại có tính chất kháng viêm không steroid hoặc có chứa chất dẫn xuất salicylate. Nguyên nhân là vì sự kết hợp này có thể khiến cho nguy cơ xuất huyết hoặc loét ở các cơ quan đường tiêu hóa trở nên nghiêm trọng hơn.
Thuốc có tác dụng chống đông cũng không được chỉ định sử dụng đồng thời do thúc đẩy nguy cơ co giật hoặc tăng xuất huyết.
Nếu phối hợp với thuốc có chứa thành phần Cimetidin, có thể tránh được tác động xấu tới dạ dày và tá tràng. Tác dụng giảm đau có thể được tăng lên khi uống cùng thuốc chứa Probenecid đối với những người bị khớp. Tuy nhiên, không dùng cho những người mà chức năng thận suy giảm.
4. Làm thế nào để giảm đau bụng kinh an toàn và hiệu quả
Có thể nói, đau bụng kinh là hiện tượng không hiếm gặp đối với chị em phụ nữ. Hiện tượng phổ biến là đau âm ỉ song một số người diễn ra dữ dội, thậm chí còn khiến cho chân tay lạnh và có thể hôn mê.
Nguyên nhân chủ yếu
Một số nguyên nhân được chỉ ra sau đây phổ biến ở nhiều chị em phụ nữ:
-
Tử cung trong thời kỳ hành kinh co thắt quá mạnh nhằm đẩy máu kinh ra bên ngoài.
-
Những người cổ tử cung bẩm sinh bị hẹp hoặc ngả sau khiến cho sự thoát ra bên ngoài của máu khó.
-
Một số hiện tượng khác gồm: sử dụng vòng tránh thai, vận động quá mạnh, ăn thức ăn cay nóng hay để bụng bị lạnh hoặc thay đổi nội tiết bất thường,...
-
Các bệnh phụ khoa như u xơ, u nang tử cung, buồng trứng hoặc lạc nội mạc tử cung,... có thể khiến cho những cơn đau rất dữ dội.
-
Đây cũng là hiện tượng mang tính di truyền, nếu người mẹ gặp phải thì hầu hết con gái cũng mắc.
Một số cách khắc phục
Sử dụng thuốc có chứa thành phần giảm đau Diclofenac như Fenaflam là một trong số những cách có thể khắc phục hiện tượng đau bụng vào những ngày hành kinh.
Tuy nhiên, điều này chỉ được thực hiện với những người mà cơn đau dữ dội và cần có sự tham vấn hoặc giám sát của bác sĩ bởi vì tác dụng phụ cũng như những thận trọng khi dùng thuốc nhiều.
Chườm nóng có thể mang lại hiệu quả một cách an toàn
Một số cách thức sau đây có thể được áp dụng dễ dàng, an toàn hơn mà vẫn đạt được hiệu quả, đó là:
-
Giảm đau bằng chườm: có thể sử dụng nước ấm bỏ vào chai thủy tinh hoặc dùng túi giữ nhiệt chườm nhẹ nhàng lên vùng bụng.
-
Massage: bạn dùng tay, nhẹ nhàng massage theo đường vòng tròn để khắc phục các cơn co thắt của tử cung.
-
Luôn giữ cho cơ thể, đặc biệt là vùng bụng được ấm áp, tránh uống nước hoặc ăn các thực phẩm lạnh.
-
Các loại đồ ăn giàu khoáng chất, vitamin, canxi như: cá, hoa quả, rau xanh,... có thể mang lại tác dụng tốt cho cơ thể trong những ngày này, góp phần khắc phục hiện tượng đau bụng.
-
Thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách hợp lý, bao gồm: không lao động hoặc tập luyện các bài quá nặng, tốn sức, giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ, tắm rửa bằng nước ấm, tránh quan hệ tình dục,...
Với những chia sẻ trên, hy vọng bạn đã có thêm kiến thức về tác dụng cũng như cách dùng Fenaflam để giảm đau nói chung, giảm đau bụng kinh nói riêng. Khi có nhu cầu được thăm khám các bệnh về Sản phụ khoa, quý khách có thể đến trực tiếp Bệnh viện, hệ thống phòng khám Đa khoa của MEDLATEC hoặc gọi tới Tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn, đặt lịch.