Nhiều mẹ bầu khi thử que thử thai thấy lên 2 vạch, nhưng khi siêu âm thai 6 tuần lại không thấy thai vào tử cung. Điều này khiến các mẹ bầu lo lắng, vậy tình trạng này có nguy hiểm không. Nguyên nhân thai vào tử cung muộn do đâu? Mẹ nên làm gì trong thời gian này?
04/10/2019 | Tham khảo 5 điều về siêu âm thai 6 tuần 26/09/2019 | Siêu âm thai 6 tuần và các thắc mắc thường gặp 04/09/2019 | Nên siêu âm thai 6 tuần bằng phương pháp gì?
1. Siêu âm thai 6 tuần không thấy thai vào tử cung có sao không?
Thông thường, thai vào tử cung sau khi thụ thai khoảng 1 - 2 tuần, nhưng tùy theo cơ địa của mỗi mẹ, thời gian có thể lâu hơn. Chưa kể đến nhiều mẹ bầu dễ tính sai tuần thai do chu kỳ kinh nguyệt không đều, không nhớ rõ ngày quan hệ. Để hiểu rõ hơn, MEDLATEC sẽ giải thích về quá trình thụ thai và thụ tinh cơ bản như sau:
Khi quan hệ tình dục, nam giới phóng tinh mỗi lần ước tính chứa khoảng 250 triệu tinh binh. Thế nhưng chỉ duy nhất 1 tinh binh có thể gặp trứng và thụ thai (có trường hợp ngoại lệ nhưng tỉ lệ thấp). Sau khi thụ tinh thành công, trứng sẽ di chuyển vào tử cung và làm tổ tại đây. Quá trình này mất khoảng 1 - 2 tuần.
Sau khi vào tử cung, trứng sẽ làm tổ vào thành tử cung, cần một khoảng thời gian nữa để ổn định, bám chắc vào màng tử cung để thai nhi lớn lên sau này.
Với quá trình thụ tinh - thụ thai này thì khi trứng làm tổ trong tử cung, khi siêu âm đã có thể nhìn thấy. Nhưng bác sỹ thường tính tuổi thai dựa theo chu kỳ kinh nguyệt của chị em, cụ thể là lần cuối gần nhất rụng trứng. Đây là lý do xảy ra chênh lệch tuổi thai từ 1 - 2 tuần so với thực tế thai phát triển.
Tuần tuổi thai tính toán có thể chênh lệch so với thực tế
Do đó, khi siêu âm thai 6 tuần chưa thấy thai nhi thì không có gì đáng lo cả. Khả năng rất cao là do ngày rụng trứng của bạn cách xa ngày cuối cùng xuất hiện kinh nguyệt. Nếu bạn không yên tâm, có thể tham khảo lựa chọn siêu âm đầu dò khi thai 6 tuần để có hình ảnh rõ ràng và thấy được thai nhi lúc này còn đang nhỏ xíu. Lưu ý nên thực hiện siêu âm tại cơ sở y tế uy tín, bác sỹ lành nghề, chuyên môn cao để không ảnh hưởng đến thai nhi còn chưa ổn định nhé.
Ngoài ra, hai trường hợp thai vào tử cung chậm bất thường đáng lo ngại gồm:
Vòi trứng, ống dẫn trứng bất thường
Trứng sau khi thụ tinh cần di chuyển qua vòi trứng, ống dẫn trứng để tới được tử cung. Nhưng nếu người mẹ gặp bất thường, ống dẫn trứng, vòi trứng bị hẹp bẩm sinh, nhỏ, có sẹo phẫu thuật thì trứng khó di chuyển, di chuyển chậm hoặc không thể di chuyển vào tử cung.
Trường hợp này mẹ cần thông báo với bác sỹ để có biện pháp an toàn. Nhiều mẹ gặp tình trạng này vẫn có thể mang thai an toàn, nhưng nhiều mẹ lại dễ sảy thai.
Thai ngoài tử cung cần được xử lý sớm
Thai ngoài tử cung
Thai vào tử cung chậm nếu do thai ngoài tử cung thì trường hợp này rất nguy hiểm. Đặc biệt cần phát hiện sớm thai ngoài tử cung để can thiệp kịp thời, tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ, cũng như khả năng mang thai sau này.
Thường nếu sức khỏe mẹ tốt, siêu âm thai 6 tuần không thấy thai vào tử cung thì bác sỹ sẽ hẹn khám lại sau 1 - 2 tuần nữa. Nếu thai nhi phát triển tốt, ở lần khám thai sau, bạn sẽ thấy bé con qua hình ảnh siêu âm. Đừng quá lo lắng nhé.
2. Sự phát triển của thai nhi 6 tuần tuổi
Biết được một sinh linh bé nhỏ đang được nuôi dưỡng, phát triển trong bụng mẹ là niềm hạnh phúc vô bờ với cha mẹ và cả gia đình. Do đó, háo hức biết sự phát triển của con đến đâu cũng là điều dễ hiểu.
Thai nhi 6 tuần tuổi đã phát triển tương đối
Sau 6 tuần thụ thai và phát triển, thai nhi lúc này mặc dù còn rất nhỏ, kích thước chỉ bằng khoảng hạt đậu nhưng các bộ phận đã hình thành tương đối. Khi siêu âm thai, mẹ sẽ biết được một số thông tin như sau:
Kích thước thai nhi
Thời điểm này, thai nhi vẫn trong quá trình phát triển sơ khai, do đó kích thước còn rất nhỏ. Kích thước thai nhi 6 tuần trung bình chỉ bằng một hạt đậu, dài khoảng 5 - 8mm. Thai nhi lúc này chỉ là phôi thai hoàn chỉnh, mới hình thành một số cơ quan chính trong cơ thể.
Hình dạng thai nhi
Từ hình ảnh siêu âm, mẹ sẽ thấy thai nhi 6 tuần tuổi trông giống nòng nọc hơn là hình hài con người, với kích thước phần đầu hơi “quá khổ”, vẫn còn đuôi và người cuộn tròn lại. Trên đầu bé, bạn sẽ thấy có hai núm nhỏ, nơi đây sau này sẽ hình thành nên 2 tai của bé. Ngoài ra, các hõm khác trên đầu thai nhi sau này sẽ hình thành nên mắt, mũi.
Trên đầu bé cũng mọc ra các mô, trồi nhỏ lên, bắt đầu hình thành má, hàm, cằm sau này.
Tim thai
Tim thai lúc này chỉ thấy là hai ống dẫn máu, có tác dụng bơm máu vào cơ thể trẻ, chưa thấy rõ ràng. Ở một số mẹ bầu, do tính tuần thai chưa chính xác hoặc quá trình phát triển của bé có chậm hơn chút ít nên chưa có tim thai. Thời điểm này cũng rất khó để nghe được nhịp đập tim thai, cần sử dụng thiết bị siêu âm hiện đại mới phát hiện được.
Siêu âm thai giúp mẹ theo dõi quá trình phát triển của con
Do kích thước thai nhi còn quá nhỏ, hình ảnh siêu âm chưa thể thể hiện hết sự phát triển diệu kỳ của bé.
Đầu thai nhi còn khá to, tại đây hai bán cầu não đang phát triển. Bàn tay và bàn chân đang nhô ra khỏi cánh tay và cẳng chân, nhìn giống như những mái chèo. Ruột thừa và tuyến tụy đã xuất hiện, một phần ruột phát triển thành dây rốn với mạch máu riêng, nơi tiếp nhận oxy và dinh dưỡng từ mẹ.
Gan của thai nhi lúc này đang đảm nhận nhiệm vụ tạo ra tế bào hồng cầu, sau khi thai phát triển lớn hơn, tủy xương hình thành sẽ thực hiện vai trò này. Ở tuần thai thứ 6, bé đã tăng gấp đôi kích thước so với tuần thai thứ 5. Tim thai có thể đã xuất hiện và có thể nghe được cả nhịp tim khoảng từ 100 -160 lần/phút.
Bên cạnh niềm vui chờ đón đứa con nhỏ chào đời, mẹ cũng đừng quên chăm sóc dinh dưỡng, nghỉ ngơi tốt hơn. Sức khỏe của thai phụ tốt là tiền đề cho sự phát triển nhanh, khỏe mạnh của thai nhi. Đừng quên đi khám thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của con mẹ nhé.