Phù phổi cấp là một biến chứng cấp cứu nguy hiểm, cần chẩn đoán và cấp cứu kịp thời để cứu sống người bệnh. Phù phổi xảy ra khi dịch tích tụ làm mất khả năng trao đổi khí của phổi, vì thế nếu loại bỏ dịch trong phổi, bệnh sẽ thuyên giảm và chức năng phổi nhanh chóng phục hồi.
04/01/2021 | Làm sao để nhận biết dấu hiệu ung thư phổi từ sớm? 29/12/2020 | Tràn khí màng phổi - những biến chứng không thể chủ quan 24/12/2020 | Lao màng phổi có lây không và cách phòng tránh như thế nào?
1. Tìm hiểu về chứng phù phổi cấp
Phù phổi là tình trạng dịch từ trong lòng mao mạch phổi thoát ra ngoài khoảng kẽ hoặc phế nang gây ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi khí của phổi. Vì thế người bệnh phù phổi thường bị khó thở, ngạt thở, nếu không kịp thời xử lý có thể dẫn đến tử vong hoặc biến chứng não do thiếu oxy kéo dài.
Phù phổi cấp là biến chứng nguy hiểm ở phổi, có thể gặp ở cả trẻ nhỏ
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tích tụ dịch gây phù phổi, phổ biến là do viêm phổi, chấn thương thành ngực, độc tố hoặc tác dụng phụ của thuốc. Phù phổi cấp có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không can thiệp y tế sớm.
Người bệnh cảm thấy khó thở, phải đấu tranh để thở. Phù phổi cấp càng kéo dài, chứng khó thở càng tăng, thiếu oxy khiến người bệnh mê man, mất ý thức, cơ thể tím tái,…
Khó thở là triệu chứng thường gặp của chứng phù phổi cấp
Đôi khi trước cơn phù phổi cấp xảy ra, người bệnh có triệu chứng báo trước như: hơi thở ngắn, thở khò khè, cơ thể mệt mỏi, dễ ho và khó thở vào ban đêm,… Hầu hết bệnh nhân phù phổi cấp được cấp cứu trong tình trạng khó thở, suy hô hấp gây khó khăn trong điều trị. Nếu can thiệp muộn, phù phổi cấp có thể khiến người bệnh tử vong do biến chứng của nó.
2. Cách cấp cứu và điều trị phù phổi cấp
Chẩn đoán phù phổi cấp dựa trên dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như: xét nghiệm công thức máu, chụp X-quang tim phổi, khí máu, siêu âm tim, điện tim, xét nghiệm nước tiểu, đánh giá chức năng cơ quan nội tạng,…
Bệnh nhân phù phổi cấp cần được đánh giá tình trạng nhanh, đưa ra hướng xử lý điều trị để cứu sống người bệnh.
2.1. Cấp cứu cho người bị phù phổi cấp
Bệnh nhân cần được cung cấp đầy đủ oxy và loại bỏ dịch ra khỏi phổi, đồng thời hỗ trợ hô hấp để xử lý tình trạng phù phổi cấp. Các phương pháp điều trị cấp cứu bao gồm:
Hỗ trợ thở
Bệnh nhân bị đe dọa đến đường thở, khó thở,… cần được hỗ trợ thở, phổ biến là đặt thở máy hoặc nội khí quản.
Thở máy không xâm lấn được sử dụng ngay khi người bệnh bị khó thở cấp tính. Cần theo dõi sát sao tình trạng khó thở của người bệnh có được cải thiện không để xem xét đặt nội khí quản thở máy. Ngoài ra, bệnh nhân có dấu hiệu lơ mơ, tím tái, hôn mê do thiếu oxy quá mức sẽ cần đặt nội khí quản hỗ trợ thở sớm.
Bệnh nhân có thể phải thở máy trong cơn phù phổi cấp
Thuốc điều trị
Morphin theo đường tiêm tĩnh mạch: Mỗi lần 2 - 5 mg và tiêm nhắc lại sau 10 - 25 phút nếu cần thiết.
Nitroglycerin dùng theo đường tiêm tĩnh mạch, liều khởi đầu là 10 mg/phút, có thể tăng dần nếu đáp ứng.
Furosemide: dùng tiêm 20 - 40 mg vào tĩnh mạch và tăng liều nhắc lại cho đến khi đáp ứng đầy đủ.
Nếu bệnh nhân bị huyết áp thấp hoặc sốc tim, có thể dùng thuốc vận mạch sau khi cơ thể đáp ứng các thuốc trên để hỗ trợ.
Chạy thận, lọc máu
Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc nội khoa, cần chạy thận nhân tạo cấp hoặc siêu lọc máu.
Theo dõi huyết động
Nếu tình trạng nguy kịch, cần theo dõi huyết động cẩn thận, nếu xảy ra rối loạn cần xử lý kịp thời như: hở van tim cấp, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim cấp, rối loạn nhịp tim, quá tải thể tích,…
Phù phổi cấp thường diễn biến phức tạp, nghiêm trọng hơn ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh thận, bệnh lý mạn tính.
2.2. Điều trị phục hồi và phòng ngừa tái phát
Hầu hết các trường hợp phù phổi cấp được cấp cứu điều trị sớm sẽ nhanh chóng phục hồi. Những bệnh nhân sức khỏe yếu hoặc mắc bệnh lý mạn tính cần thời gian phục hồi lâu hơn. Cần chăm sóc bằng các biện pháp sau để người bệnh phục hồi và phòng ngừa bệnh tái phát:
Điều trị hô hấp
Cần kiểm soát, điều trị và phòng tránh tái phát các bệnh hô hấp mạn tính có nguy cơ gây ra phù phổi cấp.
Điều trị bệnh tim mạch
Hầu hết các trường hợp phù phổi do bệnh tim mạch, cần kiểm tra chẩn đoán kỹ nếu mắc bệnh. Điều trị tích cực sẽ giúp hạn chế tiến triển của bệnh và ngăn ngừa chứng phù phổi cấp.
Phù phổi cấp trên nền tim mạch thường sẽ nguy hiểm hơn
Kiểm soát huyết áp
Huyết áp cao vừa là biến chứng của phù phổi cấp, vừa là nguyên nhân dẫn đến nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng như: suy thận, bệnh tim mạch, đột quỵ,… Bạn có thể kiểm soát huyết áp của mình bằng chế độ ăn uống lành mạnh, nhiều rau củ trái cây tươi, hạn chế rượu, chất béo và muối. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên cũng giúp kiểm soát huyết áp bất thường.
Kiểm soát mỡ máu
Mỡ máu, nhất là cholesterol xấu gây nhiều biến chứng cho sức khỏe, nó có thể làm nặng hơn các bệnh lý tim mạch và phổi. Bạn có thể kiểm soát mỡ máu bằng chế độ ăn ít chất béo, tập thể dục thường xuyên và hạn chế thuốc lá, bia rượu, chất kích thích,…
Ngưng hút thuốc
Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại đến phổi và hoạt động của cơ quan này. Vì thế nếu bạn đang hút thuốc, hãy bỏ thói quen này. Hút thuốc lá thụ động cũng gây hại tương tự như hút thuốc lá trực tiếp, vì thế hãy tránh xa khói thuốc và những người hút thuốc.
Khói thuốc lá gây hại đến phổi và sức khỏe
Trên đây là một số thông tin liên quan đến chứng phù phổi cấp. Đây là một cấp cứu nội khoa nghiêm trọng, cần sớm được phát hiện và xử lý để bảo toàn tính mạng và sức khỏe người bệnh. Vì thế nếu có dấu hiệu bất thường, nhất là những người mắc bệnh lý tim mạch, bệnh thận mạn tính cần sớm đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế.
Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, có thể liên hệ 1900 56 56 56 để được các chuyên gia của MEDLATEC tư vấn thêm. Vợi đội ngũ y bác sĩ nhiều năm trong nghề cùng trang thiết bị hiện đại, MEDLATEC tự hào là địa chỉ gửi gắm sức khỏe tin cậy cho bạn.