Bệnh loãng xương nếu không được thăm khám và điều trị đúng cách sẽ có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như gãy xương, lún xẹp đốt sống, suy giảm khả năng vận động, tàn phế, tắc mạch chi,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân. Do đó, nếu có biểu hiện nghi ngờ bệnh, cần đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán và lên phác đồ điều trị loãng xương hiệu quả.
21/07/2022 | Một số triệu chứng loãng xương phổ biến và cách phòng ngừa bệnh hiệu quả 23/03/2022 | Nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở trẻ em và phương pháp điều trị 03/02/2022 | Phương pháp chẩn đoán bệnh loãng xương hiệu quả 16/12/2021 | Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh như thế nào?
1. Phác đồ điều trị loãng xương
Trước hết, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và thực hiện một số phương pháp để chẩn đoán bệnh như sau:
- Đo mật độ xương: Đây là phương pháp sử dụng tia X hoặc chụp CT để có thể xác định được hàm lượng canxi hoặc khoáng chất trong xương, từ đó có thể chẩn đoán được tình trạng xương mỏng, xương yếu hay giảm khối lượng xương.
- Xét nghiệm máu và nước tiểu: Bên cạnh việc đo mật độ xương, tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. Đây là những xét nghiệm cần thiết để kiểm tra nội tiết tố và xác định một số nguyên nhân gây loãng xương, chẳng hạn như do thiếu hụt các loại khoáng chất hay vitamin.
Loãng xương có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm
Sau khi đã chẩn đoán bệnh và xác định nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị loãng xương phù hợp với từng bệnh nhân. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:
+ Điều chỉnh chế độ ăn uống cho người bệnh: Canxi là loại khoáng chất mà người bệnh cần bổ sung để cải thiện tình trạng loãng xương. Một số thực phẩm có chứa nhiều canxi như sữa chua, phô mai, các loại cá, tôm, các loại đậu, hạnh nhân, rau lá xanh,… Bên cạnh đó, bệnh nhân cần tránh uống rượu bia, hút thuốc lá, không sử dụng chất kích thích. Đồng thời, tránh để xảy ra tình trạng thừa cân hay thiếu cân, nên giữ trọng lượng ở mức vừa phải.
+ Thay đổi chế độ sinh hoạt: Nên vận động, tập luyện thường xuyên để tăng sự dẻo dai cho cơ bắp và giúp hệ thống xương của bạn luôn chắc khỏe. Người bệnh cũng cần thận trọng khi lao động, sinh hoạt, tránh để xảy ra té ngã.
+ Đối với một số trường hợp, các bác sĩ có thể dùng các dụng cụ nẹp chỉnh với mục đích làm giảm áp lực lên cột sống, vùng xương hông hay các đầu xương,…
Dùng thuốc để điều trị loãng xương
Bệnh nhân có thể bổ sung canxi bằng viên uống theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần được bổ sung vitamin D để cơ thể tăng hấp thụ canxi. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, các bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc chống hủy xương, thuốc tăng cường tạo xương,…
Với những bệnh nhân đã xảy ra biến chứng, tùy vào cấp độ biến chứng, các bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị loãng xương phù hợp. Một số phương pháp điều trị biến chứng thường được áp dụng như sau:
+ Điều trị giảm đau
+ Điều trị gãy xương bằng cách đeo nẹp, phẫu thuật, thay đốt sống nhân tạo, bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống,…
Bên cạnh những phương pháp trên, bệnh nhân có thể được kết hợp điều trị bằng những phương pháp lâu dài như sau:
+ Người bệnh cần thực hiện theo dõi và tuân thủ tuyệt đối những chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị.
+ Cần kiểm tra để đánh giá mật độ xương, từ đó đánh giá hiệu quả điều trị.
+ Người bệnh nên được điều trị trong khoảng vài năm, sau đó kiểm tra đánh giá về sự tiến triển của bệnh cũng như mức độ đáp ứng với thuốc điều trị. Từ đó, các bác sĩ sẽ có cơ sở để đưa ra hướng điều trị tiếp theo.
2. Một số lưu ý khi chăm sóc người bệnh loãng xương
Trong quá trình chăm sóc người bệnh loãng xương, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Chế độ dinh dưỡng: Nên đảm bảo tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, áp dụng chế độ ăn lành mạnh và đầy đủ dưỡng chất cho bệnh nhân. Từ đó kiểm soát bệnh tốt và ngăn chặn bệnh tiến triển nghiêm trọng. Nên chọn những thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng, nên sơ chế sạch sẽ trước khi chế biến.
Nên bổ sung thực phẩm có chứa nhiều canxi cho người bệnh
Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có thể chia thành nhiều bữa ăn trong ngày thay vì 3 bữa chính. Có thể nghiền nhỏ thức ăn để người bệnh tiêu thụ một cách dễ dàng. Trong những trường hợp cần thiết, có thể bổ sung một số loại thuốc bổ cho người bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Vận động cơ thể: Bệnh nhân có thể chú ý tập luyện để tăng cường sức khỏe xương, nhưng nên tập các bài tập phù hợp và lưu ý cần khởi động kỹ trước khi tập. Đối với bệnh nhân cao tuổi, không nên tập những bài tập có cường độ mạnh hãy thường xuyên thay đổi tư thế đột ngột.
Người bệnh loãng xương cần tái khám định kỳ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ
- Phòng tránh té ngã: Đối với người bệnh loãng xương nói chung và đặc biệt là người bệnh loãng xương cao tuổi nói riêng, té ngã là một tình huống rất nguy hiểm. Nó có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng đến sức khỏe của bệnh nhân. Do đó, cần phòng tránh tối đa rủi ro này. Cụ thể, trong quá trình chăm sóc người bệnh cần chú ý:
+ Không để bệnh nhân ra ngoài một mình hoặc vận động, di chuyển trên những con đường nguy hiểm như đường nền đất có nguy cơ trơn trượt, đường gập ghềnh nhiều sỏi đá,…
+ Các khu vực trong nhà cần đảm bảo ánh sáng đầy đủ để tránh nguy cơ vấp ngã.
+ Lưu ý luôn bảo đảm sàn nhà khô ráo và gọn dàng. Nếu sàn nhà bằng nền đá hoa có nguy cơ trơn trượt cao, nên trải thảm để hạn chế nguy cơ té ngã cho người bệnh.
+ Có thể trang bị một số tay vịn ở cầu thang, nhà tắm cho người bệnh để đảm bảo an toàn.
+ Đối với bệnh nhân cao tuổi, nên hỗ trợ người bệnh trong quá trình di chuyển lên xuống cầu thang hoặc trong các trường hợp cần thiết khác.
+ Người bệnh nên lựa chọn giày có đế chống trượt.
+ Thận trọng khi sử dụng một số loại thuốc có nguy cơ gây hoa mắt, chóng mặt.
Trên đây là một số thông tin về phác đồ điều trị loãng xương và một số lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân loãng xương. Nếu có nhu cầu thăm khám bệnh, đo mật độ xương,… mời quý khách hàng liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC theo hotline 1900 56 56 56, các tổng đài viên sẽ tư vấn trực tiếp và đặt lịch khám cho bạn.