Những năm gần đây, số lượng người mắc bệnh tim bẩm sinh ngày một tăng cao. Trong đó, thống kê của bộ y tế, cứ 1.000 trẻ em được sinh ra thì có 8 trẻ mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này. Điều đó cũng cảnh báo đến các ba mẹ về việc chăm sóc thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ.
25/12/2020 | 4 xét nghiệm nhồi máu cơ tim cơ bản và phổ biến nhất hiện nay 03/12/2020 | Mức độ nguy hiểm của bệnh viêm cơ tim như thế nào? 01/11/2020 | Viêm cơ tim - căn bệnh nguy hiểm và những điều bạn cần biết 19/07/2020 | Bệnh lý tim bẩm sinh và ý nghĩa của kỹ thuật chụp CT tim
1. Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ em
Bệnh tim là một trong những căn bệnh nguy hiểm cho thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ tới lúc lọt lòng và cả tương lai về sau. Căn bệnh này còn được gọi là dị tật tim bẩm sinh. Mặc dù, đây không phải là căn bệnh mới xuất hiện nhưng vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ.
Thực tế, Bệnh tim bẩm sinh xuất phát từ những dị tật ở tim từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Khi cấu trúc tim bị biến đổi đồng nghĩa các chức năng bị khiếm khuyết và khả năng hoạt động không được hoàn thiện. Khi đó, sự co bóp, vận chuyển máu cũng bị ảnh hưởng, đồng thời chức năng các bộ phận bên trong cơ thể không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Theo đánh giá của bộ y tế thì bệnh tim ở trẻ em là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong nhóm bệnh bẩm sinh. Mặc dù, các thiết bị, máy móc hiện đại đã đóng góp rất nhiều việc khám, phát hiện và điều trị bệnh nhưng đây vẫn là nhóm bệnh khó điều trị. Do đó, khi mang thai, ba mẹ cần chủ động chăm sóc, khám và siêu âm thai định kỳ để dễ dàng phát hiện bệnh sớm.
2. Các nguyên nhân dẫn đến bệnh tim ở trẻ
Bệnh tim bẩm sinh xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên hiện nay các bác sĩ vẫn chưa thể xác định chính xác trên từng bệnh nhân. Theo bác sĩ thì căn bệnh này có thể do một sự biến đổi nào đó trong yếu tố gen hoặc do tác động từ môi trường. Cụ thể các nguyên nhân gây bệnh gồm:
-
Yếu tố di truyền: đây là nhóm nguyên nhân có nguy cơ cao trong các ca mắc bệnh dị tật bẩm sinh, nhất là bệnh tim. Điều này cho thấy, những trẻ có người thân (bố mẹ, ông bà) đã từng bệnh tim thì khả năng mắc bệnh của trẻ sẽ cao hơn. Trong đó, một số trường hợp ba mẹ mang gen bệnh nhưng không bị bệnh tim bẩm sinh, tuy nhiên khi sinh con thì trẻ vẫn có nguy cơ mắc bệnh cao.
Ba mẹ bệnh tim trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
-
Trong lúc mang thai mẹ bị nhiễm độc: nếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường xuyên sử dụng chất kích thích, nhất là rượu, bia thì thai nhi rất dễ bị dị tật tim. Ngoài ra, nếu mẹ bầu tự ý sử dụng một vài loại thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ thì cũng có khả năng bị nhiễm độc và ảnh hưởng đến thai nhi. Theo các bác sĩ thì môi trường sống của mẹ bầu rất quan trọng. Vì nếu mẹ bầu thường tiếp xúc với hóa chất, khói thuốc lá hay kể cả tia X-Quang, những chất phóng xạ thì cũng ảnh hưởng đến bé từ khi còn trong bụng mẹ.
-
Trong lúc mang thai mẹ bị bệnh: trong những tháng đầu tiên của thai kỳ, trẻ vẫn còn trong quá trình hình thành và hoàn thiện cơ thể nên rất dễ bị tác động. Nếu mẹ bầu mắc bệnh trong thời gian này, nhất là bị đái tháo đường hoặc bị nhiễm virus. Điển hình như Herpes, Cytomegalo, Rubella,... thì nguy cơ bị dị tật ở trẻ rất cao, trong đó bị dị tật ở tim thường phổ biến và nguy hiểm hơn các bệnh khác.
3. Cách nhận biết sớm bệnh tim ở trẻ
Bệnh tim bẩm sinh ở trẻ dẫn đến nhiều ảnh hưởng cho sức khỏe và khả năng vận động của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cần tìm hiểu rõ để thực hiện những phương pháp phòng ngừa. Đồng thời, giúp ba mẹ nhận biết bệnh sớm để quá trình điều trị được dễ dàng và mang lại hiệu quả tốt hơn. Vậy có thể nhận biết sớm bệnh tim ở trẻ qua những triệu chứng nào? Sau đây là một số gợi ý hữu ích dành cho các bạn:
-
Dấu hiệu đặc trưng nhận biết bệnh tim là trẻ gặp khó khăn khi thở, thở gấp, thở nhanh, quan sát bằng mắt có thể thấy phần ngực khi thở sẽ bị lồi - lõm sâu. Do thở khó nên trẻ thường ít bú và khi bú thường phải ngừng nghỉ liên tục.
Trẻ bị bệnh tim từ khi sinh ra thường khó thở
-
Đối với những trẻ có tháng tuổi lớn hơn sẽ có những biểu hiện rõ rệt hơn: trẻ thường thở khò khè, mắc các bệnh về đường hô hấp, ho nhiều.
-
Bên cạnh đó, sắc da của trẻ cũng xanh xao hơn bình thường, khả năng phát triển thể chất kém. Những trẻ mắc bệnh tim khi khóc thường có các biểu hiện như đầu ngón tay, ngón chân, sắc môi chuyển sang màu tím.
Phân tích dựa trên các ca mắc bệnh tim bẩm sinh thì ở những trẻ này thường xuất hiện một số bệnh lý khác đi kèm liên quan đến sự biến đổi nhiễm sắc thể. Điển hình như bệnh sứt môi, bệnh Down, bị thiếu hoặc thừa ngón tay/ngón chân,... Đối với những trẻ có bệnh lý phức tạp và điều kiện sức khỏe yếu, cần được bác sĩ theo dõi tận tình và chăm sóc chu đáo.
4. Các phương pháp điều trị cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh
Nhờ có sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc hiện đại cũng như những phương pháp điều trị tiên tiến mà quá trình điều trị bệnh tim bước đầu gặp nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng bệnh cũng như thể chất của trẻ mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Đối với những trẻ mắc bệnh tim nhưng được phát hiện và điều trị sớm thì vẫn có khả năng phát triển tốt như những trẻ không mắc bệnh.
Hiện nay, các bệnh viện vẫn tiến hành áp dụng chủ yếu 3 phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh sau đây:
4.1. Sử dụng thuốc
Đối với những trẻ được phát hiện bệnh sớm và tình trạng bệnh nhẹ, bác sĩ có thể cho sử dụng thuốc đặc trị. Đây được xem là phương pháp điều trị bệnh đơn giản, ít gây ảnh hưởng đến trẻ nhất. Loại thuốc này có chức năng điều hòa và ổn định nhịp tim, giúp trẻ dễ dàng hô hấp hơn.
Điều trị bệnh tim cho trẻ em bằng thuốc
4.2. Thông tim
Đây là phương pháp sử dụng một ống nhỏ, dài đưa vào mạch máu dẫn vào tim để quá trình vận chuyển máu được lưu thông. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đưa các thiết bị khác kèm theo để dễ dàng theo dõi hoặc trong trường hợp cần thiết góp phần hỗ trợ đóng các lỗ thông tim.
Ưu điểm của phương pháp này là giúp hạn chế gây ra cảm giác đau hoặc bị nhiễm trùng cho trẻ. Bên cạnh đó, để hồi phục vết thương chỉ cần một thời gian ngắn nếu chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, thông tim chỉ có thể áp dụng đối với những trẻ bị hẹp van động mạch chủ/phổi hoặc thông liên thất.
4.3. Phẫu thuật tim
Nếu tình trạng của trẻ quá nặng và không thể can thiệp bằng hai phương pháp trên thì bác sĩ sẽ chỉ định tiến hành phẫu thuật. Với phương pháp phẫu thuật tim, có thể tiến hành đóng các lỗ thông, mở rộng những vùng động mạch phổi bị hẹp, sửa động mạch chủ hẹp eo,...
Ưu điểm của phương pháp phẫu thuật tim nội soi là giúp hạn chế tối đa sự chảy máu, giảm bớt đau đớn, để lại sẹo nhỏ, thời gian phục hồi nhanh. Tuy nhiên, với những ca bệnh phức tạp, nếu không có khả năng phục hồi cao, bác sĩ có thể chuyển sang cấy ghép tim.
Cấy ghép tim cho các trường hợp bệnh nặng
Với những chia sẻ trên đây, hy vọng mọi người đã hiểu rõ về bệnh tim bẩm sinh. Đồng thời, dễ dàng nắm bắt được các triệu chứng của bệnh để phát hiện bệnh kịp thời, đẩy lùi nguy cơ mắc bệnh cho trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.