Nhiễm giun sán là vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Cùng tìm hiểu tác hại và các phương pháp chẩn đoán giun sán ở người.
I. Đại cương
Một số loài giun đường ruột lây nhiễm cho người được truyền từ phân người chứa trứng giun nhiễm vào trong đất và nước. Những loài giun chính hay gặp: giun đũa (Ascaris lumbricoides), giun tóc (Trichuris trichiura) và giun móc/mỏ (Necator americanus và Ancylostoma duodenale).
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thế giới - CDC năm 2015, ước tính có hơn 1 triệu dân số thế giới bị nhiễm một hoặc nhiều loại giun:
- Xấp xỉ 807-1.121 triệu người với giun đũa
- Xấp xỉ 604-795 triệu người với giun tóc
- Xấp xỉ 576-740 triệu người với giun móc
Hình 1: Giun sán trong ruột người
Nhiễm giun truyền qua đất được tìm thấy chủ yếu ở những vùng có khí hậu ấm và ẩm, nơi ở và sinh hoạt kém, kể cả ở vùng ôn đới trong những tháng ấm hơn. Những bệnh này được coi là Bệnh nhiệt đới bị bỏ sót (Neglected Tropical Diseases - NTD) là nguyên nhân gây ra hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe rất lớn. Tuy nhiên điều này có thể được kiểm soát được bằng giáo dục và tuyên truyền vệ sinh cho mỗi cá nhân.
II. Dịch tễ học
Giun trưởng thành ký sinh trong ruột người và đẻ trứng, trứng của chúng được truyền qua phân của người nhiễm bệnh. Nếu một người nhiễm bệnh đi đại tiện ra ngoài môi trường hoặc nếu phân của người nhiễm bệnh được sử dụng làm phân bón cho đất hoặc cây trồng thì trứng sẽ bị nhiễm lại trên đất.
Trứng giun đũa và giun tóc có khả năng truyền nhiễm khi chúng phát triển thành ấu trùng trong đất. Người sẽ bị nhiễm ấu trùng của giun đũa và giun tóc từ tay bị nhiễm bẩn hoặc bằng cách ăn rau và trái cây chưa được nấu chín, chưa được rửa hoặc gọt vỏ cẩn thận.
Hình 2: Chu kỳ giun đũa ở người và môi trường
Trứng giun móc không lây nhiễm, trứng phát triển và nở ra ấu trùng trong đất, trưởng thành thành một dạng có thể xâm nhập vào da của con người. Chủ yếu gặp ở người hay đi chân đất, người làm việc tiếp xúc thường xuyên với đất mà không dùng ủng hoặc bao tay, trẻ em sau khi nghịch bẩn mà không vệ sinh sạch sẽ tay.
Riêng cá biệt loài giun móc (Anclostoma duodenale) cũng có thể lây truyền ấu trùng qua đường ăn. Người ăn phải trứng có chứa ấu trùng sau đó ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành trong hệ tiêu hóa.
III. Tác hại nhiễm giun sán
Những người bị nhiễm giun truyền qua đất thường không có triệu chứng hoặc có một số các triệu chứng như đau bụng, chán ăn.
Hình 3: Đau bụng do nhiễm giun sán
Khi bị nhiễm giun nặng có thể gây ra một loạt các vấn đề sức khỏe, bao gồm: tiêu chảy, mất máu, chậm phát triển thể chất và nhận thức. Ở trẻ nhỏ có thể gây tắc ruột và suy dinh dưỡng. Các triệu chứng khác như ho là do sự di chuyển của giun đến các cơ quan trong cơ thể.
Người cũng có thể bị nhiễm giun đũa lợn (Ascaris suum), trên lâm sàng không thể phân biệt được nhiễm giun đũa người (Ascaris lumbricoides) hay giun đũa lợn (Ascaris suum). Hiện tại các bộ kít thương mại để phát hiện kháng thể cũng không có bộ kít nào dùng để phát hiện nhiễm giun đũa lợn.
Những người bị nhiễm giun tóc/giun móc có thể bị nhiễm trùng nhẹ hoặc nặng. Những người có triệu chứng nặng gồm: rối loạn tiêu hóa với biểu hiện đi ngoài nhiều lần, đau quặn bụng, phân có chứa hỗn hợp chất nhầy, nước và máu, thiếu máu trầm trọng và chậm phát triển.
IV. Chẩn đoán
1. Chẩn đoán xác định khi tìm thấy giun hoặc trứng giun.
- Phương pháp xét nghiệm soi phân trực tiếp hoặc tập trung tìm trứng giun trên kính hiển vi.
- Giun trưởng thành có thể tìm thấy trong phân hoặc ở hậu môn đôi khi có thể thấy giun ở mũi.
Hình 4: Hình ảnh các loại trứng giun
2. Xét nghiệm bạch cầu ái toan
- Xét nghiệm tổng phân tích máu ngoại vi để xác định phần trăm bạch cầu ái toan. Trong giai đoạn nhiễm ấu trùng, bạch cầu ái toan thường tăng cao, đến giai đoạn giun trưởng thành bạch cầu ái toan không tăng hoặc giảm về mức bình thường.
3. Huyết thanh học
- Đối với giun đũa xét nghiệm huyết thanh học bao gồm: tìm kháng thể IgM, IgG trong huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch enzyme (ELISA).
- Kháng thể được sinh ra trong quá trình ấu trùng di chuyển vào hệ tuần hoàn của cơ thể. Thời gian xuất hiện kháng thể IgM sau 3-4 tuần, IgG xuất hiện muộn hơn sau 4-5 tuần kể từ lúc người nuốt phải trứng có chứa ấu trùng. Lượng kháng thể IgM mất đi nhanh chóng sau đó, kháng thể IgG sẽ tồn tại lâu hơn, trung bình trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, tùy từng cá thể có thể dài hơn.
- Hiện tại các bộ kít xác định kháng thể trong huyết thanh bằng phương pháp miễn dịch Enzyme (ELISA) sử dụng các kháng nguyên bài tiết của ấu trùng.
4. Chụp X-Quang
- Chụp X-quang (XQ) ổ bụng bằng cách cho bệnh nhân uống chất cản quang từ 4-6h sau đó chụp XQ. Đọc kết quả film XQ thấy giun có hình ống hoặc nhìn thấy bóng của giun như một sợi dây do giun nuốt chất cản quang.
Tài liệu tham khảo
1. Brooker S, Clements A, Bundy DAP. Global epidemiology, ecology and control of soil-transmitted helminth infections. Adv Parasitol. 2006;62:223–65.
2. Betohony J, Brooker S, Albonico M, Geiger S, Loukas A, Dimert D, et al. Soil-transmitted helminth infections: Ascaridiasis. trichuriasis and hookworm. Lancet. 2006;367:1521–32
3. de Silva NR, Brooker S, Hotez PJ, Montressor A, Engels D, Savioli L. Soil-transmitted helminth infections: updating the global picture. Trend Parasitol. 2003;19:547–51.