Nhiễm trùng huyết có thể dẫn tới sốc nhiễm khuẩn, đe dọa tính mạng con người nếu không được cấp cứu kịp thời. Vậy đây là bệnh lý như thế nào, do đâu, biểu hiện ra sao, xử lý cách nào,... tất cả những thông tin này sẽ được chúng tôi giải đáp ngay sau đây.
14/11/2020 | Nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu ở nữ giới và cách phòng tránh 03/11/2020 | Nguyên nhân gây ra tình trạng tiêu chảy nhiễm trùng 21/10/2020 | Bệnh nhiễm trùng đường ruột ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe?
1. Nhiễm trùng huyết là bệnh gì? Nguy hiểm ra sao?
Nhiễm trùng huyết (nhiễm khuẩn huyết) là - bệnh nhiễm khuẩn toàn thân xảy ra do sự xâm nhập liên tiếp của vi khuẩn và độc tố của nó vào máu. Phản ứng viêm gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể, khiến cơ thể phản ứng quá mức và làm tổn thương nhiều tạng. Ở mức độ nghiêm trọng, nó có thể dẫn đến sốc nhiễm trùng và tử vong nếu không được cấp cứu ngay.
Nhiễm trùng huyết xảy ra khi vi khuẩn, virus xâm nhập vào máu
Điển hình cho những nguy hiểm mà nhiễm trùng huyết gây ra có thể kể đến:
- Xảy ra rối loạn đông máu làm giảm lưu lượng máu di chuyển đến chân tay và các cơ quan nội tạng khiến cơ thể bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng.
- Biến chứng tuần hoàn, hô hấp, rối loạn đông máu, suy tạng,... khi bệnh nhân không được trị liệu kịp thời.
- Sốc nhiễm trùng gây sự suy giảm chức năng của một số bộ phận trong cơ thể, dù được điều trị tích cực nhưng vẫn tử vong.
2. Lý do nào dẫn đến bệnh nhiễm trùng huyết?
Nhiễm trùng huyết xảy ra do hệ miễn dịch của cơ thể bị yếu đi và các loại virus, vi khuẩn xâm nhập trực tiếp vào máu hoặc xâm nhập thông qua các vết thương bị nhiễm trùng. Tác nhân gây bệnh phổ biến nhất là vi khuẩn kỵ khí, vi khuẩn gram dương và vi khuẩn gram âm.
Đối tượng được xem là có nguy cơ cao với bệnh lý này bao gồm:
- Người bị suy yếu hệ miễn dịch.
- Mắc các bệnh lý mạn tính như: xơ gan, tiểu đường, HIV,...
- Bệnh gây nhiễm trùng không được điều trị đúng cách: viêm màng não, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm ruột thừa,...
- Bỏng hoặc chấn thương nặng tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào máu.
- Trẻ sinh non yếu, người già.
- Trẻ nhỏ có vết thương hở, mắc bệnh nhiễm khuẩn.
- Người bị suy dinh dưỡng.
- Người đã ghép tạng hoặc có phẫu thuật.
- Dùng kim tiêm mất vệ sinh.
- Dùng corticoid trong thời gian dài.
3. Dấu hiệu nhận biết và cách thức xử trí với nhiễm trùng huyết như thế nào?
3.1. Dấu hiệu nhận biết
Hầu hết các trường hợp bị nhiễm trùng huyết sẽ có các dấu hiệu sau:
- Sốt cao
Người bệnh thường sốt cao trên 38,5 độ C. Vì thế, khi có dấu hiệu này người bệnh cần được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị nhanh chóng.
Huyết áp thấp là dấu hiệu điển hình của nhiễm trùng máu, cần được cấp cứu ngay
- Cảm thấy ớn lạnh
Sốt cao và ớn lạnh là những hiện tượng hay đi cùng nhau, dễ bị nhầm lẫn với cảm cúm thông thường nên nhiều người chủ quan cho qua.
- Da có lốm đốm hoặc trở nên nhợt nhạt
Do nhiễm trùng huyết làm cho quá trình lưu thông máu đến da diễn ra chậm đi nên da trở nên nhợt nhạt hoặc nổi các vết đốm kỳ lạ.
- Huyết áp thấp
Đây là dấu hiệu rất nghiêm trọng của nhiễm trùng cần được can thiệp y tế càng nhanh càng tốt.
- Nhịp tim nhanh
Do tim phải di chuyển máu nhanh hơn để chống lại vi khuẩn xâm nhập nên có hiện tượng tăng nhịp tim. Vì thế nếu thấy nhịp tim ở mức 100 nhịp/phút hoặc trên mức này nên nghi ngờ về nhiễm trùng huyết.
- Khó thở
Người bị nhiễm trùng huyết thường có nhịp thở trên 22 lần/phút. Điều này là do nhiễm trùng ở phổi khiến oxy giảm và gây viêm phổi hoặc vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể làm tăng nhu cầu oxy và giải phóng carbon dioxide. Để phản ứng với những hiện tượng ấy, người bệnh phải thở nhanh hơn hoặc cảm thấy như bị hụt hơi.
3.2. Cách thức xử trí
Nên đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu:
+ Không đi tiểu trong 1 ngày hoặc cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
+ Không thể ăn uống và nôn liên tục.
+ Xung quanh vết thương hoặc vết cắt có hiện tượng sưng, đỏ và đau.
+ Đột nhiên thân nhiệt thấp hoặc cao hơn so với bình thường.
Ở mức độ nhẹ, khi nhiễm trùng máu chưa ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng của cơ thể, bác sĩ có thể sẽ kê đơn thuốc để điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu ở mức độ này mà không tiếp nhận điều trị thì rất nhanh chóng, bệnh có thể gây sốc nhiễm trùng và dẫn đến tử vong.
Trường hợp cần thiết, bệnh nhân có thể phải phẫu thuật để loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng huyết
Ở mức độ nặng hơn, tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp với mỗi bệnh nhân. Người bệnh có thể sẽ được tiêm kháng sinh qua tĩnh mạch để chống nhiễm trùng kết hợp cùng với sử dụng một số loại thuốc khác để giảm đau, kháng viêm, ổn định đường huyết và tăng huyết áp.
Hoặc khi cần thiết bệnh nhân sẽ phải dùng máy thở, lọc máu bằng thiết bị thay thế chức năng thận nhằm loại bỏ muối, nước dư thừa và chất thải nguy hại có trong máu. Cũng có phương án khác được áp dụng đó là phẫu thuật hút mủ từ áp-xe hoặc mô nhiễm trùng để loại bỏ nguồn gốc gây nhiễm trùng máu.
Mức độ nguy hiểm của nhiễm trùng huyết phụ thuộc vào các yếu tố: tiền sử bệnh lý, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, thời gian khởi phát bệnh và thời điểm được điều trị. Ở mức độ cao nhất, sự hiện diện của các tác nhân có hại trong máu sẽ làm suy đa tạng và dẫn đến tử vong.
Phát hiện và điều trị sớm được xem là có vai trò vô cùng quan trọng đối với hiệu quả cải thiện bệnh. Vì thế, tự trang bị kiến thức cho mình về bệnh lý này để kịp thời nhận biết, đến gặp bác sĩ là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do nhiễm trùng huyết gây ra.
Nếu đang nghi ngờ về nguy cơ nhiễm trùng máu mà không biết cách nào để xác định chính xác tình trạng của mình, bạn cũng có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để trao đổi cùng chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Bằng kinh nghiệm và kiến thức được trau dồi thường xuyên, bài bản, chúng tôi tin rằng sẽ giúp bạn biết cách xử lý đúng đắn nhất để bảo vệ sức khỏe trong tình huống này.