Dù chải răng hàng ngày nhưng không thể loại bỏ hết hoàn toàn mảng bám cao răng ở các chân răng và kẽ răng. Do đó định kỳ cần điều trị nha khoa bằng lấy cao răng và đánh bóng răng với dụng cụ chuyên biệt. Nhiều người cho rằng lấy cao răng nhiều không tốt cho men răng, có thể gây yếu răng. Vậy lấy cao răng có thực sự tốt không?
15/11/2021 | Tất tần tật mọi điều cần biết trước khi đi lấy cao răng 06/02/2021 | Có nên lấy cao răng không? Giá lấy cao răng bao nhiêu? 28/01/2021 | Cao răng và 1 số thông tin sẽ khiến bạn phải bất ngờ!
1. Có cần phải lấy cao răng không?
Vôi răng hay còn gọi là cao răng thực chất là những mảng bám, mảnh vụn thức ăn còn sót lại trong khoang miệng, thường tập trung ở các kẽ răng, chân răng. Theo thời gian cùng với sự tác động của vi khuẩn, những mảnh vụn này bị vôi hóa, lắng thành lớp cặn cứng và dày bám ở thân răng, nướu răng. Vôi răng có màu trắng đục hoặc vàng nâu, thậm chí chuyển sang màu đen không những gây mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng.
Chải răng hàng ngày không thể loại bỏ hoàn toàn mảng bám ở răng
Thời gian tích tụ càng lâu thì cao răng càng nhiều, màu sắc cũng đậm hơn, là nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn đề răng miệng như: chảy máu chân răng, tụt nướu, hơi thở nặng mùi, hỏng men răng, viêm nha nhu, viêm tủy răng, sâu răng, các bệnh viêm niêm mạc miệng, viêm amidan,...
Vôi răng bám rất chắc vào bề mặt răng nên không thể làm sạch bằng bải chải thông thường mà cần dùng đến dụng cụ vệ sinh chuyên dụng. Khi tới nha khoa, nha sĩ có thể lấy cao răng bằng sóng siêu âm cùng với lực đẩy của nước để làm sạch các mảng bám, vôi răng trên nướu. Việc lấy cao răng được các chuyên gia khuyến cáo nên thực hiện định kỳ 3 - 6 tháng/lần để tránh tác hại của cao răng.
Cao răng hình thành từ quá trình vôi hóa cặn thức ăn thừa cùng vi khuẩn
2. Lợi ích khi lấy cao răng định kỳ
Những lợi ích khi lấy cao răng định kỳ với sức khỏe răng miệng có thể kể đến gồm:
2.1. Giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng
Cao răng bám ở chân răng và kẽ răng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây bệnh. Những người mắc bệnh răng miệng điển hình thường không loại bỏ tốt cao răng định kỳ như: viêm nha chu, viêm nướu, tụt lợi, mòn men răng,...
2.2. Hạn chế tình trạng hôi miệng, giúp hơi thở thơm mát
Vi khuẩn cư trú lâu cùng với sự phân hủy của cặn thức ăn tại các kẽ răng là nguyên nhân gây ra hơi thở có mùi hôi khó chịu. Lấy cao răng định kỳ sẽ chấm dứt tình trạng này, giúp bạn tự tin hơn với hơi thở thơm mát.
2.3. Mang đến hàm răng trắng sáng
Mảng bám cao răng với màu trắng ngà, vàng hoặc nâu gây mất thẩm mỹ, khiến răng trở nên ố vàng, xỉn màu. Vì thế, lấy cao răng định kỳ là cần thiết để duy trì hàm răng trắng sáng, sạch sẽ lâu dài.
2.4. Bảo vệ sức khỏe của răng và xương hàm
Nhiều người cho rằng, cao răng bám không phải là vấn đề răng miệng nghiêm trọng, song thực tế tình trạng cao răng tích tụ nhiều là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại phá hủy tổ chức răng và nướu. Hậu quả nghiêm trọng hơn có thể gặp là tình trạng tiêu xương hàm, răng lung lay hoặc mất răng hàng loạt. Vì thế, để răng và xương hàm được bảo vệ khỏe mạnh, lấy cao răng là rất quan trọng.
Lấy cao răng giúp bảo vệ sức khỏe răng và xương hàm
3. Bao lâu nên lấy cao răng một lần?
Mặc dù đem đến nhiều lợi ích nhưng không nên lạm dụng việc lấy cao răng quá liên tục bởi việc sử dụng sóng âm và lực đẩy mạnh có thể tổn thương đến răng và nướu. Khoảng cách giữa những lần lấy cao răng quá gần khiến cho răng không được nghỉ ngơi, từ đó người bệnh có thể gặp phải tình trạng đau răng, nhức răng, buốt răng, răng nhạy cảm, lung lay răng,...
Theo các chuyên gia khuyến cáo, thời gian trung bình nên lấy cao răng 1 lần là 6 tháng. Khoảng thời gian này là thích hợp để mảng bám cao răng hình thành chưa gây ra quá nhiều vấn đề cho răng miệng cũng như đủ để răng và nướu phục hồi khỏe mạnh từ lần lấy cao răng trước. Để cẩn thận hơn, nha sĩ sẽ thăm khám xác định có cần thiết phải lấy cao răng hay không và điều trị bệnh răng miệng liên quan nếu có.
Mặc dù khoảng thời gian 6 tháng được khuyến cáo chung với tất cả mọi người song tùy vào đặc điểm cấu trúc răng, thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng là mức độ hình thành cao răng ở mỗi người là khác nhau. Một số đối tượng sau cần lấy cao răng thường xuyên hơn:
Người hút thuốc, uống cà phê, hình thành cao răng nhanh có thể lấy cao răng thường xuyên hơn
-
Người hay sử dụng chất kích thích khiến cao răng hình thành nhanh và nhiều như: hút thuốc lá thường xuyên, uống nhiều bia rượu, cà phê,...
-
Người có men răng sần sùi, khiến các mảng cao răng dễ hình thành và tích tụ ở thân răng, nướu răng.
Lấy cao răng với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 10 tuổi cần được thăm khám kiểm tra sức khỏe răng miệng kỹ càng, ngoài ra khi thực hiện cũng cần đặc biệt nhẹ nhàng.
4. Chăm sóc răng miệng sau khi lấy cao răng như thế nào?
Sau khi lấy cao răng, răng và lợi cũng chịu ảnh hưởng nhất định, việc chăm sóc đúng cách là rất quan trọng để răng lợi nhanh hồi phục về trạng thái bình thường cũng như ngăn ngừa cao răng hình thành nhiều. Dưới đây là một số hướng dẫn vệ sinh, chăm sóc răng miệng sau khi lấy cao răng:
-
Lấy cao răng và kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần.
-
Đánh răng với bàn chải mềm hết các vùng răng 2 - 3 lần mỗi ngày ngay sau bữa ăn để loại bỏ vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn.
-
Dùng chỉ nha khoa loại bỏ cặn bã thức ăn mắc kẹt ở kẽ răng, các vị trí khó vệ sinh khác.
-
Súc miệng với nước muối hoặc nước súc miệng chuyên dụng có khả năng diệt khuẩn, giảm sự tích tụ của các mảng bám cao răng.
Sau khi lấy cao răng cần chú ý vệ sinh răng miệng đầy đủ để tránh hình thành sớm cao răng
Lấy cao răng là biện pháp cần thiết để vệ sinh răng miệng, ngăn ngừa ảnh hưởng của mảng bám cao răng với sức khỏe của răng và nướu. Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với chuyên gia Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.