Khô mắt không phải là vấn đề quá nghiêm trọng nhưng cần được điều trị sớm. Bệnh gây đỏ, rát mắt, giảm năng suất lao động và nếu không điều trị sớm có thể dẫn tới khô mắt mạn tính, suy giảm thị lực.
05/02/2022 | Tất tần tật những gì cần nhớ về bệnh khô mắt 09/01/2022 | Bỏ túi ngay 6 loại thực phẩm giúp tránh khô mắt 14/06/2021 | Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bị khô mắt do dị ứng
1. Những nguyên nhân phổ biến gây khô mắt
Tuyến lệ có nhiệm vụ sản xuất ra nước mắt để bảo vệ mắt và duy trì thị lực. Nhờ có nước mắt mà các sinh vật khó xâm nhập, gây tổn thương cho mắt. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó khiến tuyến lệ hoạt động kém, gây ra tình trạng mất cân bằng giữa lượng nước mắt được tiết ra và lượng nước mắt thoát đi sẽ dẫn tới tình trạng khô mắt. Dưới đây là một số lý do cụ thể dẫn tới tình trạng khô mắt:
Nhiều nguyên nhân gây khô mắt
- Do lượng nước mắt tiết ra quá ít: Chức năng của tuyến lệ là sản xuất ra nước mắt. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể khiến chức năng này bị suy giảm như:
+ Độ tuổi: Tuổi càng cao thì tuyến lệ hoạt động càng kém và mắt sẽ có nguy cơ cao bị khô. Do đó, đây là căn bệnh dễ xảy ra ở độ tuổi trung niên. Nếu không chăm sóc và bảo vệ mắt tốt thì quá trình lão hóa dẫn tới khô mắt sẽ có thể diễn ra sớm hơn.
+ Do thời tiết chẳng hạn như do trời nhiều gió, môi trường quá nhiều khói bụi và các hóa chất độc hại có thể làm mắt dễ bị khô hơn.
+ Do thói quen làm việc quá lâu với máy tính, sử dụng điện thoại quá nhiều cũng có thể làm tăng tốc độ bốc hơi của nước mắt trên bề mặt nhãn cầu dẫn tới khô mắt.
- Chất lượng nước mắt không tốt: Màng phim của nước mắt gồm có lớp mỡ, lớp nước và lớp nhầy, có tác dụng bảo vệ nhãn cầu. Trong trường hợp 3 lớp này bị mất cân bằng thì quá trình bốc hơi của nước mắt sẽ diễn ra nhanh hơn và dẫn tới tình trạng khô mắt.
- Một số bệnh lý về mắt như viêm bờ mi, trứng cá đỏ cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước mắt và tăng nguy cơ khô mắt.
- Do một số bệnh lý khác: Những bệnh nhân mắc các bệnh về tuyến giáp, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp,... có nguy cơ bị khô mắt cao hơn bình thường.
- Do thuốc điều trị: Một số loại thuốc chẳng hạn như thuốc kháng histamin, thuốc điều trị huyết áp, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau,... có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả nhưng lại có thể là nguyên nhân khiến nước mắt tiết ra ít hơn. Do vậy, sử dụng những loại thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn tới tình trạng khô mắt.
Làm việc quá nhiều với máy tính có thể gây khô mắt
- Ngoài những nguyên nhân kể trên, giới tính cũng được tính đến là yếu tố làm tăng nguy cơ gây bệnh. Cụ thể là nữ giới có nguy cơ bị khô mắt cao hơn nam giới. Ở cơ thể phụ nữ, nội tiết tố thường có sự thay đổi lớn trong nhiều giai đoạn chẳng hạn như ở chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ mang thai, khi bước vào giai đoạn mãn kinh, thói quen dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài,... Đây cũng chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ khô mắt.
2. Một số biểu hiện của bệnh khô mắt
Những triệu chứng khô mắt khá rõ ràng, do vậy, không quá khó khăn để nhận biết dấu hiệu bệnh. Cụ thể như sau:
- Người bệnh thường xuyên có cảm giác khô mắt, bỏng rát mắt và mỏi mắt,... Nguyên nhân dẫn đến triệu chứng này là do bề mặt nhãn cầu không được bôi trơn tốt.
- Sau khi chớp mắt, bệnh nhân có cảm giác nhìn mờ và đôi khi bị giảm thị lực tạm thời.
- Khi bị khô mắt, phản ứng kích thích khiến nước mắt chảy ra liên tục. Tuy nhiên, do mất cân bằng giữa lượng nước mắt tiết ra và lượng nước mắt bốc hơi nên chứng khô mắt sẽ vẫn xảy ra và khiến bệnh nhân rất khó chịu.
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc nhỏ mắt
- Xuất hiện nhiều ghèn trắng ở hốc mắt.
- Với những trường hợp bị khô mắt nặng thì có thể dẫn đến tình trạng tổn thương nhãn cầu và kết quả là bệnh nhân sẽ bị suy giảm thị lực rất nhanh.
- Hiện tượng khô mắt diễn ra thời gian dài. Dù đã được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng tình trạng khô mắt vẫn không được cải thiện. Người bệnh thường xuyên thức dậy với cảm giác mỏi mắt và vẫn muốn ngủ tiếp dù đã ngủ đủ giấc.
- Nếu tình trạng đau rát mắt càng nghiêm trọng thì nguy cơ xảy ra tổn thương ở tròng mắt lại càng cao. Lúc này, bệnh nhân cần được nghỉ ngơi hợp lý và điều trị kịp thời để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm.
3. Phải làm sao để cải thiện và phòng ngừa chứng khô mắt?
Theo các chuyên gia, bạn nên thực hiện những phương pháp chăm sóc mắt dưới đây để cải thiện và bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt:
- Nên thực hiện chớp mắt chậm và đều để nước mắt dàn đều và làm ẩm toàn bộ bề mặt nhãn cầu. Trong 1 phút nên chớp mắt từ 12 đến 18 lần.
- Loại bỏ thói quen thức khuya. Đây là thói quen gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là đôi mắt.
- Mỗi đêm, bạn nên ngủ khoảng 7 đến 8 tiếng để mắt có thời gian nghỉ ngơi cũng như phục hồi một cách tốt nhất.
Ngủ đủ giấc để tránh khô mắt
- Không để mắt tiếp xúc với ánh sáng mạnh, tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, tiếp xúc với gió mạnh hoặc môi trường ô nhiễm, ẩm thấp. Có thể tham khảo bác sĩ về việc sử dụng nước mắt nhân tạo để tăng cường độ ẩm cho mắt.
- Tăng cường bổ sung dưỡng chất cũng là một yếu tố quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe mắt và hạn chế tình trạng khô mắt. Nên bổ sung đa dạng thực phẩm và đặc biệt ưu tiên bổ sung các thực phẩm chứa nhiều Omega-3 và Beta-Caroten chẳng hạn như các loại rau củ màu đỏ hay các loại cá,...
- Với những người phải thường xuyên làm việc với máy tính thì cần lưu ý thường xuyên chớp mắt và giữ khoảng cách tối thiểu 50cm với màn hình máy tính. Nên cho mắt có khoảng thời gian nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc.
Bệnh khô mắt không quá nguy hiểm nhưng khiến cho người bệnh mệt mỏi, giảm năng suất lao động. Nếu để quá lâu mà không điều trị, bệnh sẽ chuyển sang mạn tính và theo thời gian có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến thị lực của người bệnh. Đáng lo ngại hơn vì nhiều yếu tố đặc biệt là yếu tố môi trường và thói quen sinh hoạt không khoa học khiến cho tỷ lệ người bị khô mắt ngày càng tăng. Do đó, mỗi chúng ta cần trang bị những kiến thức cơ bản để nhận biết bệnh sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Để được tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh khô mắt hoặc cần được khám mắt, quý khách hàng có thể liên hệ đến Hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được tư vấn và hướng dẫn đặt lịch khám nhanh nhất.