Nguyên nhân chủ yếu gây viêm mũi họng thường là virus. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp do vi khuẩn hoặc do virus nhưng xuất hiện bội nhiễm, lúc này dùng kháng sinh để điều trị là cần thiết. Sử dụng đúng loại thuốc kháng sinh chữa viêm mũi họng với liều lượng và thời gian phù hợp sẽ trị bệnh hiệu quả và ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
27/12/2021 | Vì sao viêm xoang gây viêm họng và cách điều trị? 18/11/2021 | 6 cách chữa viêm họng không dùng thuốc cực hiệu quả 18/11/2021 | Nguyên nhân và cách chữa viêm họng sổ mũi cho bé đơn giản
1. Khi nào cần dùng thuốc kháng sinh chữa viêm mũi họng?
Thuốc kháng sinh chỉ hiệu quả với trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn hoặc do virus nhưng xảy ra bội nhiễm. Các loại vi khuẩn thường gây viêm mũi họng bao gồm: liên cầu, tụ cầu,... song nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn nhóm A, sử dụng kháng sinh phù hợp sẽ đẩy lùi bệnh hiệu quả và triệt để, hạn chế được biến chứng.
Viêm mũi họng do vi khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh
So với viêm mũi họng do virus hay nấm, triệu chứng viêm mũi họng do vi khuẩn thường nặng và kéo dài hơn như: sốt cao, đau họng, chảy nước mũi màu vàng hoặc xanh do nhiễm khuẩn, đau người, mệt mỏi,... Ngoài ra, vi khuẩn còn gây 1 số triệu chứng điển hình riêng như: sưng đỏ amidan, sưng đỏ họng, tưa lưỡi, lưỡi gà sưng tấy, amidan có đốm trắng,...
Khi chẩn đoán viêm mũi họng do vi khuẩn hoặc xuất hiện bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định dùng kháng sinh bên cạnh các thuốc trị triệu chứng khác. Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh, tuy nhiên không phải tất cả các loại kháng sinh đều có tác dụng tiêu diệt tất cả các loại vi khuẩn hiệu quả. Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả khi dùng đúng loại, đúng liều lượng và thời gian sử dụng.
Nên dùng thuốc kháng sinh điều trị viêm mũi họng theo chỉ định của bác sĩ
Do đó, không nên tự ý mua và dùng thuốc kháng sinh chữa viêm mũi họng, nên tham khảo ý kiến bác sĩ và sử dụng có sự theo dõi của bác sĩ. Khi triệu chứng viêm mũi họng kéo dài, không đáp ứng với biện pháp chăm sóc, điều trị tại nhà, người bệnh nên đến cơ sở y tế.
Dựa trên triệu chứng, có thể khó xác định chính xác nguyên nhân gây viêm mũi họng là do virus hay vi khuẩn, vì thế bác sĩ có thể thực hiện xét nghiệm nhanh bằng dịch phết họng để chẩn đoán.
Chủ yếu xét nghiệm này áp dụng với trẻ em bị viêm mũi họng và nghi ngờ do liên cầu khuẩn nhóm A có thể gây biến chứng nặng như thấp khớp cấp, viêm cầu thận,...
2. Dùng kháng sinh nào chữa viêm mũi họng?
Khi lựa chọn kháng sinh điều trị viêm mũi họng, bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố bao gồm: tác dụng của thuốc với vi khuẩn gây bệnh, tính an toàn, chi phí, thời gian sử dụng và hiệu quả của thuốc. Muốn vậy, bác sĩ sẽ cần thông tin chẩn đoán vi khuẩn gây bệnh, tình trạng bệnh bao gồm triệu chứng và biến chứng.
Kháng sinh Amox thường dùng trong điều trị viêm mũi họng
Hai loại kháng sinh được ưu tiên sử dụng trong chữa viêm mũi họng, đặc biệt do liên cầu khuẩn là amoxicillin và penicillin, trong đó amoxicillin có mùi vị dễ chịu, khả năng hấp thu tốt hơn nên được ưu tiên chỉ định hơn nhất là với trẻ nhỏ và người già. Hầu hết bệnh nhân viêm mũi họng do vi khuẩn sẽ được chỉ định điều trị hai loại kháng sinh này, trừ trường hợp không dung nạp với thuốc.
Khi đó, bác sĩ có thể chỉ định thay thế bằng các loại kháng sinh khác như clarithromycin, azithromycin, clindamycin hay kháng sinh nhóm cephalosporin. Chủ yếu bệnh nhân chỉ cần điều trị những nhóm kháng sinh này qua đường uống, song vẫn có trường hợp không đáp ứng tốt hoặc không tuân thủ hết liều dùng đường uống thì bác sĩ sẽ xem xét dùng kháng sinh benzathine penicillin đường tiêm bắp 1 lần duy nhất.
Trong quá trình điều trị, có thể phải thay đổi loại thuốc kháng sinh và liều dùng nên bác sĩ cũng sẽ theo dõi sát sao tiến triển bệnh. Nếu người bệnh viêm mũi họng không đáp ứng tốt với thuốc, triệu chứng không giảm và có xu hướng tăng mạnh hơn thì cần liên hệ với bác sĩ để tư vấn thuốc điều trị thích hợp.
Cần dùng kháng sinh đủ liều lượng và thời gian
3. Lưu ý gì khi dùng thuốc kháng sinh chữa viêm mũi họng?
Thuốc kháng sinh có hiệu quả tốt với viêm mũi họng do vi khuẩn, nhất là liên cầu khuẩn dễ gây biến chứng nặng. Thuốc sẽ mang lại nhiều lợi ích trong điều trị bệnh như: giảm triệu chứng khó chịu, ngăn ngừa lây nhiễm vi khuẩn cho người khác, rút ngắn thời gian điều trị và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm như viêm amidan hốc mủ, áp xe thành sau họng, thấp khớp cấp,...
3.1. Thời gian sử dụng thuốc
Thông thường sau khi sử dụng thuốc kháng sinh khoảng một vài ngày, triệu chứng sẽ giảm thấy rõ. Nếu triệu chứng không đỡ sau khi dùng thuốc hơn 72 giờ thì cần thông báo với bác sĩ, có thể phác đồ điều trị và loại kháng sinh sử dụng không phù hợp.
Thực tế có không ít trường hợp viêm mũi họng do vi khuẩn đã được điều trị và đáp ứng tốt với kháng sinh nhưng bệnh tái phát và kéo dài dai dẳng. Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân là do bệnh nhân không dùng hết liều kháng sinh, tự ý ngưng điều trị và không chăm sóc sức khỏe tốt.
Do đó, khi thấy triệu chứng thuyên giảm, vẫn cần tiếp tục dùng kháng sinh điều trị đủ thời gian (thường là 7 ngày) để loại bỏ vi khuẩn hoàn toàn.
3.2. Tác dụng phụ có thể gặp
Kháng sinh điều trị viêm mũi họng do vi khuẩn nhóm penicillin hay amoxicillin đa phần là lành tính, tuy nhiên vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn. Tác dụng phụ có thể gặp bao gồm:
-
Phản ứng dị ứng với thuốc với dấu hiệu: nổi bọng nước, ngứa, ban đỏ, phù mặt miệng.
-
Nguy hiểm hơn là dấu hiệu phù họng gây khò khè, khó thở, khó nuốt.
Nếu gặp phải những triệu chứng này, người bệnh cần sớm thông báo cho nhân viên y tế để can thiệp kịp thời. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh trong thời gian dài còn gây rối loạn tiêu hóa, triệu chứng này thường không nguy hiểm song cũng cần theo dõi, nếu tiêu chảy nặng không kiểm soát sẽ cần nhập viện.
Thuốc kháng sinh có thể gây ra phản ứng dị ứng
Tóm lại, thuốc kháng sinh chữa viêm mũi họng cần lưu ý sử dụng đủ liều, đủ số lần dùng và thời gian sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu có thắc mắc thêm về dùng thuốc, hãy liên hệ với MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.