Bé bị đau mắt, sưng mắt là vấn đề khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Cần xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này để chăm sóc con đúng cách và kịp thời đưa con đi khám, phòng tránh những biến chứng nguy hiểm.
30/05/2023 | Đau mắt: Nguyên nhân gây bệnh và cách điều trị hiệu quả 12/05/2023 | Thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ có những loại nào? 26/09/2022 | Các giai đoạn của bệnh đau mắt hột và cách xử lý khi mắc bệnh 22/09/2022 | Tác nhân gây đau mắt đỏ và diễn biến của bệnh
1. Nguyên nhân nào khiến bé bị đau mắt, sưng mắt?
Bé bị đau mắt, sưng mắt là hiện tượng mí trên, mí dưới hay cả 2 mí mắt của trẻ bị sưng lên. Kèm theo đó là tình trạng đau nhức, có nhiều ghèn mắt và chảy nước mắt sống.
Một số nguyên nhân phổ biến có thể gây bệnh là:
- Viêm kết mạc hay đau mắt đỏ: Đây là bệnh về mắt rất phổ biến và có nguy cơ lây lan, nhất là ở trẻ em – những đối tượng có sức đề kháng kém. Khi mắc bệnh, trẻ thường có biểu hiện sưng mắt, đỏ mắt, mắt có nhiều ghèn khiến trẻ khó mở mắt khi vừa mới thức dậy.
Nếu chăm sóc đúng cách, trẻ có thể khỏi bệnh sau 7 đến 10 ngày. Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn hoặc không được điều trị đúng phương pháp, bệnh có thể gây nhiễm trùng, loét giác mạc,… ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến thị lực của trẻ sau này, thậm chí có thể gây mù lòa.
Đau mắt, sưng mắt ở trẻ do nhiều nguyên nhân
- Viêm bờ mi: Hiện tượng viêm bờ mi có thể xảy ra ở cả vùng mi mắt trong và mi mắt ngoài với một số triệu chứng như sưng đỏ mắt, đóng vảy ở chân lông mi, trẻ thường xuyên dụi mắt vì ngứa, quấy khóc vì quá khó chịu, mi mắt thường bị đóng vảy khi trẻ thức dậy vào mỗi buổi sáng, mắt bé đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng,… Nếu không được điều trị, bệnh có thể tiến triển nặng và dẫn đến những biến chứng như viêm túi lệ, lẹo mắt, chắp mắt, khô mắt, nhiễm trùng mắt,..
Nguyên nhân thường gặp dẫn đến viêm bờ mi có thể là do rối loạn tuyến bã nhờn trên mí mắt, nhiễm virus, vi khuẩn, rụng lông mi hoặc cũng có thể là do trẻ dị ứng với một số thành phần trong thuốc nhỏ mắt,…
- Viêm mô tế bào
Khi bị viêm mô tế bào quanh ổ mắt, hốc mắt cũng có thể dẫn đến tình trạng bé bị đau mắt, sưng mắt và một số triệu chứng khác như đau đầu, mờ mắt, nhìn đôi, đỏ mắt,…
Trẻ bị sưng mắt, đau mắt do viêm mô tế bào
Viêm mô tế bào là một bệnh nhiễm khuẩn và thường xảy ra sau khi trẻ bị viêm xoang. Khi mắc bệnh này, trẻ thường phải dùng kháng sinh, tiêm kháng sinh tĩnh mạch dài hạn và một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần phẫu thuật. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng rất nguy hiểm như suy giảm thị lực, thậm chí có thể gây tử vong. Do đó, nếu trẻ có những biểu hiện nghi ngờ viêm mô tế bào, cha mẹ cần đưa con đi khám sớm.
- Một số chấn thương ảnh hưởng trực tiếp vào mắt cũng có thể gây đau mắt, sưng mắt: Thông thường, ở trẻ em, những chấn thương ở mắt thường là do bút chì, các loại đồ chơi,… Bên cạnh đó, chấn thương mắt cũng có thể do côn trùng cắn. Cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ kiểm tra cụ thể về tình trạng chấn thương của trẻ.
Hiện tượng trầy xước giác mạc có thể lành sau khi bị thương khoảng 24 đến 72 tiếng. Để giảm đau mắt cho trẻ, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chống viêm, giảm đau phù hợp.
- Dị ứng: Đây cũng là nguyên nhân phổ biến khiến bé bị đau mắt sưng mắt. Trẻ có thể bị dị ứng thời tiết, dị ứng với một số loại thuốc, một số loại thực phẩm hay các loại chất tẩy rửa. Khi bị dị ứng, trẻ thường rất ngứa, dụi mắt nhiều hơn và khiến mắt dễ bị sưng lên.
2. Khắc phục tình trạng bé bị đau mắt sưng mắt bằng cách nào?
Để khắc phục tình trạng bé bị đau mắt sưng mắt, các bậc cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau:
- Vệ sinh mắt cho bé thường xuyên, khoảng 2-3 lần/ngày. Lưu ý cần dùng băng gạc, khăn mềm hoặc bông gòn đã được tiệt trùng để vệ sinh. Khăn đã dùng để vệ sinh mắt cho trẻ cần được giặt sạch, phơi dưới ánh nắng mặt trời và không dùng để vệ sinh các vùng cơ thể khác của trẻ.
Vệ sinh mắt cho trẻ đúng cách để khắc phục bệnh
- Dùng một số thực phẩm tự nhiên như nha đam, khoai tây và dưa leo để giảm sưng mắt cho trẻ. Những phương pháp này rất lành tính, giúp chống viêm và giảm đau khá hiệu quả nhưng mặt hạn chế là tác dụng hơi chậm. Trước khi dùng những thực phẩm này để đắp mắt cho trẻ, mẹ cần rửa sạch chúng bằng nước muối.
- Chườm lạnh cũng là cách giúp giảm sưng, giảm đau mắt khá hiệu quả.
- Thường xuyên giặt chăn gối, khăn trải giường của trẻ bằng nước nóng và phơi dưới ánh nắng mặt trời. Bên cạnh đó, mẹ cũng cần lưu ý không nên sử dụng chất tẩy rửa mạnh để tránh gây dị ứng cho trẻ.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thông thoáng để phòng ngừa tình trạng dị ứng do những tác nhân từ môi trường sống như khói bụi, côn trùng,…
- Trong trường hợp trẻ có biểu hiện nghiêm trọng hoặc hiện tượng sưng mắt, đau mắt kéo dài, cha mẹ nên đưa con đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, phòng tránh những biến chứng nghiêm trọng.
Cha mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh
- Một số lưu ý giúp phòng tránh tình trạng bé bị đau mắt sưng mắt:
+ Thường xuyên vệ sinh mắt sạch sẽ cho trẻ.
+ Vệ sinh chăn, ga, gối của trẻ và đảm bảo không gian sống của trẻ luôn sạch sẽ.
+ Đối với trẻ nhỏ và trẻ đang trong giai đoạn tập đi, cha mẹ cần chăm sóc trẻ nhiều hơn để tránh những chấn thương, va chạm không đáng có gây ảnh hưởng đến mắt của trẻ.
+ Hạn chế cho trẻ ra ngoài vào khoảng thời gian giao mùa.
+ Không nên cho trẻ nhỏ dùng mỹ phẩm nếu không thật sự cần thiết để tránh gây ra phản ứng dị ứng cho trẻ.
Trên đây là một số thông tin về nguyên nhân khiến bé bị đau mắt sưng mắt và cách khắc phục hiệu quả. Nếu cần được tìm hiểu thêm về vấn đề này hoặc có nhu cầu thăm khám cho trẻ, các bậc cha mẹ có thể đưa con đến các phòng khám Đa khoa hoặc Bệnh viện Đa khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC hoặc đặt lịch khám sớm cho con qua hotline 1900 56 56 56.