Phổi là một trong những cơ quan quan trọng nhất của hệ hô hấp, có nhiệm vụ trao đổi khí, vận chuyển CO2, lọc độc tố trong máu,… Một số nguyên nhân dẫn đến các vấn đề ở phổi như các loại virus, vi khuẩn, môi trường ô nhiễm, khói bụi, khói thuốc lá,… Dưới đây là hướng dẫn kiểm tra sức khỏe của phổi bằng những cách đơn giản mà bạn hoàn toàn có thể thực hiện.
16/12/2021 | Sinh thiết màng phổi - những điều cần biết! 15/12/2021 | Sinh thiết phổi và top 6 câu hỏi thường gặp 10/11/2021 | Những kiến thức về xét nghiệm bệnh lao phổi không thể bỏ qua 05/11/2021 | Ung thư phổi - Kẻ giết người thầm lặng
1. Hướng dẫn kiểm tra sức khỏe của phổi
1.1. Hướng dẫn tự kiểm tra sức khỏe của phổi
Để kiểm tra sức khỏe phổi, bạn có thể thực hiện theo những cách sau:
Leo cầu thang để kiểm tra sức khỏe phổi
Cách 1: Đánh giá chức năng phổi bằng hoạt động leo cầu thang
Phương pháp kiểm tra này được thực hiện như sau: Bạn đi thang bộ từ tầng 1 lên tầng 3 với tốc độ chậm rãi, bình thường. Nếu bạn không phải dừng lại để nghỉ ngơi hoặc không xuất hiện tình trạng thở dốc thì phổi của bạn đang ở mức ổn.
Ngược lại nếu bạn cảm thấy khó thở và cần dừng lại để nghỉ ngơi nhiều lần trong quá trình lên cầu thang thì rất có thể chức năng phổi của bạn đang không được tốt. Để chắc chắn, bạn có thể trao đổi với bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích.
Cách 2: Đánh giá chức năng phổi bằng phương pháp thổi nến
Trước hết, bạn cần chuẩn bị một cây nến, thắp sáng nến và đặt nến ở cách vị trí đứng khoảng 15cm, ngang với tầm thổi. Sau đó, bạn tiến hành thổi nến. Nếu bạn có thể thổi một hơi khiến cho nến tắt thì chức năng phổi của bạn đang ở mức ổn. Nếu bạn thổi vài lần mà lửa vẫn không tắt thì đây cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn có thể đang gặp phải vấn đề không ổn về phổi.
Bài tập thổi nên để kiểm tra phổi
Cách 3: Hướng dẫn kiểm tra sức khỏe của phổi bằng phương pháp chạy tại chỗ
Một phương pháp khác cũng có thể giúp bạn kiểm tra sức khỏe phổi đó là chạy tại chỗ. Cách thực hiện cũng rất đơn giản như sau: Bạn tiến hành chạy tại chỗ với tốc độ vừa phải, cho đến khi thấy mệt và phải dừng lại.
Sau khi dừng lại khoảng 5 đến 6 phút, bạn có thể hồi phục lại trạng thái bình thường thì đây có thể là dấu hiệu đáng mừng cho biết sức khỏe phổi của bạn đang ổn định. Nếu bạn cần nhiều thời gian hơn để trở lại bình thường như trạng thái ban đầu thì có thể chức năng phổi của bạn đang không được tốt.
Cách 4: Đánh giá khả năng dự trữ khí và oxy của phổi và đường hô hấp
Cách thực hiện như sau: Đầu tiên bạn hít một hơi thật sâu, đồng thời phình bụng ra. Sau đó bạn nín thở, lưu ý không để hơi thoát ra qua đường mũi và miệng. Nếu bạn có thể nín thở trong khoảng 30 giây thì chức năng phổi của bạn khá tốt. Trong trường hợp, bạn chỉ nín thở được ít hơn 20 giây thì chức năng phổi của bạn có thể không tốt hoặc đang gặp phải một vấn đề nào đó.
1.2. Nên đi khám để biết chính xác tình trạng sức khỏe phổi
Những phương pháp tự kiểm tra phổi tại nhà chỉ nên tham khảo, cách kiểm tra phổi chính xác nhất và nhanh chóng nhất là hãy đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và hướng dẫn thực hiện một số xét nghiệm.
Đặc biệt những đối tượng nam giới từ 50 tuổi trở lên, người nghiện thuốc lá, người có biểu hiện ho khan kéo dài, có triệu chứng ho ra đờm có lẫn máu,… thì càng nên đi khám sớm.
Một số phương pháp kiểm tra sức khỏe phổi:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ thăm khám bước đầu cho bệnh nhân, thực hiện nghe phổi và khai thác một số thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh trong gia đình,…
- Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp giúp các bác sĩ có thể quan sát và nhận biết chính xác một số biểu hiện bất thường ở phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính lồng ngực: Trong trường hợp chụp X-quang phổi mà có nghi ngờ về các tổn thương bất thường ở phổi, các bác sĩ có thể chỉ định chụp cắt lớp vi tính lồng ngực để phát hiện những tổn thương ở phổi một cách chính xác hơn.
- Lấy mẫu xét nghiệm đờm, máu của bệnh nhân.
2. Hướng dẫn những cách giúp bạn có lá phổi khỏe mạnh
Để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn nên thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Tránh xa khói thuốc lá: Những người hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá là những người có nguy cơ cao mắc các bệnh về phổi, nhất là ung thư phổi. Do đó, để có một lá phổi khỏe mạnh, bạn nên bỏ hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá.
Loại bỏ thuốc lá để bảo vệ lá phổi
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là cách giúp bạn có một cơ thể săn chắc và cũng là cách giúp phổi được rèn luyện, khỏe mạnh hơn. Khi bạn tập thể dục, lá phổi sẽ trao đổi khí mạnh mẽ hơn, hoạt động hiệu quả hơn.
Bạn có thể thực hiện những bài tập toàn thân hoặc cũng có thể kết hợp với những bài tập dành riêng cho lá phổi. Nên tập hít bằng bụng và khi thở ra hãy thở hết sức để đẩy luồng khí cặn trong phổi. Bài tập hít thở sâu sẽ giúp phổi tiếp nhận oxy và loại bỏ CO2, cũng như phân phối oxy đến các cơ quan trong cơ thể hiệu quả hơn. Ngồi đúng tư thế cũng giúp phổi mở rộng đúng mức và không bị ảnh hưởng đến hoạt động hít thở.
Tập hít thở để phổi khỏe mạnh hơn
- Hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, khói bụi, môi trường ô nhiễm sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về phổi. Do đó, để có lá phổi khỏe mạnh hãy hạn chế tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi và hóa chất.
- Bổ sung những thực phẩm lành mạnh và uống nhiều nước: Bạn nên áp dụng một chế độ ăn cân bằng dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng. Nên tăng cường bổ sung các loại vitamin và khoáng chất, thực phẩm chống viêm tự nhiên. Đồng thời cần lưu ý uống từ 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày để các hoạt động trong cơ thể diễn ra nhịp nhàng hơn, trong đó có hoạt động của phổi.
Trên đây là những hướng dẫn kiểm tra sức khỏe của phổi mà một số lưu ý giúp bạn có một lá phổi khỏe mạnh. Nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.