Với những gia đình có người già, người lớn tuổi thì máy đo huyết áp luôn là thiết bị y tế không thể thiếu trong nhà. Hiện nay, phổ biến nhất là máy đo huyết áp điện tử bởi tính tiện lợi và dễ sử dụng. Cách đo huyết áp điện tử rất đơn giản, dễ quan sát nên thiết bị này phù hợp với tất cả mọi người.
28/01/2023 | Bảng chỉ số huyết áp bình thường đối với từng lứa tuổi 18/01/2023 | Bệnh huyết áp thấp - tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa 12/01/2023 | Bác sĩ hướng dẫn cách đọc chỉ số huyết áp đúng chuẩn
1. Tại sao phải đo huyết áp thường xuyên?
Trong hầu hết các trường hợp khi khám sàng lọc đều phải thực hiện đo chỉ số huyết áp tại phòng khám hay bệnh viện. Đây là phương pháp sử dụng thiết bị chuyên dụng để xác định chỉ số huyết áp, từ đó có thể thấy được tình trạng người bệnh như thế nào, hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
Với những gia đình có người bị bệnh cao huyết áp thì máy đo huyết áp luôn là thiết bị y tế không thể thiếu được. Nhất là những người già cần phải đo và theo dõi huyết áp mỗi ngày. Đo huyết áp thường xuyên tại nhà có nhiều ý nghĩa:
-
Theo dõi sức khỏe hằng ngày.
-
Phát hiện những bất thường về chỉ số huyết áp, nhịp tim để có hướng theo dõi và xử lý phù hợp.
Đây là việc rất quan trọng, bởi tăng huyết áp có thể dẫn tới đột quỵ, nhồi máu cơ tim và nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Theo dõi huyết áp thường xuyên là cách tốt nhất để đề phòng những trường hợp xấu có thể xảy ra.
Theo dõi huyết áp tại nhà rất cần thiết với bệnh nhân cao huyết áp
2. Cách đo huyết áp điện tử
Máy đo huyết áp điện tử là thiết bị được ưa dùng nhất trong mỗi gia đình. Thiết bị này có cách dùng đơn giản, chỉ số hiển thị rõ ràng. Để đo chỉ số huyết áp chính xác, người dùng cần thực hiện như sau:
Thời điểm đo huyết áp
Thông thường, để theo dõi huyết áp hàng ngày thì người ta sẽ đo huyết áp vào buổi sáng. Tuy nhiên, chỉ số huyết áp sẽ tăng lên nhẹ sau các hoạt động thể lực hoặc đo vào buổi chiều. Người dùng cũng có thể chọn một thời điểm nhất định trong ngày để tiến hành đo huyết áp. Hoặc đo nhiều lần trong ngày để so sánh chỉ số.
Tư thế ngồi khi đo huyết áp
Nên chọn tư thế ngồi thẳng lưng, để tay thoải mái khi tiến hành đo huyết áp. Tốt nhất nên thư giãn khoảng 10-15 phút trước khi đo. Cũng không đo huyết áp sau khi vận động, thể dục, leo cầu thang hay vừa mới ăn no hoặc quá đói,…chỉ số huyết áp lúc này sẽ không chuẩn.
Cách đo huyết áp điện tử khá đơn giản
Vị trí đo huyết áp
Cách đo huyết áp điện tử rất đơn giản. Bạn có thể chọn vị trí đo là ở cổ tay hoặc bắp tay đều được:
-
Đo ở bắp tay: Đặt ngửa cánh tay trên bàn, ngang với người, điểm cảm ứng nằm trên nếp khuỷu tay khoảng 2cm và tiến hành đo.
-
Đo ở cổ tay: Gập cánh tay một góc 45 độ để cổ tay ngang với trái tim và tiến hành đo.
Một số thao tác cần nhớ khi đo huyết áp
Khi đã chọn đúng tư thế, người dùng cần ngồi yên, giữ nguyên tư thế và tiến hành bấm nút khởi động trên máy để bắt đầu quá trình đo huyết áp. Cần giữ nguyên tư thế này cho đến khi máy báo và hiển thị kết quả rồi tắt máy.
Không ăn, uống và không nói chuyện trong lúc đo huyết áp. Nên đo huyết áp 2 lần/ngày, vào buổi sáng trước khi uống thuốc và buổi chiều. Nên có sổ theo dõi chỉ số đo huyết áp để đánh giá sức khỏe phục vụ cho những lần tái khám sức khỏe sau này.
Nên đo huyết áp 2 lần/ngày để theo dõi sức khỏe chặt chẽ
Cách đọc kết quả đo huyết áp
Cách đo huyết áp điện tử rất đơn giản vì kết quả hiển thị bằng số ngay trên màn hình bao gồm hai trị số tâm thu (số lớn) và tâm trương (số nhỏ). Từ đó có thể đọc được và xác định kết quả như sau:
-
Huyết áp bình thường: huyết áp tâm thu < 120 mmHg và huyết áp tâm trương < 80 mmHg.
-
Huyết áp cao: huyết áp tâm thu > 140 mmHG và huyết áp tâm trương > 90mmHg.
-
Tiền cao huyết áp: chỉ số huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg.
-
Huyết áp thấp: khi huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc giảm 25 mmHg so với bình thường.
3. Một số lưu ý khi đo huyết áp điện tử
Có thể thấy, cách đo huyết áp điện tử rất đơn giản nhưng nếu cách thực hiện sai, tư thế ngồi sai hoặc quá trình chuẩn bị trước khi đo không đúng cũng sẽ khiến kết quả không đạt chuẩn. Vì thế, người dùng cần lưu ý như sau:
Chuẩn bị trước khi đo huyết áp
Trước khi tiến hành đo huyết áp, cần lưu ý:
-
Không sử dụng các chất kích thích (bia, rượu, thuốc lá, cà phê).
-
Không vận động mạnh, tránh đo huyết áp ở người già sau khi vừa leo cầu thang bộ.
-
Thư giãn trước khi đo, không nhịn tiểu khi đo huyết áp. Ngồi yên tĩnh trong quá trình đo huyết áp.
Giữ tư thế ngồi chuẩn khi đo huyết áp để đo chỉ số chuẩn
Những điều cần tránh
Để kết quả đo đạt chuẩn nhất, cần tránh những điều sau:
-
Không đo huyết áp liên tục trong thời gian ngắn, giá trị đo huyết áp không đảm bảo chính xác.
-
Tránh các tư thế đo sai như: ngồi còng lưng, ngồi vắt chân, ngồi gập người,…
-
Tránh quấn vòng bít quá lỏng hoặc quá chặt, vòng bít phải ở đúng vị trí và vừa khít với tay. Không để vòng bít bị xoắn, thắt nút.
Có thể thấy, cách đo huyết áp điện tử khá đơn giản. Tuy nhiên, mỗi loại máy đo huyết áp sẽ có cách sử dụng khác nhau đôi chút. Người dùng cần tìm hiểu và hỏi rõ cách sử dụng, cách đọc chỉ số, cách bảo quản để quá trình sử dụng thiết bị đạt hiệu quả tốt nhất.
Với những người cao tuổi, người đang mắc bệnh cao huyết áp, việc theo dõi sức khỏe thường xuyên là điều vô cùng cần thiết. Ngoài đo huyết áp hàng ngày thì cần phải tái khám định kỳ để kiểm tra các chỉ số khác, đặc biệt là phát hiện những bất thường về xơ vữa động mạch, tắc mạch máu, phình mạch máu, các vấn đề tim mạch…ở người cao huyết áp. Để được tư vấn cách chăm sóc sức khỏe người bệnh cao huyết áp, quý khách hàng hãy gọi tới tổng đài 1900 56 56 56 để gặp chuyên gia, bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Hoặc gọi điện đặt lịch khám nhanh, thuận tiện với bác sĩ chuyên khoa ngay qua hotline trên.