Hội chứng tĩnh mạch chủ trên là tình trạng lưu lượng máu trong tĩnh mạch bị cản trở khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, hầu hết các ca bệnh được cấp cứu kịp thời đều đáp ứng tốt và phòng tránh được những biến chứng nghiêm trọng.
24/04/2023 | Tại sao nên tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm cho người bệnh? 24/04/2023 | Các cách điều trị suy tĩnh mạch mạn tính hiện đang được áp dụng 20/04/2023 | Các triệu chứng giãn tĩnh mạch thường gặp
1. Nguyên nhân gây ra hội chứng tĩnh mạch chủ trên
Vị trí của tĩnh mạch chủ trên là ở phần ngực trên, có vai trò mang máu từ phần đầu, cổ, cánh tay và ngực về tâm nhĩ phải của tim. So với thành động mạch thì thành tĩnh mạch thường mỏng hơn vì không có lớp cơ bao bọc. Bên cạnh đó, áp lực trong tĩnh mạch thấp nên về cấu tạo không cần nhiều lớp như động mạch.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng tĩnh mạch chủ trên
Tình trạng tĩnh mạch chủ bị những cấu trúc bên ngoài, khối u hay những cục máu đông trong lòng mạch chèn ép khiến cho lưu lượng máu về tâm nhĩ phải bị cản trở được gọi là hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên hoặc hội chứng tĩnh mạch chủ trên.
Các bệnh lý ung thư là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra căn bệnh này. Đặc biệt thường gặp ở những trường hợp ung thư thùy trên phổi nguyên phát hay một số bệnh lý ung thư khác di căn đến phổi. Ngoài ra, các trường hợp có khối u ở trung thất, bệnh ung thư hạch bạch huyết cũng có thể gây ra hội chứng nguy hiểm này.
Bên cạnh đó, hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên còn có thể do một số nguyên nhân như các bệnh về mạch máu(viêm mạch, phình động mạch chủ,...), bệnh viêm nhiễm (giang mai, bệnh lao,...), trung thất bị xơ hóa,...
Những khối u ở ngực có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ trên
Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, tình trạng tắc nghẽn tĩnh mạch chủ trên có thể do những cục máu đông trong lòng mạch gây ra. Hiện nay, rất nhiều trường hợp bệnh nhân được điều trị bệnh bằng các thủ thuật xâm lấn chẳng hạn như máy chạy thận, máy điều hòa nhịp tim, ống thông tĩnh mạch,... Những biện pháp này có tác dụng điều trị bệnh hiệu quả nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ hình thành những cục máu đông trong lòng mạch.
2. Hội chứng tĩnh mạch chủ trên gây ra những triệu chứng như thế nào?
Đây là một hội chứng có tốc độ phát triển chậm. Thời gian đầu bị bệnh, người bệnh thường không có quá nhiều triệu chứng, những biểu hiện thường chỉ thoáng qua và rất khó nhận biết. Tuy nhiên, nếu không phát hiện sớm, bệnh sẽ ngày càng phát triển. Theo thời gian, tình trạng chèn ép tĩnh mạch chủ trên sẽ ngày càng nghiêm trọng và những triệu chứng bệnh sẽ rõ ràng hơn.
Khó thở có thể là triệu chứng của bệnh
Dưới đây là một số biểu hiện bệnh thường gặp:
- Người bệnh hay bị đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, khó ngủ, khi phải làm việc trí óc sẽ rất dễ bị mệt mỏi,...
- Ban đầu, người bệnh chỉ bị tím ở môi, má và tai. Tuy nhiên, khi gắng sức hoặc khi ho, cả gương mặt của người bệnh sẽ có dấu hiệu tím tái khá rõ ràng. Nghiêm trọng hơn, người bệnh có thể bị tím hoặc đỏ cả phần nửa người trên
- Nửa trên của cơ thể như lồng ngực và khuôn mặt của người bệnh có thể bị phù, phần cổ cũng trở nên to bạnh,...
- Tĩnh mạch cổ, tĩnh mạch dưới lưỡi nổi lớn. Ở phần dưới da những tĩnh mạch nhỏ cũng nở lớn ra. Khi quan sát, có thể dễ dàng nhận thấy những đường ngoằn ngoèo có màu tím hay màu đỏ. Khi người bệnh ngồi hoặc đứng đều có thể quan sát rõ tính trạng tĩnh mạch nổi lên.
- Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện một số triệu chứng khác như khàn tiếng, ho, đau tức phần ngực, có cảm giác khó thở,...
Đây là những triệu chứng rất nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu được cấp cứu kịp thời, rất nhiều trường hợp bệnh nhân đáp ứng tốt và phòng tránh được những biến chứng nghiêm trọng.
3. Chẩn đoán hội chứng tĩnh mạch chủ trên
Ngoài việc thăm khám các triệu chứng lâm sàng, các bác sĩ còn có thể yêu cầu người bệnh thực hiện những phương pháp sau:
- Chụp X-quang ngực: Đây là phương pháp có thể giúp các bác sĩ phát hiện được tình trạng trung thất giãn bất thường, hoặc nhận biết được sự xuất hiện của những khối u tại vùng ngực.
- Chụp CT ngực: Đây là phương pháp có thể giúp các chuyên gia quan sát được vị trí tắc nghẽn hay những khối u ở lồng ngực. Để biết chính xác tính chất của khối u là lành tính hay ác tính, các bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết hoặc phẫu thuật nội soi trung thất.
- Siêu âm: Thường được chỉ định để nhận biết những cục máu đông ở mạch máu cánh tay đi xuống ngực.
- Chụp tĩnh mạch cản quang: Đây cũng là phương pháp có thể giúp nhận biết cục máu đông và tình trạng tĩnh mạch chủ bị chèn ép.
4. Phương pháp điều trị hội chứng tĩnh mạch chủ trên
Với những trường hợp những triệu chứng của bệnh ở mức độ nhẹ, đồng thời khí quản chưa bị chặn, lưu lượng máu trong lòng tĩnh mạch chủ vẫn chảy tốt thì người bệnh có thể chưa cần điều trị ngay. Với những trường hợp nghiêm trọng hơn thì mục tiêu điều trị là giảm nhẹ triệu chứng và thu nhỏ các khối u gây chèn ép, đồng thời điều trị các nguyên nhân gây bệnh.
Nên đi khám ngay khi có triệu chứng bất thường
Phần lớn các trường hợp bị chèn ép tĩnh mạch chủ trên đều là do ung thư. Chính vì thế, phương pháp điều trị bệnh sẽ phụ thuộc vào loại ung thư mà người bệnh mắc phải. Một số phương pháp có thể được áp dụng đó là xạ trị và hóa trị. Bên cạnh đó, một số phương pháp khác có tác dụng ngắn hạn cũng có thể được áp dụng như:
- Ngẩng cao đầu: Việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân cần phải ưu tiên đảm bảo đường thở của người bệnh được thông thoáng, đảm bảo huyết áp và nhịp tim của người bệnh ổn định. Trong đó, tư thế ngẩng cao đầu hoặc tư thế đứng sẽ giúp bệnh nhân có cảm giác thoải mái nhất.
- Sử dụng một số loại thuốc như thuốc corticosteroid hỗ trợ giảm kích thước khối u và giảm sưng, thuốc lợi tiểu, thuốc hỗ trợ làm tan cục máu đông,...
- Đặt stent nong tĩnh mạch thường được áp dụng với tình trạng khẩn cấp.
Trên đây là một số thông tin về hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên. Để được tìm hiểu chi tiết hơn về bệnh hoặc có nhu cầu kiểm tra sức khỏe, quý khách hàng vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.