Bệnh đơn dây thần kinh là một dạng tổn thương xuất hiện ở một dây thần kinh, thường là ở vị trí gần xương hoặc gần da. Suy giảm vận động do hội chứng ống cổ tay được xem là dạng bệnh đơn dây thần kinh diễn ra phổ biến nhất. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về bệnh đơn dây thần kinh chi dưới.
29/09/2022 | Nhận diện chứng căng thẳng thần kinh và cách cải thiện 22/09/2022 | Nguyên nhân dẫn đến liệt thần kinh mặt là gì? Bệnh có điều trị được không? 22/09/2022 | Đau thần kinh tọa có nguy hiểm không? Nguyên nhân do đâu?
1. Tìm hiểu chung về bệnh đơn dây thần kinh
Bệnh đơn dây thần kinh là tình trạng một dây thần kinh ngoại vi bị rối loạn chức năng hoặc gặp tổn thương. Đó có thể là dây thần kinh cột sống, dây thần kinh sọ hoặc nhánh thần kinh kết nối hệ thần kinh trung ương với cơ thể. Các tổn thương do bệnh đơn thần kinh thường khiến bệnh nhân bị đau, tê hoặc mất cử động chi (suy giảm vận động) và ảnh hưởng đến các bộ phận như bàn tay, bàn chân, cánh tay,...
Bệnh có thể tác động tới bất kỳ dây thần kinh riêng lẻ nào trong cơ thể. Tuy nhiên những dây thần kinh ở khu vực gần xương và da là dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất, đó là:
-
Dây thần kinh hướng tâm ở cánh tay trên;
-
Dây thần kinh da đùi bên ở chân;
-
Dây thần kinh trung gian cổ tay;
-
Dây thần kinh Ulnar khuỷu tay.
Mọi đối tượng không phân biệt giới tính, tuổi tác đều có nguy cơ bị bệnh đơn dây thần kinh. Bệnh đặc biệt xuất hiện nhiều ở những người đang mắc tiểu đường.
Suy giảm vận động do hội chứng ống cổ tay được xem là dạng bệnh đơn dây thần kinh diễn ra phổ biến nhất
Khi mắc phải căn bệnh này, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm cảm giác đau đớn như bị bỏng rát hoặc dao đâm, biểu hiện liên quan đến chức năng vận động như yếu cơ, teo cơ, vùng bị ảnh hưởng bị mất khối lượng cơ,...
2. Nguyên nhân dẫn tới bệnh đơn dây thần kinh chi dưới là gì?
Dưới đây là một số nguyên nhân tiêu biểu khiến bệnh nhân gặp phải bệnh đơn dây thần kinh chi dưới:
-
Chèn ép dây thần kinh: đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây tác động không nhỏ đến cấu trúc tế bào thần kinh chi dưới. Các đoạn dây thần kinh bị chèn ép thường là hệ quả của các bệnh lý như thoát vị đĩa đệm, hội chứng ống cổ chân, hội chứng đường hầm ống cổ chân... hoặc do các sự cố gãy xương sau chấn thương. Sự chèn ép này sẽ dẫn tới hậu quả như sau:
-
Chèn ép dây thần kinh nếu kết hợp với thiếu máu cục bộ sẽ càng làm nghiêm trọng thêm tình trạng tổn thương dây thần kinh;
-
Tắc nghẽn dẫn truyền thần kinh, lâu dần hình thành thoái hóa thần kinh.
-
Đứt dây thần kinh do chấn thương chân (vết thương do hỏa khí hoặc do tai nạn,...). Khác với trường hợp bị chèn ép dây thần kinh, đứt dây thần kinh còn nghiêm trọng hơn vì rất khó hồi phục và bảo tồn cấu trúc dây thần kinh nếu không có sự can thiệp y tế;
-
Dây thần kinh bị thiếu máu cục bộ: thường liên quan tới bệnh xơ vữa động mạch và viêm mạch hoặc do mắc bệnh đái tháo đường;
-
Viêm dây hoặc rễ thần kinh do nhiễm các loại virus như Epstein-Barr và Herpes Simplex, đặc biệt thường gặp nhất là virus Herpes zoster có thể gây rối loạn chức năng vận động và hội chứng mất cảm giác;
-
Tổn thương thần kinh do ảnh hưởng của bức xạ: bệnh nhân tiếp xúc trực tiếp với bức xạ, nhất là những người đang thực hiện xạ trị vùng chậu (ví dụ như ung thư cổ tử cung) cũng có thể gây tổn thương thần kinh.
3. Chẩn đoán bệnh đơn dây thần kinh chi dưới bằng phương pháp gì?
Để phát hiện và kiểm tra bệnh đơn dây thần kinh chi dưới, bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân thực hiện những biện pháp sau:
-
Thực hiện phương pháp điện cơ đồ EMG (Electromyography) giúp chẩn đoán và phân loại các bệnh lý về thần kinh. EMG có tác dụng đánh giá mức độ tổn thương và tiên lượng phục hồi đối với bệnh đơn dây thần kinh;
-
Siêu âm: khá hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh đơn thần kinh do viêm và chèn ép dây thần kinh. Bác sĩ có thể dễ dàng quan sát được các dây thần kinh chi dưới ở vị trí từ bàn chân đến vùng mông bằng đầu dò;
-
Chụp X-quang: kỹ thuật này cho phép ghi lại hình ảnh xương vùng đau để đánh giá tình trạng của xương có thể gây tổn thương hoặc chèn ép rễ dây thần kinh;
-
Chụp cộng hưởng từ MRI: so với chụp X-quang thì MRI sẽ cung cấp hình ảnh chi tiết hơn. Nhất là ở bệnh lý gai cột sống và khi cần cân nhắc điều trị bằng phẫu thuật thì phương pháp này càng trở nên cần thiết vì nó giúp thu lại hình ảnh cụ thể về tình trạng thoái hóa, thoát vị đĩa đệm và mức độ chèn ép của dây hoặc rễ thần kinh. Đặc biệt, đối với các trường hợp nghi ngờ tổn thương dây thần kinh là ác tính thì chụp MRI còn giúp đánh giá chung về tình trạng khối u, đặc điểm tính chất, phạm vi xâm lấn và chèn ép thần kinh của khối u;
-
Chụp cắt lớp vi tính CT: thường để chỉ định cho những bệnh nhân không thể áp dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ MRI. Nếu kết hợp chụp cắt lớp vi tính cùng với chụp tủy sẽ giúp thu thập được các thông tin hữu ích về rễ thần kinh ở những người bị bệnh đĩa đệm. Tuy nhiên ngày nay biện pháp này hiếm khi được thực hiện. CT cũng giúp đưa ra thông tin chi tiết hơn về xương so với chụp MRI.
Chụp MRI giúp chẩn đoán bệnh đơn dây thần kinh
4. Một số biện pháp điều trị bệnh đơn dây thần kinh chi dưới
-
Chỉ định can thiệp bằng phẫu thuật đối với những ca bị đứt dây thần kinh, giải phóng dây thần kinh nếu bị chèn ép;
-
Dùng corticoid khi bị hội chứng ống cổ chân;
-
Điều trị giảm đau bằng các thuốc như Pregabalin, Gabapentin, Amitriptyline,...;
-
Sử dụng thuốc ức chế virus và kháng sinh nếu xảy ra nhiễm trùng.
-
Dùng nạng hoặc ngồi xe lăn khi cần di chuyển;
-
Nẹp chỉnh hình bàn chân - mắt cá chân giúp bàn chân linh hoạt hơn, dùng cho tới khi phục hồi được chức năng vận động;
Phẫu thuật được lựa chọn đối với những ca bị đứt dây thần kinh, giải phóng dây thần kinh nếu bị chèn ép
Trên đây là những thông tin cơ bản bạn cần biết về bệnh đơn dây thần kinh chi dưới. Nếu bạn còn nhiều băn khoăn cần được tư vấn giải đáp và có nhu cầu đặt lịch khám, xin vui lòng liên hệ theo hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tổng đài viên sẽ hỗ trợ bạn giải đáp và tư vấn về các dịch vụ của viện.