Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây lan vô cùng nhanh và dễ gây bùng phát dịch. Trong các đợt dịch sởi thì trẻ em là đối tượng nguy cơ cao do hệ miễn dịch yếu, nguy cơ biến chứng cũng cao hơn nếu không được chăm sóc, điều trị tốt. Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ đã bớt sốt và bớt mẩn đỏ là qua giai đoạn nguy hiểm, song hậu sởi có thể gây biến chứng nặng nề cho sức khỏe nếu chủ quan.
18/07/2021 | Góc giải đáp: Bệnh sởi bị 1 lần rồi có thể bị lại nữa không? 08/07/2021 | Chuyên gia chia sẻ cách phân biệt sốt phát ban và sởi ở trẻ 23/06/2021 | Bệnh sởi lây qua đường nào và cách phòng bệnh sởi hiệu quả
1. Thắc mắc: Hậu sởi là gì?
Vào mùa dịch sởi, số ca mắc bệnh tăng lên, đặc biệt là trẻ em do hệ miễn dịch yếu, dễ lây lan chéo trong môi trường lớp học, nhà trẻ hoặc lây từ người lớn, người chăm sóc. Các số liệu thống kê đã chỉ ra, số lượng trẻ mắc sởi càng nhiều thì tỉ lệ diễn tiến nặng cũng tăng. Cứ 100 ca mắc sởi lại có 10 ca mắc sởi nặng, hay còn gọi là sởi biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
Hậu sởi là biến chứng xảy ra khi trẻ đã hết bệnh sởi từ 1 - 2 tuần
Nhiều phụ huynh chăm sóc khi thấy trẻ đã bớt sốt và bớt nổi mẩn đỏ cho rằng trẻ đã qua giai đoạn nguy hiểm. Tuy nhiên giai đoạn hậu sởi nghĩa là sau 1 - 2 tuần kể từ khi trẻ chữa hết bệnh sởi có thể chuyển biến nặng trở lại. Lúc này, trẻ bắt đầu bị viêm phổi do sức đề kháng kém, chưa phục hồi hoàn toàn, có thể phải tái nhập viện và can thiệp y tế sớm nếu không sẽ gây tử vong.
Vì thế, dù trẻ đã hết bệnh sởi nhưng cha mẹ vẫn cần lưu ý chăm sóc, theo dõi tình hình sức khỏe và dấu hiệu của trẻ, đặc biệt là giai đoạn từ 7 - 14 ngày. Vi khuẩn và tác nhân gây bệnh khác có thể tấn công trong giai đoạn hệ miễn dịch còn yếu này, gây viêm phổi nguy hiểm.
Hệ miễn dịch yếu hậu sởi là nguyên nhân khiến trẻ có thể gặp biến chứng nguy hiểm
Tùy từng thể trạng của trẻ mà bệnh sởi sẽ được đẩy lui hoàn toàn sau 1 - 3 tuần, nhưng phải cần đến 1 - 3 tháng hệ miễn dịch và thể trạng của trẻ mới có thể phục hồi hoàn toàn.
2. Tại sao hậu sởi rất nguy hiểm?
Hậu sởi thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, viêm phổi,… Trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành cũng có thể bị hậu sởi nếu chủ quan trong hồi phục sức khỏe và phòng ngừa bệnh sau sởi, gây các biến chứng như viêm não, viêm cơ tim,…
Sở dĩ hậu sởi rất nguy hiểm với đối tượng trẻ nhỏ do:
Biến chứng nặng của hậu sởi là do tâm lý, chủ quan, lơ là của phụ huynh
Khi sởi khởi phát, sốt cao cùng các triệu chứng khác ở trẻ khiến các bậc phụ huynh vô cùng lo lắng và chăm sóc. Sau khi điều trị một thời gian thì sốt giảm, các triệu chứng khác cũng bắt đầu lặn dần, cha mẹ chỉ chú ý bảo vệ con khi có dấu hiệu bệnh nên xuất hiện tâm lý chủ quan, ít theo dõi hơn. Điều này khiến các biến chứng hậu sởi không được phát hiện sớm, nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Biến chứng nặng hậu sởi do sức đề kháng của trẻ yếu
Trải qua giai đoạn phát bệnh sởi, sức đề kháng của trẻ đã suy yếu, việc bảo vệ ngăn ngừa tác nhân gây bệnh và tăng cường sức đề kháng lúc này rất quan trọng. Nếu không thực hiện tốt, tác nhân tấn công sau sởi lúc trẻ yếu ớt thì nguy cơ tiến triển nặng và biến chứng cũng cao hơn.
Trẻ càng nhỏ thì nguy cơ biến chứng hậu sởi càng cao
Nhất là đối tượng trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, trẻ bị suy yếu miễn dịch, suy dinh dưỡng, mắc bệnh nền mãn tính,… thì nguy cơ bị hậu sởi và biến chứng hậu sởi là rất cao.
Các biến chứng hậu sởi mà trẻ có thể gặp bao gồm: viêm não, nhiễm trùng, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt có thể dẫn đến mù lòa,… Trong khi đó, hầu hết trẻ trong giai đoạn mắc sởi chỉ xuất hiện biến chứng viêm phổi.
Có thể thấy, nếu cha mẹ lưu ý chăm sóc, bảo vệ trẻ tốt trong giai đoạn sau khi chữa khỏi sởi thì có thể ngăn ngừa hậu sởi hiệu quả. Nếu hậu sởi có xảy ra thì nguy cơ biến chứng nặng cũng thấp hơn.
3. Làm gì để ngăn ngừa biến chứng hậu sởi?
Để ngăn ngừa biến chứng hậu sởi, trẻ nhỏ khi các triệu chứng sởi đã tiến triển tốt hơn, cha mẹ vẫn cần chăm sóc trẻ với 2 mục tiêu chính: Tránh xa trẻ khỏi tác nhân gây bệnh, nhất là tác nhân nhiễm trùng và tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
3.1. Tăng cường sức đề kháng tự nhiên cho trẻ
Chế độ ăn uống phù hợp là rất quan trọng với trẻ hậu sởi, cần lưu ý bổ sung trái cây, uống nhiều nước, tăng cường Vitamin C để cải thiện sức đề kháng tự nhiên.
Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng
Chế độ ăn hàng ngày của trẻ cần cung cấp đủ 4 nhóm chất thiết yếu bao gồm: CHất đạm, chất béo, chất bột đường, Vitamin và khoáng chất,… Cùng với đó, các loại thức ăn cần đa dạng, chế biến mềm, lỏng, dễ ăn như súp, cháo, canh,…
Bổ sung nhiều Vitamin và khoáng chất giúp trẻ tăng miễn dịch tự nhiên
Bổ sung nhiều hơn Vitamin và khoáng chất từ các loại rau củ quả tự nhiên, ngoài ra có thể cho trẻ uống cốm, siro, viên uống vitamin tổng hợp,… Quan trọng nhất để cải thiện miễn dịch cho trẻ phải kể đến là kẽm, Vitamin C và vitamin A.
Đặc biệt nếu trẻ bị sởi biến chứng, có biểu hiện viêm phổi, tiêu chảy,… thì cần bổ sung kẽm qua đường uống.
Cho trẻ bú sữa nhiều hơn
Nếu trẻ đang trong giai đoạn bú sữa hoàn toàn hoặc mới bắt đầu ăn dặm, cần cho trẻ bú nhiều hơn, nhiều lần trong ngày.
Tránh thực phẩm gây dị ứng
Các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, thực phẩm bẩn, nguy cơ ngộ độc cao hoặc thức ăn lạ nên hạn chế hoàn toàn trong giai đoạn hậu sởi này. Trẻ có thể mắc bệnh nếu trong các thực phẩm có tác nhân gây bệnh hoặc góp phần khiến hệ miễn dịch càng suy giảm nhiều hơn.
3.2. Bảo vệ, tránh xa trẻ khỏi tác nhân gây bệnh
Trẻ sau hậu sởi cha mẹ không nên chủ quan, thay vào đó cần tiếp tục theo dõi sát sao các dấu hiệu trẻ gặp phải. Đặc biệt nếu sởi đã khỏi mà trẻ vẫn có biểu hiện ho, khó thở, sốt… thì cần đưa trẻ tái khám kịp thời, can thiệp sớm tránh nguy cơ biến chứng hậu sởi nguy hiểm.
Bảo vệ sức khỏe trẻ trong giai đoạn hậu sởi
Nếu cha mẹ, người xung quanh bị sốt, ho, có dấu hiệu bệnh,… thì nên tránh xa trẻ trong thời gian này. Cha mẹ cũng nên lưu ý hạn chế cho trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch.
Một trong những cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả nhất hiện nay là thực hiện tiêm chủng vắc xin sởi đầy đủ. Hiện ở Việt Nam đang có 3 loại vắc xin phòng sởi là vắc xin 3in1 phòng Sởi - Quai bị - Rubella; vắc xin MVVac của Việt Nam và MMR của Ấn Độ.
Hậu sởi rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ do tâm lý chủ quan, lơ là của cha mẹ và sức đề kháng của trẻ đã suy yếu sau khi chống chọi lại bệnh sởi. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến trẻ, tránh các biến chứng đáng tiếc.
Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56, các bác sĩ luôn sẵn sàng hỗ trợ khách hàng 24/7.