Sự xuất hiện của bệnh chàm sữa khiến trên da trẻ có những vùng đỏ, nổi mụn nước, ngứa ngáy và khô rát. Mặc dù không ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng bệnh lý này khiến trẻ vô cùng khó chịu, tính thẩm mỹ kém. Vì thế làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa là vấn đề được nhiều bậc cha mẹ quan tâm.
13/05/2021 | Chỉ điểm chính xác dấu hiệu bệnh chàm sữa ở trẻ sơ sinh 14/07/2020 | Những điều cần biết về bệnh chàm sữa ở trẻ em
1. Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị chàm sữa
Bệnh chàm sữa (lác sữa) là giai đoạn đầu của bệnh Eczema, thường bị nhiều ở trẻ sơ sinh. Khởi phát của bệnh là các nốt màu đỏ trên da sau đó hình thành mụn nước, tiết dịch, tróc vảy và căng bóng da. Ban đầu bệnh thường bị ở mặt rồi sau đó lan đến chân tay và thân mình.
Biết được nguyên nhân gây chàm sữa được xem là yếu tố tiên quyết để cha mẹ định hướng cho mình biết phải làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa. Đến nay mặc dù chưa thể tìm ra nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy các yếu tố sau có khả năng tác động và gây ra bệnh:
Mẹ ăn một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng, trẻ bú sữa mẹ có thể bị chàm sữa
- Yếu tố di truyền: có tới 60% trẻ sơ sinh bị chàm sữa là do di truyền từ chính bố mẹ mình. Tính di truyền ở đây không chỉ ở việc bố mẹ bị mắc bệnh này mà còn có các chứng bệnh về cơ địa dị ứng như viêm da, dị ứng da,…
- Thức ăn: trẻ sơ sinh vốn có sức đề kháng và hệ miễn dịch kém, chưa hoàn thiện nên khi ăn các loại thức ăn không phù hợp hay dễ gây dị ứng cũng dễ bị chàm sữa. Đối với trẻ bú sữa mẹ thì thức ăn của mẹ cũng ảnh hưởng đến nguồn sữa nên khi bé bú cũng mắc chàm sữa.
- Hóa chất: việc mẹ dùng kem dưỡng ẩm trong quá trình chăm sóc bé mà không để ý thành phần bên trong có nhiều hóa chất hay chất gây kích ứng cũng làm tăng nguy cơ mắc chàm sữa cho trẻ.
- Môi trường sống: trẻ sống trong môi trường chứa nhiều lông động vật, bụi bẩn,... cũng dễ bị kích ứng da gây chàm sữa.
- Đột biến gen: số ít trường hợp trẻ sơ sinh ngay khi sinh ra đã bị chàm sữa là do đột biến gen trong quá trình mẹ mang thai bệnh có thể theo đến mãi về sau.
Ngoài ra, làn da yếu, có cơ địa nhạy cảm, đề kháng kém cũng là những nguyên nhân phổ biến khiến cho trẻ sơ sinh bị chàm sữa.
2. Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa
2.1. Những điều cha mẹ nên làm
Các triệu chứng của bệnh thường dễ tái phát thường xuyên nên không ít cha mẹ lo lắng không biết làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa. Nhiều người trong số họ vì hoang mang, muốn con nhanh khỏi bệnh nên tìm mọi cách, dùng mọi loại thuốc để thử. Cha mẹ cần biết rằng bệnh lý này không nghiêm trọng và không thể trị dứt điểm trong ngày một ngày hai.
Dưỡng ẩm là việc mẹ nên nhớ nếu chưa biết làm gì khi trẻ sơ sinh bị chàm sữa
Mục đích của việc điều trị chàm sữa cho trẻ là hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi các tổn thương do chàm sữa và bình thường hóa bề mặt da. Muốn đạt được điều này cha mẹ cần nhớ nguyên tắc quan trọng nhất là hạn chế để trẻ tiếp xúc với các nguồn gây bệnh, dưỡng ẩm thật tốt cho da và duy trì các biện pháp phòng ngừa bội nhiễm.
Hầu hết các trường hợp chàm sữa ở trẻ sơ sinh đều sẽ thuyên giảm dần và có thể tự khỏi sau 1 tuổi. Các trường hợp trên 4 tuổi nếu không khỏi thì có thể chuyển sang giai đoạn chàm thể tạng.
Vậy cần làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa? Cha mẹ nên lưu tâm đến các vấn đề sau:
- Chế độ ăn uống
Trẻ cần được bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng bởi đó là nguồn tạo đề kháng tốt nhất cho trẻ. Khi trẻ đã ăn dặm cần tránh cho trẻ ăn các loại thực phẩm có tính nóng, dễ gây dị ứng.
- Môi trường
Môi trường sống của trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ ở mức tốt nhất để hạn chế tối đa các dị nguyên gây bệnh cũng như các loại vi khuẩn nguy hại cho làn da vốn đã nhạy cảm của bé.
- Vệ sinh cá nhân
Cha mẹ không nên tắm cho trẻ quá 10 phút, nên tắm nước ấm và dùng sữa tắm dịu nhẹ cho làn da dễ kích ứng. Trẻ cũng cần được mặc các loại quần áo khô thoáng, thấm hút mồ hôi tốt và quần áo cũng nên giặt bằng bột giặt không có hóa chất.
- Tham vấn ý kiến của bác sĩ
Khi bôi thuốc cho trẻ bị chàm sữa cha mẹ nên tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa da liễu để chọn đúng thuốc. Thực tế hiện nay có rất nhiều loại thuốc trị chàm sữa và hầu hết chúng đều có thành phần corticoid. Nếu cha mẹ tùy tiện mua dùng thuốc không có chỉ dẫn của bác sĩ, bôi quá nhiều và kéo dài có thể làm da trẻ bị mỏng, nhiễm nấm hoặc mất sắc tố.
2.2. Một vài điều lưu ý
- Những gia đình có trẻ sơ sinh bị chàm sữa tốt nhất không nên nuôi chó mèo vì lông động vật là một trong những tác nhân khiến bệnh thường xuyên tái phát.
- Trẻ nằm điều hòa cần tránh thay đổi nhiệt độ quá nhanh và đảm bảo độ ẩm phù hợp.
Trước khi dùng thuốc trị chàm sữa cho trẻ cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ
- Trường hợp da đỏ, khô và tróc vảy có thể dùng thuốc corticosteroid nồng độ thấp để bôi cho trẻ nhưng nên có sự đồng ý của bác sĩ và chỉ nên dùng liều ngắn khoảng 5 - 7 ngày. Nếu mụn nặng hoặc lây lan ra khắp cơ thế, rỉ nước thì nên gặp bác sĩ để có phương pháp can thiệp phù hợp.
- Dùng các loại kem dưỡng ẩm dịu nhẹ hàng ngày cho làn da của trẻ.
- Kháng sinh liều cao chỉ nên dùng khi chàm sữa chuyển sang giai đoạn bội nhiễm, không dùng tùy tiện vì dễ gây sốc phản vệ cho trẻ.
Chàm sữa không đáng sợ nhưng điều đáng lo hơn cả là cách ứng xử của cha mẹ trước những dấu hiệu của bệnh. Bình tĩnh, sáng suốt để lựa chọn được nguồn thông tin đúng thì cha mẹ sẽ giúp trẻ vượt qua được những khó chịu của bệnh lý này.
Hy vọng những thông tin được chia sẻ trên đây có thể giúp các bậc cha mẹ gỡ được băn khoăn làm gì khi trẻ sơ sinh bị bệnh chàm sữa. Nếu cần tư vấn chi tiết hơn cho trường hợp của con mình, cha mẹ đừng ngần ngại gọi tới tổng đài 1900565656 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để có những chia sẻ hữu ích từ các chuyên viên y tế.