Người bị gãy xương thường gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và luôn mong muốn quá trình phục hồi xương diễn ra nhanh chóng. Vậy gãy xương bao lâu thì lành và cần chú ý những gì để xương nhanh liền hơn?
16/12/2022 | Gãy xương nên ăn gì và kiêng gì để xương nhanh liền? 08/12/2022 | Gãy xương mũi nguy hiểm như thế nào? 30/09/2022 | Gãy xương thuyền và những điều chúng ta cần phải biết
1. Điều gì sẽ xảy ra khi xương bị gãy
Khi bị gãy xương, xương cũng như phần mềm xung quanh sẽ có sự thay đổi nhất định:
- Các mạch máu nhỏ ở vị trí bị gãy xương có thể bị tắc nghẽn do các cục máu đông hình thành.
- Cấu trúc mạch máu của tủy xương thay đổi.
- Những tế bào tủy xương cũng thay đổi, có thể chuyển thành các tế bào đa hình thái hay các tạo cốt bào.
2. Cơ chế liền xương diễn ra như thế nào?
- Trước khi tìm lời giải đáp cho thắc mắc “gãy xương bao lâu thì lành”, chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin để bạn hiểu rõ hơn về cơ chế liền xương:
Cần cố định vị trí xương bị gãy để xương nhanh chóng liền lại
+ Khi xương bị gãy, hiện tượng co mạch xảy ra. Đây là một phản ứng của cơ thể giúp hạn chế chảy máu.
+ Những khối máu tụ xuất hiện ở ngay tại vị trí gãy xương hoặc gần vị trí gãy xương. Trong những khối máu này thường có nhiều tế bào đa năng và có chuyển đổi thành những tế bào tạo xương.
+ Khi gãy xương sẽ xảy ra tình trạng thiếu máu nuôi tạm thời khiến một phần đầu xương bị gãy có thể xuất hiện tình trạng hoại tử. Do đó, khe gãy sẽ có thể rộng ra.
+ Hình thành mô xơ để nối 2 đầu của phần xương bị gãy.
+ Máu nuôi từ bên trong tủy xương và màng ngoài xương sẽ thúc đẩy hình thành các tế bào tạo xương để thực hiện quá trình lành xương. Tiếp theo sẽ hình thành quá trình canxi hóa để biến canxi thành xương. Đầu tiên là quá trình canxi xơ, sau đó tới canxi sụn và cuối cùng là canxi xương.
- Hai yếu tố quan trọng đối với quá trình hình thành xương là yếu tố cơ học và yếu tố sinh học:
+ Yếu tố cơ học: Để kích thích quá trình lành xương, cần cố định vững chắc 2 đầu xương bị gãy.
+ Yếu tố sinh học: Cần đảm bảo hệ thống máu nuôi từ trong tủy xương và từ các cơ xung quanh để đảm bảo quá trình lành xương diễn ra.
- Có 2 dạng liền xương đó là liền xương nguyên phát và liền xương thứ phát. Trong đó:
+ Liền xương nguyên phát hay còn gọi là kiểu liền xương trực tiếp: Yêu cầu ổ gãy phải được cố định vững chắc. Tại hai đầu xương bị gãy sẽ hình thành các mạch máu nhỏ và các tế bào nguồn gốc trung mô. Sau khi xảy ra hiện tượng tiêu xương sinh lý sẽ hình thành cầu xương ở khoảng trống giữa hai đầu xương. Đây còn được gọi là cơ chế “lấp khoảng trống”.
+ Liền xương thứ phát: Trong quá trình liền xương này, vai trò của màng xương là rất quan trọng. Khi ổ gãy bị tạm ngừng cung cấp máu, màng xương chính là nguồn cung cấp thay thế. Từ đó, phần ổ gãy sẽ hình thành cấu trúc xương giống với hiện tượng canxi hóa trong màng xương và hình thành cấu trúc xương tủy.
Được hình thành tương tự như quá trình canxi hóa tủy xương, xương mới cũng sẽ xảy ra quá trình phát triển xương với sự góp mặt của cấu trúc sụn ở vùng xương bị gãy.
3. Gãy xương bao lâu thì lành?
Rất khó để đưa ra câu trả lời cụ thể cho thắc mắc “gãy xương bao lâu thì lành” vì quá trình lành xương còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chẳng hạn như tuổi tác, mức độ tổn thương, vị trí gãy hay sức khỏe của người bệnh.
Trẻ em liền xương nhanh hơn người lớn
Trẻ em bị gãy xương thì thời gian liền xương thường nhanh hơn người lớn đồng thời khả năng phục hồi cũng diễn ra nhanh hơn vì xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển và xương có khả năng tái tạo tốt. Trung bình khoảng 2 đến 3 tháng, xương bị gãy của trẻ có thể liền trở lại.
Thông thường, trường hợp người trưởng thành bị gãy xương chân sẽ cần khoảng 3 đến 4 tháng để phục hồi và đi lại bình thường. Những người gãy xương cẳng chân thì thời gian liền xương có thể lâu hơn, đồng thời cũng cần tập luyện nhiều hơn.
Nếu người bị gãy xương mắc phải các bệnh lý mạn tính như bệnh loãng xương, bệnh phổi, bệnh tiểu đường,… thì quá trình liền xương cũng có thể kéo dài hơn. Bên cạnh đó, cần cố định xương tốt để tránh tình trạng xương can lệch.
4. Những lưu ý giúp đẩy nhanh quá trình liền xương
Trong trường hợp có biểu hiện nghi ngờ gãy xương, bạn cần đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám để được đánh giá, chẩn đoán bệnh chính xác và đồng thời được áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp để xương mau lành, hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh và phòng ngừa tối đa nguy cơ biến chứng gãy xương.
Người bệnh cần tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ sinh hoạt, chất độ dinh dưỡng để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình liền xương. Đồng thời, bệnh nhân cũng có thể tập luyện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để giúp xương chắc khỏe và cải thiện dáng đi, phòng tránh thành tật về sau. Cụ thể, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Với những trường hợp gãy xương chân, nên kê cao chân ở mức vừa phải để máu tại vị trí bị thương trở về tim dễ dàng hơn và giảm tình trạng sưng, phù nề.
- Nên cử động các khớp xung quanh chẳng hạn như khớp ngón chân để phòng tránh tình trạng cứng khớp. Đồng thời, bệnh nhân cũng nên thay đổi điểm tỳ liên tục để phòng ngừa tình trạng lở loét.
- Cần thường xuyên vệ sinh sạch sẽ đối với trường hợp bó bột hoặc nẹp.
Cung cấp đầy đủ dưỡng chất để xương nhanh liền
- Cần cung cấp cho bệnh nhân một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đa dạng. Cần ưu tiên những thực phẩm có lợi cho sự phát triển xương khớp, chẳng hạn như cá hồi, thịt, trứng sữa hay các loại rau củ. Đồng thời cần tránh rượu bia, thuốc lá, thức ăn nhiều dầu mỡ,…
- Tập vận động theo những hướng dẫn chi tiết của bác sĩ.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để xử trí sớm những bất thường nếu có.
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về cơ chế liền xương cũng như tìm được câu trả lời cho thắc mắc “gãy xương bao lâu thì lành”. Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch thăm khám chuyên khoa Ngoại, quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.