Chảy máu cam là hiện tượng thường gặp ở nhiều người nhưng căn nguyên gây nên nó không phải ai cũng giống ai. Vậy hiện tượng này có nguy hiểm không và nên xử trí như thế nào để cầm máu khi bị chảy máu cam, bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp băn khoăn ấy.
23/09/2020 | Chảy máu cam nguyên nhân do đâu và có những loại nào? 22/08/2020 | 7+ nguyên nhân chảy máu cam thường gặp nhất 22/08/2020 | Chảy máu cam là triệu chứng bệnh gì và khi nào cần đi khám?
1. Căn nguyên gây nên hiện tượng chảy máu cam là gì?
- Có chấn thương ở mũi như: gãy sụn vách ngăn, gãy xương chính mũi; hoặc vùng mặt, vùng sọ não,...
- Viêm nhiễm tại chỗ như viêm loét mũi, viêm mũi dị ứng,...
- Khối u lành tính hoặc ác tính tại mũi họng như: u xơ vòm họng, polyp mũi, ung thư vòm mũi họng,...
Chấn thương ở mũi có thể là nguyên nhân gây chảy máu cam
- Mắc bệnh cấp tính kèm rối loạn đông máu như sốt rét, sốt xuất huyết, sởi nặng, thương hàn,…
- Những bệnh lý huyết học như xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh bạch cầu cấp, rối loạn đông máu,...
- Chức năng gan hoặc thận bị suy giảm.
- Các bệnh lý tim mạch.
- Vấn đề về nội tiết.
Ngoài những nguyên nhân chính trên đây thì có đến 70% trường hợp bị chảy máu cam mà không rõ nguyên nhân nhưng lượng máu chảy ra mỗi lần thường ít.
2. Phân loại chảy máu cam
Thường thì chảy máu cam sẽ được chia thành 2 loại:
- Chảy máu mũi trước
Đây là hiện tượng phổ biến, chiếm tới 90% số ca chảy máu cam. Chảy máu cam ở trước mũi có nghĩa là vị trí chảy xuất phát từ trước mũi vì đây là khu vực chứa nhiều mạch máu nhỏ dễ vỡ, chỉ cần có chấn thương hoặc xì mũi quá mạnh là có thể bị chảy máu. Ngoài ra, điều kiện thời tiết hoặc môi trường sống hanh khô cũng là yếu tố dễ gây chảy máu cam vì niêm mạc mũi bị khô làm nứt nẻ niêm mạc mũi.
Trường hợp chảy máu trước mũi thì máu thường chảy một bên, chảy ra phía trước, chảy dai dẳng và ít. Tình trạng này thường ngưng sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu thông thường. Nếu nặng, bác sĩ sẽ có hướng can thiệp phù hợp.
- Chảy máu mũi sau
Đây là những trường hợp chảy máu cam chủ yếu liên quan đến mạch máu ở cao hơn và sâu của mũi, ít khi xảy ra. Đối tượng hay bị chảy máu mũi sau nhất là người bị chấn thương vùng mũi mặt, cao huyết áp, người cao tuổi. Khi máu chảy thường chảy cả hai bên rồi chảy ra phía sau và xuống họng. Có những trường hợp máu chảy nhiều nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.
3. Khi bị chảy máu cam nên xử lý thế nào?
3.1. Xử lý tại chỗ
Khi bỗng nhiên bị chảy máu cam, cần bình tĩnh để thực hiện các biện pháp sau:
- Ngồi thẳng, người hơi nghiêng về phía trước
Hầu hết mọi người đều cho rằng khi bị chảy máu cam, nếu ngả người ra sau máu sẽ chảy ít đi. Đây là suy nghĩ sai lầm. Để máu không bị chảy xuống cổ họng gây nôn ra máu hoặc nghẹt thở thì ngay khi bị chảy máu cam hãy hơi nghiêng người về phía trước, dùng miệng thở từ từ.
Khi bị chảy máu cam hãy ngồi hơi nghiêng người về trước để máu không chảy nhiều hơn
- Cầm máu
Phản xạ quen thuộc của nhiều người khi chảy máu cam là lấy giấy hoặc bông nhét vào mũi để khiến máu ngưng chảy. Hãy nhớ rằng việc làm này không giúp cầm máu mà trái lại còn kích thích mạch máu làm cho tình trạng chảy máu trở nên trầm trọng hơn. Biện pháp cần làm lúc này là ép chặt vị trí chảy máu vào nền cứng (thường là bóp chặt mũi) rồi dùng ngón tay cái và ngón trỏ rồi thở bằng miệng trong khoảng 5 - 10 phút.
- Xịt thuốc thông mũi
Chọn loại thuốc chứa hoạt chất giúp làm thắt chặt mạch máu trong mũi để xịt cũng là việc nên làm bởi nó vừa giúp cầm máu vừa giảm tắc nghẽn và giảm viêm.
3.2. Can thiệp y tế
- Hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng khi:
+ Máu phun quá nhiều từ mũi hoặc máu chảy xuống họng gây ra tình trạng nôn ra máu nhiều lần.
+ Đang có bệnh lý về máu hoặc tăng huyết áp.
+ Đang sử dụng thuốc chống đông máu.
+ Sốt cao >38.5 độ C.
+ Máu chảy không có chiều hướng ngưng sau 30 phút dù đã dùng các phương pháp kể trên.
+ Khó thở.
+ Xảy ra chấn thương tại mũi.
Khám bác sĩ tai mũi họng giúp tìm ra nguyên nhân chảy máu cam
Việc đến gặp bác sĩ lúc này sẽ giúp bạn được chẩn đoán và có hướng điều trị đúng với tình trạng của mình. Nếu thăm khám lâm sàng không tìm ra được nguyên nhân rõ ràng nào gây chảy máu cam, bác sĩ sẽ tiến hành một số kiểm tra cần thiết để xác định điều ấy từ đó có cơ sở đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng bệnh nhân.
4. Biện pháp phòng ngừa chảy máu cam
Mặc dù không mong muốn nhưng với nhiều người, hiện tượng chảy máu cam thi thoảng vẫn tái diễn. Để hạn chế tối đa điều đó, bạn cần:
- Giữ ẩm cho niêm mạc mũi
Màng nhầy của mũi bị khô do những nguyên nhân khác nhau có thể khiến mũi bị kích ứng mạnh hơn từ đó sinh ra chảy máu cam. Muốn tránh tình trạng này, hãy dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi 2 - 3 giờ/lần để giữ ẩm cho mũi.
- Cắt móng tay
Nhiều người do để móng tay quá dài, nhọn, sắc nên khi ngoáy mũi vô tình làm niêm mạc mũi bị tổn thương và dẫn đến chảy máu mũi. Để tránh điều này, tốt nhất hãy cắt gọn móng tay nhất có thể.
- Dùng máy tạo độ ẩm
Máy tạo độ ẩm sẽ giúp không khí vốn khô được bổ sung thêm độ ẩm và nhờ đó mà mũi không bị khô rát, hạn chế được tình trạng chảy máu mũi.
Ngoài ra, bạn cũng có thể phòng tránh chảy máu cam bằng cách tích cực bổ sung vitamin C cho cơ thể, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh bụi và hóa chất từ môi trường,...
Hầu hết các trường hợp chảy máu cam không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý sẽ không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, trong những trường hợp xuất hiện các triệu chứng đặc biệt như đã nói đến ở trên, hãy đừng chủ quan mà tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có biện pháp xử trí an toàn, hiệu quả.
Nếu cần tư vấn thêm bất kỳ vấn đề gì có liên quan đến hiện tượng chảy máu cam, đừng ngại liên hệ tổng đài 1900565656. Tại đây chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn sẵn lòng lắng nghe để gửi đến bạn những thông tin hữu ích nhất cho sức khỏe.