Đau đầu sau gáy là hiện tượng khá phổ biến và xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh lý nguy hiểm. Nếu cơn đau xuất hiện trong một thời gian dài bạn cần đến thăm khám bác sĩ để có thể tìm ra nguyên nhân và biện pháp điều trị kịp thời.
26/11/2021 | Bí quyết trị đau đầu khi mang thai an toàn và hiệu quả 18/11/2021 | Góc tư vấn: thường xuyên đau đầu có nguyên nhân do đâu? 11/09/2021 | Đau đầu vùng trán: nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả
1. Tìm hiểu về đau đầu sau gáy
Đau đầu là cơn đau xuất hiện ở vùng đầu, hốc mắt, cổ gáy. Hiện tượng đau được chia thành nhiều loại như đau nửa đầu, đau sau gáy, đau giữ nguyên hay lan rộng. Cùng với đó mức độ đau cũng sẽ khác nhau từ nhẹ đến nặng. Đặc điểm của cơn đau có thể là âm ỉ, nhói, co thắt hay dữ dội. Đau theo từng cơn, liên tục, tăng dần, ngoài ra cùng với một số biểu hiện đi kèm.
Đa số mọi người ai cũng phải trải qua ít nhất 1 cơn đau đầu trong cuộc sống. Có thể gặp ở mọi lứa tuổi và đây cũng là triệu chứng thường gặp nhất.
Đau đầu sau gáy là tình trạng đau xuất hiện ở vùng sau đầu và cổ gáy. Khiến bệnh nhân mệt mỏi, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế vận động. Thậm chí còn kèm theo các biểu hiện khác như chóng mặt, sợ ánh sáng mạnh, buồn nôn, rối loạn giấc ngủ, sợ âm thanh. Nếu cơn đau tiến triển nặng có thể dẫn đến sốt cao, nói ngọng, co giật, giảm trí nhớ.
Đau đầu gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người bệnh
2. Đau đầu sau gáy biểu hiện cho bệnh lý nào?
Phần lớn các bệnh nhân gặp phải đau đầu sau gáy thường do duy trì những thói quen xấu có hại cho sức khỏe, cũng như bị các yếu tố vật lý tác động:
-
Tư thế ngồi làm việc không đúng: ngồi làm việc với tư thế khom sát gần bàn, khuân vác đồ nặng.
-
Thói quen sinh hoạt không tốt: nằm kê đầu quá cao khi đọc sách, xem tv, ngồi sai tư thế, vận động rèn luyện thể thao vùng cổ vai quá mức,…
-
Căng thẳng, stress nặng: yếu tố này phụ thuộc vào môi trường sống, học tập làm việc căng thẳng, thường xuyên căng thẳng dẫn đến co cơ.
-
Chấn thương: chấn thương vùng cổ gáy diễn ra trong quá trình sinh hoạt, lao động, rèn luyện. Gây tổn thương cấu trúc xương, cơ, dây chằng, thần kinh, mạch máu vùng cổ gáy.
Ngồi sai tư thế có thể là tác động vật lý tạo nên cơn đau
Ngoài ra, tình trạng đau đầu này còn là triệu chứng không điển hình của một số bệnh lý khác:
-
Nhiễm virus, vi khuẩn, nấm não,...: cảm cúm, sốt xuất huyết, sốt siêu vi gây ra đau đầu, nhức mỏi cơ, sốt, đau họng,…
-
Huyết áp cao: khi bị cao huyết áp cơn đau có cảm giác như đầu bị bó chặt, có biểu hiện rất rõ.
-
Tăng áp lực trong hộp sọ: buồn nôn, nhức đầu dữ dội, rối loạn ý thức,…
-
Các bệnh đốt sống cổ: đây là một trong những nguyên nhân phổ biến, đặc biệt là bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Gây đau nhức sau đầu và mỏi gáy, hạn chế khả năng vận động,…
-
Bệnh lý hố sau: đây là tình trạng xuất hiện sau khi người bệnh thực hiện phẫu thuật u não ở vùng hố sau của não. Khu vực hố sau là nơi chứa tiểu não và thân não. Hội chứng này có thể xuất hiện các cơn đau nửa đầu và các biểu hiện thần kinh khác.
-
U não: khi có một khối u xuất hiện sẽ chèn ép tạo áp lực lên não và các dây thần kinh. Bị chèn ép trong một khoảng thời gian dài sẽ gây tổn thương nơ ron thần kinh, từ đó xảy ra hiện tượng rò xung điện dẫn đến triệu chứng đau đầu sau gáy.
3. Thăm khám bác sĩ khi có một số dấu hiệu sau
Với những cơn đau đầu người bệnh rất dễ phớt lờ và chỉ xem như là một cơn đau thông thường. Tuy nhiên khi gặp những dấu hiệu dưới đây, cùng với cơn đau kéo dài và ngày càng nghiêm trọng thì bạn nên lập tức thăm khám bác sĩ.
-
Cơn đau theo thời gian càng tăng dần về tần suất và cường độ.
-
Đau đầu từ vừa đến nặng kéo dài trong nhiều ngày.
-
Bên cạnh cơn đau đầu còn xuất hiện thêm sốt, sợ ánh sáng, buồn nôn, sợ âm thanh cường độ cao, cứng gáy.
-
Vận động cơ bắp bị hạn chế, yếu hay thậm chí là liệt vận động, đi đứng khó khăn. Bệnh nhân rối loạn ý thức, hành vi.
Khi thăm khám tùy vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm phù hợp như xét nghiệm máu, CT, MRI,…
Khi đau đầu cơ thể rất nhạy cảm với tiếng ồn
4. Phương pháp điều trị đau đầu sau gáy
Tùy thuộc vào nguyên nhân và bệnh trạng mà bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp. Sau khi đã hoàn thành các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ đưa ra kết quả chẩn đoán về tình trạng của bệnh nhân, từ đó sẽ có sử dụng phương án điều trị phù hợp.
Thể cấp tính
Những trường hợp bệnh thể cấp tính, đa số sẽ được chỉ định sử dụng một số các loại thuốc giảm đau để cắt đứt cơn đau ngay lập tức. Tuy nhiên việc sử dụng loại thuốc này cần phải có hướng dẫn của bác sĩ.
Không nên quá lạm dụng vào thuốc giảm đau vì nó sẽ khiến cơ thể bạn lệ thuộc và hiệu lực thuốc mang lại cũng sẽ giảm dần. Bắt buộc phải tăng liều lượng thuốc mới có thể làm giảm cơn đau đầu. Ngoài ra sử dụng thuốc giảm đau quá liều sẽ gây ngộ độc hay cơ thể sẽ tự đào thải thuốc ngay cả khi chưa được chuyển hóa.
Thể mạn tính
Ở thể mạn tính, bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc trầm cảm, thuốc chống động kinh và các nhóm thuốc khác mới có thể làm hạn chế cơn đau.
Khi quá lạm dụng những loại thuốc này, nó sẽ trở thành con dao hai lưỡi mang lại những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến cơ thể. Khi sử dụng quá nhiều nó sẽ gây tổn thương ít nhiều đến các cơ quan trong cơ thể như gan, hệ tiêu hóa, thận và hệ thần kinh.
Thuốc giảm đau sẽ thành con dao hai lưỡi khi sử dụng quá mức
Do đó, khi sử dụng thuốc người bệnh cần hết sức lưu ý về liều lượng và cần hỏi trước ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng. Ngoài việc sử dụng thuốc bệnh nhân có thể thay đổi thói quen sinh hoạt để ngăn cơn đau tái phát. Nên sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, thay đổi tư thế ngồi cũng như vận động nhẹ trong thời gian nghỉ. Luyện tập các bài tập nhẹ giúp giảm bớt các kích thích lên hệ thần kinh, đồng thời thư giãn cơ thể tránh khỏi các cơn đau đầu sau gáy.
Qua những thông tin mà chúng tôi chia sẻ đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hiện tượng đau đầu sau gáy. Nếu bạn còn những vấn đề khác mong muốn được giải đáp thì có thể đến trực tiếp Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC hay thông qua số tổng đài 1900565656.