Đúng như tên gọi, thiếu máu do thiếu sắt là một dạng thiếu máu do không đủ sắt để tổng hợp Hemoglobin - hợp chất trong hồng cầu. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm về tim mạch, sự tăng trưởng và phát triển,... Dưới đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, các phương pháp điều trị cũng như phòng tránh thiếu máu thiếu sắt.
24/02/2023 | Xét nghiệm thiếu máu ở đâu uy tín với mức giá hợp lý? 02/01/2023 | Sắt uống lúc nào là tốt nhất trong ngày? Một số lưu ý liên quan 18/08/2022 | Thiếu máu cơ tim và những điều bạn nên biết
1. Sơ lược về thiếu máu do thiếu sắt
Thiếu máu do thiếu sắt hay còn gọi thiếu máu thiếu sắt, thiếu máu hồng cầu nhỏ nhược sắc. Tình trạng này xảy ra khi hồng cầu không thể tổng hợp hoàn chỉnh do thiếu sắt. Khi đó, lượng Hemoglobin trong hồng cầu sẽ không đủ dẫn đến hoạt động vận chuyển oxy đến các mô của cơ thể bị gián đoạn.
Khi lượng sắt không đủ để tổng hợp hồng cầu khỏe mạnh sẽ gây ra thiếu máu
Ngoài ra, tình trạng thiếu sắt gây tác động đến chuyển hóa các tế bào do không tổng hợp được các loại enzyme có chứa sắt. Bệnh này xuất hiện ở hầu hết các nước trên thế giới và tỷ lệ mắc cao tại các nước đang phát triển do điều kiện kinh tế chưa đảm bảo, nguồn dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể không đầy đủ.
2. Nguyên nhân và triệu chứng của thiếu máu do thiếu sắt
Nguyên nhân và triệu chứng gây thiếu máu do thiếu sắt rất đa dạng ở cả hai giới và có thể xảy ra với mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân
Mặc dù có nhiều lý do khác nhau khiến cơ thể thiết hụt sắt dẫn đến thiếu máu nhưng trước hết phải kể đến những nguyên nhân phổ biến sau:
-
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hụt sắt trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày (đặc biệt với người ăn chay trường, ăn kiêng,...) hoặc người ăn uống kém (người lớn tuổi, mắc bệnh lý,...) khiến lượng sắt cung cấp cho cơ thể không đủ.
-
Nhu cầu sắt của cơ thể tăng ở một số giai đoạn như trẻ sinh non hay từ 5 12 tháng tuổi, tuổi dậy thì, phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú,... Việc bổ sung qua thực phẩm không đáp ứng đủ nhu cầu nhưng không cung cấp bằng các phương thức khác.
-
Một số trường hợp như phẫu thuật cắt một đoạn của đường tiêu hóa như ruột, dạ dày, rối loạn tiêu hóa kéo dài hoặc thuốc, hóa chất,... có thể làm giảm khả năng chuyển hóa và hấp thu sắt.
-
Cơ thể mất máu do rối loạn kinh nguyệt, u xơ tử cung, xuất huyết tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng,...
-
Một loại rối loạn di truyền transferrin không được tổng hợp gây rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh.
Phụ nữ mang thai có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do nhu cầu của cơ thể tăng cao
Triệu chứng
Những biểu hiện khi bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt là:
-
Cơ thể xanh xao, dễ rơi vào trạng thái hoa mắt, chóng mắt, người mệt mỏi kể cả khi nghỉ ngơi, thường xuyên đau đầu.
-
Da, niêm mạc mắt, miệng, môi và lưỡi mất sắc, trở nên nhợt nhạt.
-
Xuất hiện tình trạng đánh trống lồng ngực, nhất là khi thay đổi tư thế hoặc vận động quá sức.
-
Đau nhức khớp, mỏi cơ, giảm tập trung và trí nhớ kém.
-
Tóc rụng, móng tay, chân đục màu và dễ gãy.
-
Các tế bào biểu mô ở miệng, hầu họng, thực quản,... bị tổn thương.
-
Ăn uống không ngon, ăn ít, gặp các vấn đề liên quan đến tiêu hóa, rối loạn kinh nguyệt hay khả năng tình dục,...
Thiếu máu do thiếu sắt kéo dài nếu không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ biến chứng suy hô hấp, suy tim, trẻ nhỏ chậm phát triển về thể chất và trí tuệ, nặng nhất có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy mà bất kỳ ai cũng không thể chủ quan, lơ là khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng của thiếu máu.
Người bị thiếu máu thiếu sắt sẽ thường xuyên đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi,...
3. Phương pháp điều trị và cách phòng tránh thiếu máu do thiếu sắt
Trước khi đưa ra chỉ định điều trị, người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng và thực hiện các kiểm tra lâm sàng, cận lâm sàng đánh giá chính xác mức độ thiếu máu thiếu sắt. Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sinh hóa như Ferritin, đo độ bão hòa Transferrin hoặc kiểm tra sắt huyết thanh.
Bác sĩ cũng sẽ chỉ định kết hợp một số phương pháp thăm dò, chẩn đoán hình ảnh khác như nội soi đường tiêu hóa trên hoặc dưới để tìm vị trí chảy máu trong trường hợp chưa xác định được nguyên nhân mất máu. Một số bệnh lý như viêm dạ dày, Celiac hay nhiễm HP có thể gây cản trở đến sự hấp thụ sắt của cơ thể và gây thiếu máu. Sau khi có kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ có chẩn đoán khẳng định và áp dụng biện pháp điều trị thích hợp với từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị
Nguyên tắc để điều trị thiếu máu do thiếu sắt là tập trung “cắt dứt điểm” nguyên nhân gây thiếu sắt thiếu máu, hạn chế truyền máu, tăng cường bổ sung lượng sắt dự trữ qua các đường uống hoặc tĩnh mạch.
-
Những trường hợp thiếu máu nặng tác động đến hệ thần kinh trung ương, tim mạch hay mất máu cấp tính số lượng lớn thì sẽ cho chỉ định truyền máu.
-
Bổ sung sắt vô cơ dạng Fe2+ (Ferrou) được xem là phương pháp điều trị chính và đưa vào cơ thể thông qua đường uống. Người bệnh nên uống khi đói để cơ thể hấp thụ sắt tối đa và tốt nhất. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, tình trạng sức khỏe mà bác sĩ sẽ chỉ định liều lượng uống thích hợp. Liều khuyến nghị là 50 - 100mg với người lớn và 4 - 6mg với trẻ em chia làm 3 lần uống mỗi ngày. Có thể bổ sung kết hợp Vitamin C để tăng khả năng hấp thu qua đường ruột.
-
Sắt được đưa vào cơ thể thông qua truyền tĩnh mạch khi cơ thể không thể bổ sung bằng đường uống, thiếu máu quá nhiều hoặc không thể hấp thu sắt, thiếu máu do bệnh mạn tính hay viêm nhiễm tiến triển.
Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hay chế phẩm bổ sung sẽ do các bác sĩ chuyên khoa quyết định về thời gian, liều lượng, bệnh nhân không được tự ý kéo dài thời gian hay điều chỉnh thuốc.
Biện pháp phòng tránh
Để phòng tránh thiếu hụt sắt gây thiếu máu thì tốt nhất bạn cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung đầy đủ và cân bằng theo nhu cầu của cơ thể. Ở các giai đoạn nhu cầu sắt tăng cao có thể tìm đến các cơ sở y tế để kiểm tra và tham khảo ý kiến về phương pháp bổ sung cũng như những chế phẩm thích hợp.
Tuyệt đối không được tự ý mua các loại thực phẩm chức năng bổ sung sắt trên thị trường khi chưa tham khảo ý kiến của các bác sĩ. Bởi điều này đôi khi có thể dẫn đến những tác dụng ngược gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Xây dựng khẩu phần dinh dưỡng hợp lý, cân đối để tránh thiếu sắt gây thiếu máu
Nếu bạn đang gặp các biểu hiện nghi bị thiếu máu do thiếu sắt hoặc các vấn đề sức khỏe khác, hãy liên hệ với Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám, điều trị. Hotline tư vấn và đặt lịch khám tại MEDLATEC: 1900 56 56 56.