Da nổi mẩn đỏ ngứa là hiện tượng không hiếm người gặp phải và khi rơi vào hoàn cảnh ấy, đại đa số mọi người đều thắc mắc không biết vì sao mình bị như vậy, phải làm sao để khỏi. Nếu bạn cũng đang trong tình thế này thì bài viết sau sẽ giúp bạn gỡ rối băn khoăn ấy.
28/09/2021 | Nổi mẩn đỏ sau khi dùng thuốc trị mụn có nguy hiểm không? 29/05/2020 | Nguyên nhân gây mề đay mẩn ngứa và cách điều trị hiệu quả 23/03/2019 | Mẩn ngứa gan bàn tay - biểu hiện của bệnh gì?
1. Da nổi mẩn đỏ ngứa là như thế nào, nguyên nhân do đâu?
1.1. Như thế nào là da nổi mẩn đỏ ngứa?
Da nổi mẩn đỏ ngứa tức là có nhiều nốt mẩn đỏ nổi trên da gây ra cảm giác ngứa ngáy. Hiện tượng nổi mẩn đỏ tùy từng người mà có thể như nốt muỗi đốt hoặc tạo thành từng mảng, thời gian ngứa và tần suất lặp lại cơn ngứa cũng có sự khác nhau.
Hiện tượng da nổi mẩn đỏ ngứa ở mỗi người sẽ có biểu hiện không giống nhau
Vị trí bị nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy thường gặp nhất là ở cổ, mặt, chân, tay, nếu nặng có thể sẽ bị khắp người. Khi các nốt mẩn xuất hiện, người bệnh thường dùng tay để gãi cho bớt khó chịu nhưng càng gãi càng ngứa và nốt mẩn càng nhiều hơn, da bị tổn thương và dễ bị nhiễm trùng hoặc để lại sẹo thâm.
1.2. Nguyên nhân khiến da nổi mẩn đỏ ngứa là gì?
Hiện tượng da nổi mẩn đỏ ngứa do rất nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó chủ yếu là:
- Bị nổi mề đay
Thực chất nổi mề đay là một loại phản ứng viêm của mao mạch trung bì hình thành bởi phản ứng dị ứng với tác nhân nội hoặc ngoại sinh. Điển hình nhất của bệnh lý này là da nổi sẩn cục cứng chắc giống như nốt muỗi đốt gây ngứa ngáy và nóng rát.
- Bệnh viêm da tiếp xúc
Đây là một dạng tổn thương da xảy ra khi da tiếp xúc với những yếu tố kích ứng như chất tẩy rửa, xà phòng, hóa chất,... Tổn thương này thường có phạm vi nhỏ nhưng nếu là cơ địa nhạy cảm thì rất dễ lan dần trên diện rộng hoặc nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là da nổi mẩn đỏ gần giống vết muỗi cắn gồ lên so với bề mặt da. Trường hợp tác nhân gây bệnh là mủ thực vật, hóa chất hoặc nọc độc côn trùng thì có thể khiến da nổi mụn nước, mụn mủ hoặc vết lở loét.
- Bị dị ứng thời tiết
Người bị dị ứng thời tiết có thể xuất hiện biểu hiện đỏ mắt, ở vùng hở sẽ thấy da nổi mẩn đỏ ngứa dữ dội hoặc âm ỉ, sổ mũi, hắt hơi,... Tình trạng này là kết quả của việc hệ miễn dịch phản ứng quá mức với sự thay đổi đột ngột của thời tiết.
Một số người do dị ứng với thành phần có trong thuốc nên nổi mẩn đỏ ngứa trên da
- Bị dị ứng thuốc
Khi hệ miễn dịch phản ứng quá với thành phần có ở một số loại thuốc có thể gây ra triệu chứng da nổi mẩn đỏ ngứa giống như nốt muỗi cắn ở khu vực nào đó hoặc khắp toàn thân. Nếu chỉ bị dị ứng ở mức độ nhẹ thì những triệu chứng này có thể tự hết sau vài ngày nhưng ở mức độ nghiêm trọng có thể gây khó thở, nổi hồng ban, da toàn thân đỏ ửng, phù Quincke,... nguy hiểm đến tính mạng khi không được cấp cứu kịp thời.
- Bị dị ứng thực phẩm
Đây cũng là một trong các nguyên nhân gây ra triệu chứng nổi mẩn đỏ ngứa trên da. Nó là kết quả của việc hệ miễn dịch phản ứng lại với protein có trong thực phẩm nên làm gia tăng kháng nguyên (IgE) có trong huyết tương. Người bị dị ứng thực phẩm thường đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, ngứa trong cổ họng, da nổi mẩn đỏ giống với nốt muỗi cắn, chảy nước mắt, ngứa mũi,...
- Phát ban
Đặc trưng của phát ban là tình trạng da có các đốm hoặc mảng màu đỏ hoặc hồng nổi lên so với bề mặt da hoặc cũng có thể bằng phẳng như vùng da lành. Có trường hợp nổi ban ngứa nhưng cũng có trường hợp không ngứa, đôi khi có thể kèm châm chích và nóng rát. Nguyên nhân chính gây phát ban là do ma sát quá mức, nhiệt độ cao, nhiễm trùng,...
- Bệnh lý tiềm ẩn
Một số trường hợp da nổi mẩn đỏ ngứa có thể do bệnh lý tiềm ẩn bên trong như:
+ Rối loạn chức năng gan: đây là tình trạng khả năng hoạt động của gan kém nên độc tố không đào thải được ra ngoài và ở lại trong cơ thể từ đó sinh ra cảm giác ngứa ngáy bứt rứt và nổi mẩn đỏ da như nốt muỗi cắn.
+ Giun sán: bị nhiễm giun sán cũng có thể khiến cho da bị nổi mẩn đỏ và ngứa ngáy. Đây là kết quả của việc ấu trùng di chuyển đến ống mật làm tắc nghẽn quá trình lưu thông mật và độc tố lưu lại trong cơ thể làm hệ miễn dịch nảy sinh phản ứng quá mức và biểu hiện bằng tình trạng da nổi mẩn đỏ gây ngứa.
+ Bị rối loạn tuyến giáp: bệnh lý này khiến cho toàn bộ hoạt động trao đổi chất của cơ thể bị ảnh hưởng nên kết quả là rối loạn chuyển hóa đường đạm, mất cân bằng điện giải,… Sự mất cân bằng ấy vô tình làm hệ miễn dịch kích hoạt phản ứng quá mức và hệ quả của nó là da mẩn đỏ giống như muỗi đốt.
2. Nên làm gì khi da bị nổi mẩn đỏ ngứa?
Về cơ bản, hầu hết các trường hợp da nổi mẩn đỏ ngứa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu nó xuất phát từ bệnh lý mà không được phát hiện để điều trị thì dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như: nhiễm trùng da, khó thở, sốc phản vệ, giảm huyết áp đột ngột,...
Khám bác sĩ chuyên khoa tìm nguyên nhân da nổi mẩn đỏ ngứa là cách tốt nhất để chấm dứt hiện tượng này
Vì thế, để tránh nguy cơ này xảy ra, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ khi có hiện tượng:
- Ban đỏ ngứa nổi ngày càng nhiều.
- Da nổi mẩn đỏ ngứa kèm theo hiện tượng: sưng đỏ, sốt, có bóng nước xuất huyết, đau khớp,...
- Ban không chỉ ngứa mà còn gây đau.
- Ban kèm theo bóng nước lớn ngày càng lan rộng.
- Ban gây ngứa ngáy cản trở đến giấc ngủ hoặc cuộc sống thường ngày.
Bằng việc thăm khám, bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá được mức độ nổi mẩn ngứa, tìm ra nguyên nhân và hướng xử trí phù hợp. Khi đã có phác đồ điều trị từ bác sĩ, bạn nên tuân thủ nghiêm túc phác đồ đồng thời cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình bằng cách tăng cường bổ sung trái cây, rau củ giàu chất xơ, tránh thực phẩm chiên rán hay đồ ăn sẵn, tránh dùng chất kích thích,... và có chế độ sinh hoạt hợp lý. Những điều này sẽ hỗ trợ việc điều trị sớm đạt hiệu quả tích cực hơn.
Nếu những chia sẻ trên đây chưa giúp bạn giải tỏa vướng mắc về hiện tượng da nổi mẩn đỏ ngứa, hãy gọi ngay tới tổng đài 1900 56 56 56. Tại đây, bạn sẽ được đội ngũ bác sĩ và chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC lắng nghe chia sẻ và tư vấn về vấn đề bạn đang gặp phải.