Đo mật độ xương sẽ giúp các bác sĩ đánh giá về sức khỏe xương của bạn, đặc biệt là nguy cơ và tình trạng loãng xương. Các phương pháp đo mật độ xương phổ biến hiện nay là phương pháp DEXA, siêu âm, xét nghiệm máu,… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin chi tiết hơn cho bạn.
29/06/2021 | Tìm hiểu về các phương pháp đo mật độ xương
1. Các phương pháp đo mật độ xương phổ biến hiện nay
1.1. Đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA
Đây là một phương pháp ít xâm lấn, đơn giản, thực hiện nhanh chóng với độ chính xác cao. Hiện tại phương pháp DEXA được áp dụng phổ biến ở Việt Nam và trên thế giới.
Phương pháp DEXA là phương pháp đo mật độ xương phổ biến
Bác sĩ sẽ dùng tia X để đo mật độ xương và thường được đo ở phần hông, phần cột sống hay cổ tay để chẩn đoán bệnh loãng xương. Không chỉ áp dụng để chẩn đoán tình trạng loãng xương mà phương pháp này còn được áp dụng trong việc theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị loãng xương và một số tình trạng khác gây mất xương.
Quy trình đo mật độ xương áp dụng phương pháp DEXA rất đơn giản như sau:
-
Bệnh nhân được nằm ngửa trên đệm phẳng.
-
Sau đó một máy quét sẽ đi qua cột sống và phần hông dưới, một máy khác sẽ chạy ở phía dưới bệnh nhân. Hai máy quét sẽ kết hợp và cho kết quả hình ảnh rõ nhất về mật độ xương của bệnh nhân.
-
Trong khi thực hiện đo mật độ xương bằng máy DEXA, một số bệnh nhân có thể được yêu cầu nín thở.
-
Quy trình này thường được diễn ra trong khoảng 30 phút.
Lợi ích và rủi ro khi đo mật độ xương bằng phương pháp DEXA
Kỹ thuật đo mật độ xương bằng kỹ thuật DEXA mang đến rất nhiều những lợi ích trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh, bên cạnh một vài rủi ro.
- Một số ưu điểm của phương pháp DEXA:
Phương pháp này chỉ cần một lượng phóng xạ rất nhỏ(thậm chí nhỏ hơn rất nhiều so với phương pháp chụp X-quang ngực) và an toàn đối với sức khỏe.
Đây là phương pháp hiệu quả nhất trong việc chẩn đoán bệnh loãng xương và chẩn đoán nguy cơ gãy xương.
Đo mật độ xương để chẩn đoán bệnh loãng xương và chẩn đoán nguy cơ gãy xương
Bệnh nhân không cần quá lo lắng vì kỹ thuật này không gây xâm lấn, được thực hiện đơn giản và nhanh chóng. Bệnh nhân không cần phải sử dụng phương pháp gây mê khi đo mật độ xương bằng DEXA.
Một số mặt hạn chế của phương pháp này:
Tuy rằng chỉ phải tiếp xúc với một lượng tia X ở mức độ an toàn, nhưng bệnh nhân chỉ nên thực hiện khi có chỉ định của bác sĩ và cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, với những bác sĩ có chuyên môn cao. Trong trường hợp bạn đang mang thai, cần thông báo với bác sĩ.
Đối với những trường hợp đã từng phẫu thuật cột sống hoặc cột sống bị biến dạng thì không nên áp dụng phương pháp này.
Những đối tượng bị gãy xương đốt sống dạng lún, viêm xương khớp,… có thể khiến kết quả của phương pháp này sẽ không mang lại kết quả chính xác như mong muốn. Lúc này, chụp CT có thể là phương pháp phù hợp hơn.
Khi kiểm tra mật độ xương bằng phương pháp DEXA, bạn nên thực hiện ở trên cùng một máy và ở cùng một cơ sở y tế, tránh tình trạng những máy khác nhau có thể cho ra những thông số khác nhau.
1.2. Đo mật độ xương bằng phương pháp siêu âm
Phương pháp siêu âm để đo mật độ xương là phương pháp khá mới và không cần phải sử dụng lượng phóng xạ mà chùm tia siêu âm sẽ tác động trực tiếp đến vùng xương cần đo. Mật độ xương được đánh giá bằng sự hấp thụ sóng âm của xương. Tuy nhiên, kết quả mang lại sẽ không được chính xác bằng những phương pháp khác.
Đo mật độ xương bằng phương pháp siêu âm
Khi bộ phận biến âm của máy phát, đồng thời nhận được sóng siêu âm đi qua xương gót thì hệ thống phần mềm của máy sẽ tính mật độ xương và đưa ra kết quả. Nhưng theo các chuyên gia, đo mật độ xương ở vị trí gót chân có thể cho ra chỉ số hoàn toàn bình thường trong khi xương háng hay xương cột sống có thể đang gặp phải một số vấn đề bất thường. Vì thế, độ chính xác của phương pháp siêu âm không bằng phương pháp DEXA.
Hơn nữa, ở vị trí gót xương, mật độ xương thay đổi chậm hơn những vị trí khác nên phương pháp siêu âm này sẽ không được áp dụng để theo dõi tình trạng diễn biến trong quá trình điều trị của người bệnh.
Bên cạnh phương pháp DEXA, phương pháp siêu âm, còn các phương pháp đo mật độ xương khác cũng có thể được áp dụng như xét nghiệm máu đánh giá quá trình tạo xương, xét nghiệm đánh giá quá trình phân hủy xương, sinh thiết xương mào chậu, sinh hóa lâm sàng hay đồng vị phóng xạ hoặc cũng có thể sử dụng phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI),...
2. Những gợi ý giúp bạn phòng ngừa bệnh loãng xương
Theo các chuyên gia, để phòng ngừa bệnh loãng xương và những vấn đề liên quan đến xương khớp, bạn cần chú ý những điều sau:
Chế độ ăn: Mỗi chúng ta nên có một chế độ ăn khoa học, cân bằng dưỡng chất, đặc biệt đối với những trường hợp trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, phụ nữ mãn kinh, người cao tuổi,… cần bổ sung thêm canxi từ sữa, các loại hải sản, trái cây và rau củ.
Lưu ý không nên sử dụng chất kích thích và không nên hút thuốc lá.
Nên có một chế độ vận động khoa học, thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, độ dẻo dai của xương, từ đó phòng ngừa tốt nguy cơ loãng xương.
Người cao tuổi, người đã từng bị gãy xương, mắc bệnh xương khớp nên đi kiểm tra xương khớp định kỳ
Những trường hợp là người cao tuổi, người đã từng bị gãy xương, người mắc bệnh xương khớp thì nên đi khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên đo mật độ xương để được đánh giá kịp thời về tình trạng loãng xương và từ đó, đưa ra những phương pháp điều trị hiệu quả.
Đặc biệt, người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi, đánh giá chi tiết tình trạng bệnh, đồng thời sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện ra những bất thường.
Người bệnh cũng nên cẩn thận khi đi lại, vận động, tránh để bị ngã.
Tuân thủ theo những chỉ dẫn của bác sĩ.
Không tự ý mua thuốc điều trị để tránh gây hiệu quả nghiêm trọng.
Có lợi thế sở hữu những loại máy móc hiện đại bậc nhất, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn đảm bảo mang đến cho bạn những kết quả kiểm tra mật độ xương chính xác nhất. Hãy gọi đến 1900 56 56 56 để được chuyên gia của chúng tôi tư vấn thêm cho bạn.