Bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị luôn cần được theo dõi các chỉ số của cơ thể, bao gồm chỉ số SpO2. Cùng tìm hiểu xem chỉ số SpO2 là gì và một số thông tin liên quan qua bài viết sau đây của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nhé.
04/10/2021 | Cẩm nang chăm sóc con yêu: nhịp thở của trẻ bất thường phải làm thế nào 01/10/2021 | Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ bị ốm mùa dịch Covid-19 24/08/2021 | Định nghĩa chỉ số SpO2 và cách sử dụng máy đo chỉ số này?
Do ảnh hưởng từ các triệu chứng bệnh, nhiều bệnh nhân cần được theo dõi SpO2 liên tục
1. Chỉ số SpO2 là gì, vì sao việc theo dõi và đánh giá lại vô cùng quan trọng?
Khi oxy được hấp thu vào cơ thể sẽ gắn kết với các phân tử Hemoglobin (Hb) trong hồng cầu, từ đó di chuyển khắp cơ thể để cung cấp nguồn năng lượng thiết yếu cho các cơ quan hoạt động. SpO2 được viết tắt từ cụm từ Saturation of peripheral oxygen, là chỉ số thể hiện nồng độ oxy hiện có trong máu, cụ thể là tại các mao mạch.
Để lấy được kết quả chỉ số này, bệnh nhân chỉ cần sử dụng máy đo độ bão hòa oxy theo mạch đập (Pulse Oximeter) kẹp ở đầu ngón tay, ngón chân hoặc dái tai. Không cần phải thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Nếu tình trạng bệnh tốt, chỉ số SpO2 thường sẽ ở mức 95 - 100%.
Phương pháp kiểm tra đơn giản giúp người bệnh có thể được theo dõi liên tục mà không cần can thiệp xâm lấn
2. Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đo
Ngoài việc nắm rõ khái niệm chỉ số SpO2 là gì, bạn cũng cần lưu ý những yếu tố sau đây để tránh ảnh hưởng đến kết quả đánh giá sau cùng, khi tiến hành đo chỉ số SpO2 cho bệnh nhân.
Tình trạng máy
Kiểm tra chất lượng, dung lượng pin và sự toàn vẹn của máy trước khi đo. Không nên sử dụng cho bệnh nhân nếu máy bị nứt, xước, có thể gây tổn thương cho bệnh nhân nếu kẹp tay vào.
Màu sắc da, móng
Cần lựa chọn ngón tay hoặc ngón chân có màu sắc da và móng bình thường. Tránh những vị trí đang có tổn thương, chảy máu, bầm tím,… Dặn dò bệnh nhân tẩy màu sơn móng tay/chân hoặc dùng cồn 90 độ rửa sạch lớp sơn trước khi đo cho bệnh nhân.
Thuốc
Kết quả sẽ thiếu chính xác hơn nếu người bệnh có sử dụng thuốc vận mạch. Vì vậy, cần đặc biệt lưu ý đối với những trường hợp đã được chỉ định dùng thuốc này, nên thực hiện đo trước thời điểm bệnh nhân uống thuốc.
Mạch đập
Nếu tại thời điểm đo, bệnh nhân bị tụt huyết áp do sốc giảm thể tích, rối loạn nhịp tim,… rất khó có thể đánh giá kết quả chính xác.
Co mạch
Hiện tượng co mạch có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng đều khiến các tế bào ngoại vi giảm tưới máu với một số dấu hiệu nhận biết như tay chân lạnh, màu sắc da trắng nhợt, tái xanh,… và khiến máy đo không dò được tín hiệu.
Bệnh nhân ngộ độc khí CO
Khí CO khi đi vào cơ thể có khả năng liên kết rất tốt với hemoglobin (Hb), nó chắc chắn hơn nhiều so với sự liên kết giữa các phân tử oxy và Hb, khiến các phân tử oxy không thể dòng máu cung cấp cho các tế bào khắp cơ thể, ảnh hưởng lớn đến việc đo SpO2 thông qua máy Pulse Oximeter.
Một số lưu ý khác
Kết quả kiểm tra cũng có thể giảm độ tin cậy liên quan đến một số yếu tố như sau:
-
Nhiễu tín hiệu do bệnh nhân run rẩy, cử động nhiều.
-
Do độ sai tiêu chuẩn của máy (thường lớn hơn hoặc bằng 2%)
-
Khi độ bão hòa oxy (SpO2) bé hơn hoặc bằng 80% hay độ bão hòa oxy chức năng (SaO2) bé hơn hoặc bằng 82%. Tuy nhiên chênh lệch này sẽ không vượt quá 5%
-
Tình trạng Hemoglobin (Hb) bất thường: MetHb (methemoglobin huyết),…
Lớp sơn móng cần được tẩy sạch nếu có để tránh ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra chỉ số SpO2
3. Hướng dẫn cách tiến hành đo SpO2
-
Bước 1: cả bệnh nhân và người thực hiện đo cần phải rửa sạch tay, vệ sinh lớp sơn móng (nếu có), thấm khô.
-
Bước 2: để người bệnh ở tư thế thoải mái, nghỉ ngơi tối thiểu 5 phút trước khi đo. Xác nhận không ảnh hưởng đến tình trạng hô hấp. Trong trường hợp cấp cứu cần tiến hành đo ngay và theo dõi sát diễn biến của SpO2 để kịp thời xử trí.
-
Bước 3: kẹp máy vào vị trí đã chọn.
-
Bước 4: bấm nút khởi động “On” trên máy, quan sát màn hình hiển thị và phát ra tiếng “bíp”.
-
Bước 5: chờ khoảng 10 - 30 giây sẽ có kết quả SpO2 và tần số mạch. Việc xác định giới hạn vẫn còn tùy thuộc vào mỗi tình trạng bệnh nhân, giới hạn thông thường là:
+ Giới hạn tối đa: 100%.
+ Giới hạn tối thiểu: 80%.
+ Bệnh nhân đang thở không khí bình thường hay khí oxy? Liều lượng oxy tại thời điểm đo?
+ Những dấu hiệu và triệu chứng thiếu oxy của bệnh nhân nếu có.
+ Báo cho nhân viên y tế khi thấy những dấu hiệu bất thường.
4. SpO2 thấp gặp trong những bệnh lý nào?
Cách thực hiện đánh giá chỉ số SpO2 rất nhanh chóng và thuận tiện, tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc theo dõi tình trạng bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân chuyển biến nặng và SpO2 có thể giảm nhanh như một số trường hợp như sau:
Bệnh nhân mắc Covid-19
Hệ thống hô hấp là nơi đầu tiên virus xâm nhập và tấn công cơ thể. Nếu thể trạng bệnh nhân tốt, có sức chống chịu cao, các triệu chứng có thể biểu hiện ở mức độ nhẹ. Thế nhưng, trong trường hợp tình trạng nghiêm trọng hơn, việc kiểm tra liên tục chỉ số SpO2 rất quan trọng, giúp theo dõi tiến triển và các nguy cơ chuyển biến xấu để hỗ trợ bệnh nhân một cách kịp thời.
Suy tim
Tình trạng suy tim diễn ra do nhiều nguyên nhân khác nhau (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, hẹp/hở van tim,…), khiến chức năng bơm máu không thể hoạt động tốt như bình thường, ảnh hưởng đến toàn bộ mọi cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, việc theo dõi SpO2 hỗ trợ đánh giá tình trạng bệnh nhân, tiến độ đáp ứng phương pháp điều trị để đưa ra hướng xử trí thích hợp.
Phù phổi cấp
Bệnh nhân thường xuất hiện triệu chứng rất đột ngột, bao gồm khó thở, khạc đờm bọt hồng, tay chân lạnh,… Cho nên cần đánh giá nhanh các chỉ số cũng như dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân để kịp thời hỗ trợ điều trị.
Chỉ số SpO2 là gì, cách kiểm tra và đánh giá kết quả rất quan trọng trong việc theo dõi và chăm sóc người bệnh
Với tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc nắm bắt những thông tin liên quan đến bệnh lý này rất quan trọng, bao gồm khái niệm của chỉ số SpO2 là gì. Từ đó bạn có thể chăm sóc tốt hơn cho bản thân cũng như những người thân yêu nếu không may mắc bệnh. Nếu bạn còn nhu cầu được giải đáp những thắc mắc hoặc cần sự hỗ trợ y tế, hãy liên lạc đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với số 1900.56.56.56.