Quá trình vượt cạn là trải nghiệm thiêng liêng của người phụ nữ, song cũng vô cùng nguy hiểm bởi những đau đớn và biến chứng có thể gặp phải. Trong đó, chảy máu sau đẻ là tai biến sản khoa nghiêm trong và thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu khiến người mẹ tử vong. Vì thế phát hiện sớm, chẩn đoán nguyên nhân và can thiệp y tế đúng cách là việc vô cùng quan trọng.
08/07/2021 | Sinh mổ gây tê có đau không và tất cả các vấn đề liên quan 14/06/2021 | Sinh mổ bao lâu thì lành? Phương pháp chăm sóc vết mổ như thế nào? 14/06/2021 | Những giải pháp thay thế cho việc dùng thuốc để giảm đau sau sinh mổ
1. Chảy máu sau đẻ có thường gặp không?
Quá trình sinh nở gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của thai phụ, trong đó có những biến chứng nặng đe dọa đến tính mạng. Tiêu biểu là biến chứng sản khoa chảy máu sau đẻ, khiến thai phụ mất lượng máu lớn trong thời gian ngắn sau khi sinh. Thời gian chảy máu có thể diễn ra trong 24 giờ đầu sau sinh hoặc muộn hơn đến 6 tuần sau khi sinh.
Chảy máu sau đẻ là biến chứng sản khoa nguy hiểm
Lượng máu mất lớn (trên 500ml) nếu không được kiểm soát sẽ nguy hiểm đến tính mạng người mẹ, nhẹ hơn cũng gây choáng váng, ảnh hưởng đến thể trạng và bệnh lý trước đó. Đây không phải là biến chứng sản khoa hiếm gặp, theo thống kê có đến 18 - 26% phụ nữ sau sinh bị chảy máu sau đẻ với lượng trên 300ml máu.
Chảy máu nặng khi lượng máu mất trên 1.000ml, tỉ lệ gặp phải khi sinh thường là 3 - 4,5%, còn với mổ lấy thai là 6%. 3 nguyên nhân thường gặp nhất gây chảy máu nặng sau khi đẻ là:
-
Tổn thương đường sinh dục do quá trình sinh đẻ như: Rách tầng sinh môn, vỡ tử cung, rách âm đạo, rách cổ tử cung,…
-
Bệnh lý thời kỳ sổ rau: Đờ tử cung, sót rau.
-
Bệnh lý rối loạn đông máu.
Sản phụ có thể bị mất máu nghiêm trọng do chảy máu sau đẻ
Khi mẹ bầu bị chảy máu sau đẻ, bác sĩ cần xác nhận nhanh chóng nguyên nhân để có thể can thiệp cầm máu hiệu quả.
2. Xử trí thế nào với tình trạng chảy máu sau đẻ?
Nguyên tắc xử trí các trường hợp chảy máu sau đẻ là cần xử trí sản khoa kết hợp với hồi sức nội khoa, tìm nguyên nhân sản khoa và xử trí theo nguyên nhân. Dưới đây là cách xử lý y tế để khắc phục tình trạng chảy máu sau đẻ.
Cách xử trí cụ thể:
2.1. Hồi sức nội khoa
Các việc cần thực hiện là:
-
Theo dõi, đánh giá các chỉ số mạch, huyết áp, nhịp thở (chỉ số sinh tồn).
-
Cho sản phụ nằm đầu thấp, ủ ấm, thở oxy.
-
Truyền dịch, máu cho sản phụ với lượng tùy vào tình trạng cụ thể.
-
Thông tiểu và theo dõi lượng nước tiểu.
Sót rau là nguyên nhân gây chảy máu sau khi sinh
2.2. Xử trí sản khoa
Cần xác định chính xác nguyên nhân chảy máu sau đẻ và xử trí theo nguyên nhân.
Rau chưa bong
Rau của sản phụ chưa bong có thể là do rau bám chặt, rau cài răng lược, rau cần tù. Khi đó cần xử lý như sau:
-
Bóc rau nhân tạo và kiểm soát tử cung cho sản phụ.
-
Thuốc cần dùng: Thuốc co bóp tử cung như oxytocin, ergometrin. Dự phòng nhiễm khuẩn bằng kháng sinh.
-
Nếu rau cài răng lược hoàn toàn cần cắt tử cung ngay. Nếu rau cài răng lượng bán phần thì tùy vào tình trạng để có phương án xử lý cụ thể.
Rau đã bong
Nếu rau đã bong, chảy máu sau đẻ có thể là do đờ tử cung, chấn thương đường sinh dục, sót sau, rối loạn đông máu hoặc lộn tử cung.
Khi đó, cách xử trí là:
-
Kiểm soát tử cung sản phụ: lấy hết rau, màng rau, cục máu đông ở tử cung. Kiểm tra sự toàn vẹn của tử cung.
-
Hỗ trợ tăng co tử cung bằng thuốc.
-
Nếu tử cung đờ cứng cần ép và xoa bóp tử cung.
-
Kiểm tra âm đạo, cổ tử cung: khâu vết rách, lấy khối máu tụ nếu có.
-
Nếu bị lộn tử cung cần nắn lại tử cung và tiêm ergometrin (chú ý cần giảm đau cho sản phụ).
2.3. Phẫu thuật xử trí chảy máu sau đẻ
Chảy máu sau đẻ có thể phải thực hiện các phẫu thuật sau:
- Cắt tử cung.
- Thắt động mạch tử cung.
- Thắt động mạch hạ vị.
- Khâu mũi B-lynch.
Với các trường hợp chảy máu sau đẻ muộn:
- Nạo buồng tử cung kết hợp với thuốc co bóp tử cung và kháng sinh chống nhiễm khuẩn nếu sót rau, polyp rau.
- Nút động mạch.
Phương pháp điều trị cụ thể sẽ do bác sĩ sản khoa chỉ định.
Có thể phải phẫu thuật nếu chảy máu sau đẻ do vỡ tử cung
Dù do nguyên nhân gì, vỡ tử cung đều phải được can thiệp phẫu thuật khẩn cấp để khâu phục hồi vị trí vỡ tử cung.
3. Hướng dẫn chăm sóc mẹ sau sinh đúng cách
Sau sinh, nhất là với các sản phụ bị chảy máu sau đẻ cần được chăm sóc đúng cách để hồi phục nhanh hơn. Cụ thể:
Vấn đề nghỉ ngơi, đi lại
-
Mẹ cần được nghỉ ngơi nhiều, ngủ nhiều để hồi phục.
-
Nên nằm ngửa để tống sản dịch ra ngoài dễ dàng hơn.
-
6h đầu sau đẻ cần nằm trên giường, không đi lại.
-
Sau 6h nên đi lại nhẹ nhàng để tránh ứ sản dịch.
Dinh dưỡng
Một chế độ ăn hợp lý sẽ giúp mẹ nhanh khỏe, sớm đủ sữa cho em bé. Mẹ cần ăn đầy đủ và đa dạng các loại thức ăn để đảm bảo đủ dinh dưỡng, nhất là các thực phẩm kích thích tiết sữa như đu đủ, sữa tươi,...
Mẹ nên chọn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa như cháo nhuyễn, trứng gà, rau xanh, các loại thịt đỏ,...
Ngoài ra, mẹ cần tránh ăn quá mặn hoặc các thức ăn có vị quá nồng, gây ảnh hưởng đến mùi vị của sữa. Uống đủ 2 lít nước/ngày sẽ giúp mẹ tránh được tình trạng táo bón thường gặp sau sinh.
Vệ sinh cá nhân
Sau sinh, sản dịch sẽ ra nhiều, do đó chú ý vệ sinh âm hộ 3 lần/ngày. Tốt nhất nên vệ sinh bằng nước ấm hoặc dung dịch vệ sinh. Khi vệ sinh xong cần thấm khô.
Mẹ cũng có thể vệ sinh thân thể bằng nước ấm ngay sau đẻ nhưng chú ý cần vệ sinh nhanh, tránh nhiễm lạnh bởi cơ thể mẹ sau sinh rất yếu.
Chảy máu sau đẻ là biến chứng sản khoa nguy hiểm, cần phát hiện và can thiệp y tế sớm để bảo vệ tính mạng của người mẹ.