Tăng huyết áp tâm trương là bệnh lý cần được điều trị sớm nhằm ngăn ngừa nguy cơ biến chứng khiến cho sự sống của người bệnh bị đe dọa. Vậy đâu mới là nguyên nhân gây ra, triệu chứng nhận diện và cách phòng ngừa bệnh lý này, tất cả những thắc mắc ấy sẽ được MEDLATEC chia sẻ ngay trong nội dung bài viết dưới đây.
09/05/2022 | Đo huyết áp tay nào và cách đo đúng tại nhà 05/05/2022 | Tình trạng huyết áp tâm trương thấp có đáng lo ngại không? 07/04/2022 | Cách làm hạ huyết áp tại nhà, thành công ngay từ lần đầu tiên
1. Tăng huyết áp tâm trương là gì, có nguy hiểm không?
1.1. Thế nào là tăng huyết áp tâm trương?
Huyết áp là thuật ngữ dùng để chỉ áp lực máu trong tuần hoàn tác động trực tiếp đến thành mạch, nó gồm hai chỉ số là huyết áp tâm trương và tâm thu nhưng thường được thể hiện dưới dạng một tỷ số. Tăng huyết áp tâm trương là chỉ số thứ hai (chỉ số dưới), xảy ra khi nó cao từ 90mmHg trở lên trong lúc cơ thể đang nghỉ ngơi và đang không bị kích thích.
1.2. Tính chất nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp tâm trương
Thường thì tình trạng tăng huyết áp tâm trương hay xảy ra với những người ở độ tuổi dưới 50. Cũng chính vì thế mà đây có thể trở thành nguyên nhân gây nên các loại bệnh lý và biến chứng nguy hiểm cho họ. Tình trạng huyết áp tâm trương cao có thể dẫn đến những vấn đề như sau:
Huyết áp tâm trương là chỉ số dưới trong chỉ số huyết áp đo được
- Với hệ tim mạch: làm cho chức năng của tim bị suy giảm vì thường xuyên phải hoạt động quá sức. Do bị thiếu máu hoặc nhồi máu cơ tim nên người bệnh dễ đứng trước nguy cơ đột tử đe dọa đến tính mạng. Không những thế, bị tăng huyết áp tâm trương đơn độc còn có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ biến chứng tim mạch ở nhóm người này so với những người có chỉ số huyết áp bình thường.
- Với não: gây thiếu oxy lên não và thiếu máu cục bộ. Đặc biệt, đây còn là một trong những nguyên nhân gây ra tai biến mạch máu não khiến người bệnh bị tử vong. Ngoài ra, tăng huyết áp tâm trương còn dễ gây tác động cho hệ nội tiết và khiến bệnh nhân mắc bệnh suy thận.
2. Nguyên nhân gây ra và triệu chứng nhận diện tăng huyết áp tâm trương
2.1. Nguyên nhân làm tăng huyết áp tâm trương
Các chuyên gia cho rằng huyết áp tâm trương tăng cao xuất phát từ việc các động mạch nhỏ bên trong cơ thể bị thu hẹp làm cho máu di chuyển qua các tiểu động mạch bị dồn nén lại.
Tăng huyết áp tâm trương không được điều trị có thể gây nhồi máu cơ tim
Đến nay vẫn chưa thể tìm ra được lý do khiến cho lòng động mạch bị hẹp. Sự tăng lên về nồng độ của một số chất như Angiotensin hay Renin có thể khiến cho huyết áp bị tăng. Mặt khác, sự co thắt bất thường ở các cơ của thành động mạch cũng dễ làm cho huyết áp tâm trương cao. Cuối cùng, yếu tố di truyền cũng được xem là có vai trò gây ra bệnh.
Các yếu tố được xem là có nguy cơ làm tăng huyết áp tâm trương gồm:
- Gia tăng về tuổi tác: tuổi càng lớn thì nguy cơ bị tăng huyết áp càng gia tăng. Tuy nhiên, có một thực tại không thể phủ nhận hiện nay là bệnh lý này lại đang có xu hướng trẻ hóa.
- Yếu tố giới tính: so với nam giới thì nữ giới ít có nguy cơ tăng huyết áp tâm trương hơn.
- Yếu tố gia đình: những người có bố mẹ bị tăng huyết áp thì cũng có khả năng mắc bệnh lý này.
- Béo phì: số đông bệnh nhân cao huyết áp tâm trương liên quan đến tình trạng dư thừa về cân nặng. Đặc biệt, nguy cơ cao gấp đôi thuộc về nhóm người lớn, trẻ em hoặc thanh thiếu. Vì thế, bị béo phì cũng được xem là nguy cơ dễ bị cao huyết áp tâm trương trong tương lai.
- Một số yếu tố khác: uống đồ uống có cồn, hút thuốc lá, bị thiếu Kali, ăn mặn, stress, căng thẳng,... góp phần thúc đẩy tăng huyết áp tâm trương.
- Bệnh lý toàn thân: cường giáp, tiểu đường, thận,... dễ khiến cho tình trạng huyết áp tâm trương tăng trở nên trầm trọng.
- Dùng thuốc: có một số loại thuốc mà khi sử dụng nó người bệnh sẽ gặp tác dụng phụ là cao huyết áp như: thuốc tránh thai, thuốc corticosteroid, thuốc kháng viêm không chứa steroid,…
2.2. Triệu chứng nhận diện khi huyết áp tâm trương bị tăng cao
Về cơ bản, những người bị tăng huyết áp tâm trương thường không xuất hiện triệu chứng rõ ràng mà chỉ phát hiện bệnh khi họ kiểm tra sức khỏe hoặc ở vào giai đoạn cấp. Một số triệu chứng sau có thể gợi ý cho bệnh huyết áp tâm trương cao:
Khi các triệu chứng tăng huyết áp tâm trương kéo dài người bệnh nên gặp bác sĩ tim mạch thăm khám
- Đau đầu.
- Hay đổ mồ hôi vào buổi đêm.
- Bị chóng mặt.
- Ngủ khó.
- Hay bị đánh trống ngực.
- Nhìn mờ.
- Buồn nôn.
- Bị chảy máu mũi.
3. Biện pháp giúp phòng ngừa tăng huyết áp tâm trương
Từ chia sẻ ở trên về tính chất nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp tâm trương ở trên có thể thấy việc thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh lý này là rất cần thiết. Một số biện pháp sau sẽ giúp bạn làm được điều ấy:
- Thường xuyên kiểm tra huyết áp tại nhà.
- Thực hiện chế độ ăn ít muối và mỡ động vật.
- Chấm dứt việc hút thuốc lá.
- Cần duy trì đều đặn việc luyện tập thể dục mỗi ngày.
- Người bị thừa cân hay béo phì cần có cho mình một chế độ giảm cân khoa học.
- Tạo và cố gắng duy trì trạng thái tâm lý thoải mái, không lo âu, luôn lạc quan trong cuộc sống.
- Hạn chế ở mức thấp nhất việc dùng các loại thức uống có cồn.
Các trường hợp bị tăng huyết áp tâm trương đều xuất phát từ những nguyên nhân không giống nhau, trong đó có trường hợp nó được xem là bệnh lý nhưng cũng có trường hợp nó trở thành triệu chứng cảnh báo về một bệnh lý nào đó. Bởi vậy, khi có các triệu chứng cảnh báo ở trên tuyệt đối không được chủ quan mà tốt nhất nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và được tư vấn chính xác.
Mong rằng những nội dung từ bài viết này sẽ trở thành thông tin tham khảo hữu ích, giúp bạn chủ động phòng ngừa và nhận diện đúng bệnh để kịp thời điều trị, ngăn cản những biến chứng không nên có. Nếu còn băn khoăn nào khác, bạn đọc có thể liên hệ qua tổng đài 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, chuyên gia y tế của bệnh viện luôn sẵn lòng chia sẻ đầy đủ thông tin hữu ích về vấn đề mà bạn đang quan tâm.