Trào ngược dạ dày có thể xảy ra ở trẻ em và người lớn. Bệnh rất khó điều trị dứt điểm và còn có nguy cơ cao dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một vài cách điều trị trào ngược dạ dày để tránh nguy cơ tái phát.
12/10/2022 | Thuốc trị trào ngược dạ dày và những lưu ý không thể bỏ qua 20/02/2022 | Chăm sóc và điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em 15/09/2021 | Điều trị trào ngược dạ dày thực quản cho trẻ em bằng cách nào? 25/08/2021 | Tất tần tật thông tin về phẫu thuật nội soi điều trị trào ngược dạ dày
1. Điểm danh những nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày
Khi bị trào ngược dạ dày, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, đắng miệng, tiết nhiều nước bọt hơn, đau tức ngực, khàn tiếng, ho nhiều,…. Để tìm ra phương pháp điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả, trước hết bạn cần hiểu rõ về một số nguyên nhân gây bệnh như sau:
Trào ngược dạ dày do những vấn đề từ cơ thắt thực quản
- Những vấn đề về thực quản: Khi nuốt thức ăn, cơ thắt thực quản dưới sẽ mở ra để thức ăn được đưa vào dạ dày. Ngay sau đó, những cơ này sẽ đóng lại để ngăn không cho thức ăn cũng như dịch dạ dày không bị trào lên thực quản. Tuy nhiên, trong trường hợp thực quản bị tổn thương hoặc suy giảm chức năng, các cơ thắt thực quản dưới sẽ không thực hiện đóng – mở nhịp nhàng khiến cho dịch từ dạ dày sẽ dễ dàng trào ngược lên thực quản.
- Thoát vị hoành: Cơ hoành nằm giữa phần ngực và bụng. Cơ hoành phối hợp nhịp nhàng với cơ thắt thực quản dưới để phòng tránh tình trạng trào ngược dạ dày. Nếu bị thoát vị hoành, cơ thắt thực quản dưới sẽ không nằm cùng mức với cơ hoành và dẫn tới tình trạng trào ngược dạ dày.
- Một số nguyên nhân từ dạ dày:
+ Một số bệnh lý về dạ dày như viêm loét dạ dày, hẹp môn vị hay ung thư dạ dày,… có thể làm tăng nguy cơ ứ đọng thức ăn từ dạ dày và tăng nguy cơ trào ngược axit từ dạ dày lên thực quản.
+ Tăng áp lực ổ bụng một cách đột ngột do hắt hơi, gắng sức,…
- Các nguyên nhân khác:
+ Căng thẳng: Tâm lý mệt mỏi, căng thẳng kéo dài do những yếu tố trong công việc hay cuộc sống cũng có thể là nguyên nhân làm tăng axit trong dạ dày, đồng thời kích thích co bóp dạ dày, từ đó khiến cho dịch dạ dày trào ngược lên thực quản. Hơn nữa, sự căng thẳng kéo dài cũng có thể làm rối loạn nhu động thực quản, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đóng - mở của cơ thắt thực quản. Cuối cùng khiến dịch vị dạ dày bị trào ngược lên thực quản.
+ Thói quen ăn uống thiếu khoa học như ăn đêm, ăn quá no, ăn những loại thực phẩm có tính axit khi đang đói, ăn quá nhiều đồ ăn chiên rán, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có thể làm tăng áp lực và làm suy yếu cơ thắt thực quản, ảnh hưởng đến hoạt động đóng mở của các cơ này, từ đó dẫn tới chứng trào ngược dạ dày.
Ợ nóng là biểu hiện bệnh thường gặp
+ Do thừa cân, béo phì: Khi bạn bị thừa cân béo phì, cơ thắt thực quản và dạ dày đều gặp phải những áp lực rất lớn. Đó cũng chính là lý do vì sao axit dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản.
+ Một số yếu tố bẩm sinh cũng là nguyên nhân gây bệnh: Có thể kể đến như cơ thắt dưới thực quản yếu, bệnh sa dạ dày, thoát vị cơ hoành hoặc người gặp phải chấn thương ảnh hưởng đến hoạt động của thực quản và dạ dày,…
2. Những cách trị trào ngược dạ dày hiệu quả và hạn chế nguy cơ tái phát
Bệnh trào ngược dạ dày là bệnh có nguy cơ tái phát cao. Tuy nhiên, nếu kiên trì điều trị theo đúng phương pháp, bệnh có thể được chữa khỏi hoàn toàn, chất lượng sống của người bệnh cũng được cải thiện đáng kể, đồng thời phòng ngừa tối đa nguy cơ biến chứng.
Dưới đây là những cách trị trào ngược dạ dày đơn giản, hiệu quả và giúp người bệnh phòng ngừa nguy cơ tái phát.
Điều trị bệnh theo đơn thuốc của bác sĩ
- Điều trị bằng thuốc: Tùy từng giai đoạn bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng thuốc và thời gian uống thuốc.
Người bệnh không nên áp dụng điều trị theo các phương pháp dân gian khi chưa có bằng chứng khoa học cụ thể. Trên thực tế, một số loại thảo dược có thể có tác dụng hạn chế tình trạng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thảo dược này, bệnh nhân có cơ địa nhạy cảm rất dễ bị dị ứng. Hơn nữa, khi sử dụng chung với các loại thuốc điều trị, có thể làm giảm hiệu quả thuốc điều trị. Do đó, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thảo dược để điều trị bệnh.
- Điều chỉnh chế độ ăn và thay đổi lối sống:
Để điều trị trào ngược dạ dày hiệu quả, người bệnh cần kết hợp việc sử dụng thuốc theo yêu cầu của bác sĩ và điều chỉnh chế độ ăn phù hợp cũng như duy trì một lối sống lành mạnh, khoa học. Cụ thể như sau:
+ Về chế độ ăn:
-
Nên lựa chọn những thực phẩm lành mạnh.
-
Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
-
Nên chia nhỏ các bữa ăn để tránh gây áp lực cho hệ tiêu hóa.
-
Sau khi ăn no không nên đi nằm ngay.
-
Không nên uống rượu bia và thuốc lá.
-
Bên cạnh đó, nên duy trì chế độ ăn hợp lý để tránh tình trạng thừa cân béo phì.
Những quy tắc về chế độ ăn này rất đơn giản nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Do vậy, rất nhiều trường hợp bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn vì chính những thói quen ăn uống không lành mạnh.
Tập luyện và suy nghĩ tích cực để bệnh sớm khỏi
+ Về lối sống
Người bệnh nên thực hiện những thói quen sống khoa học như ngủ đúng giờ, tránh thức quá khuya, suy nghĩ tích cực, vui vẻ hơn. Theo các chuyên gia, một trong những cách trị trào ngược dạ dày hiệu quả là luyện tập để cơ thể khỏe mạnh và thư giãn, thoải mái hơn. Bên cạnh đó, tập luyện cũng giúp người bệnh kiểm soát cân nặng hiệu quả và giảm áp lực lên dạ dày.
- Phẫu thuật: Nếu việc sử dụng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh không mang lại hiệu quả cao, trào ngược dạ dày mức độ nặng gây ra nhiều biến chứng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật điều trị bệnh.
Trên đây là một số cách trị trào ngược dạ dày mà bạn có thể tham khảo. Các chuyên gia của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC khuyên rằng, nếu có biểu hiện bất thường, bạn nên đi khám để được chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời, phòng tránh nguy cơ biến chứng.
Mọi thắc mắc hoặc có nhu cầu đặt lịch kiểm tra sức khỏe dạ dày, mời bạn liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56.