Theo số liệu thống kê năm 2020 của Globocan, tại Việt Nam có khoảng 16.000 ca ung thư đại tràng mắc mới và hơn 8.200 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Ung thư đại tràng thường xảy ra ở bệnh nhân ngoài 50 tuổi nhưng thời gian gần đây bệnh có xu hướng ngày một trẻ hóa.
15/07/2022 | Bác sĩ giải đáp: Quá trình sàng lọc ung thư đại tràng diễn ra như thế nào? 23/05/2022 | Lời khuyên về chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư đại tràng 12/04/2022 | Tìm hiểu về các loại xét nghiệm ung thư đại tràng
1. Định nghĩa và phân loại ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng xuất hiện khi các tế bào tăng trưởng bất thường ở khu vực đại tràng. Thành đại tràng được cấu tạo từ nhiều lớp, khối u ác tính thường hình thành ở niêm mạc (các tế bào lót phía trong đại tràng). Đa phần những khối u này sẽ phát triển từ các polyp trước đó. Sau khi phát triển ở thành đại tràng, theo thời gian những tế bào ung thư sẽ tấn công vào mạch máu hoặc mạch bạch huyết gần nó, sau đó là di chuyển tới các hạch bạch huyết và cơ quan xa (hay còn gọi là ung thư di căn).
Phần lớn các polyp trong đại tràng đều mang tính chất lành tính nhưng vẫn có trường hợp chúng tiến triển thành thể ác tính.
Ung thư đại tràng ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng đặc trưng, nhưng nếu để ý và theo dõi sức khỏe thường xuyên thì người bệnh vẫn có thể nhận ra các dấu hiệu sau:
-
Hình dạng và tính chất phân thay đổi, ví dụ như: mùi tanh bất thường, phân dẹt,...;
-
Lẫn nhầy và máu trong phân;
-
Thói quen đại tiện thay đổi (hay bị tiêu chảy hoặc táo bón, đi cầu lắt nhắt,...);
-
Cơ thể mệt mỏi, suy nhược, giảm cân không rõ nguyên do;
-
Nôn mửa, khó chịu hoặc đau vùng bụng dưới;
-
Bụng to dần, có khối u ở bụng.
Bệnh nhân bị ung thư đại tràng thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, sút cân không rõ nguyên nhân
2. Điểm danh các nguyên nhân dẫn đến ung thư đại tràng
Mặc dù khoa học ngày càng phát triển nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được ra nguyên nhân khiến các tế bào bình thường lại tăng sinh bất thường trở thành tế bào ung thư. Tuy nhiên vẫn tồn tại các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành khối u ác tính trong đại tràng:
-
Yếu tố di truyền: sự biến đổi gen do các hội chứng di truyền như hội chứng Lynch, hội chứng ung thư đại tràng di truyền không polyp, bệnh đa polyp đại tràng gia đình là một yếu tố nguy cơ xuất hiện khối u đại tràng ác tính;
-
Yếu tố dinh dưỡng: ăn nhiều thịt và mỡ động vật, thiếu thốn chất xơ, vitamin, ăn nhiều thực phẩm chứa nitrosamin, thường xuyên ăn thực phẩm chế biến sẵn (thịt đóng hộp, thịt hun khói, xúc xích,...), đồ chiên nướng;
-
Một số tổn thương tiền ung thư: bệnh Crohn, viêm đại tràng xuất huyết, polyp đại tràng,...;
-
Trước đây bệnh nhân đã từng bị ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng hay ở cơ quan khác di căn tới đại tràng,...;
-
Lối sống thiếu vận động;
-
Thừa cân, béo phì;
-
Người trên 50 tuổi có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn so với người trẻ;
-
Nghiện thuốc lá;
-
Tiêu thụ nhiều bia rượu trong thời gian dài.
3. Chẩn đoán phát hiện ung thư đại tràng bằng phương pháp nào?
Sau khi thăm khám lâm sàng khai thác các biểu hiện thực thể, tình trạng bệnh sử của bản thân bệnh nhân và gia đình,... bác sĩ sẽ kết hợp cùng các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng khác để khẳng định xem bệnh nhân liệu có đang mắc ung thư đại tràng hay không:
-
Xét nghiệm máu trong phân: nếu đại tràng có polyp, mắc một bệnh lý nào đó hay có dấu hiệu ung thư thì trong phân sẽ có lẫn máu;
-
Siêu âm ổ bụng: Siêu âm thường khó phát hiện những khối u trong lòng đại tràng, chỉ có thể quan sát được những khối u lớn hoặc các khối u di căn vào tạng khác như gan, tuỵ,…;
-
Chẩn đoán hình ảnh: chụp CT hay MRI sẽ giúp nhận diện được kích thước, hình dạng và mức độ xâm lấn của khối u. Ngoài ra các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này có có tác dụng phát hiện xem tế bào ung thư đang ở giai đoạn nào, đã di căn hay chưa;
-
Nội soi đại tràng: kỹ thuật này có tác dụng quan sát trực tiếp tình trạng bên trong đại tràng có polyp, khối u hay vùng mô bất thường hay không. Trong quá trình nội soi bác sĩ cũng có thể kết hợp sinh thiết để lấy mẫu bệnh phẩm;
-
Sinh thiết tế bào: mẫu mô bất thường sau khi được lấy từ đại tràng người bệnh sẽ được đem đi quan sát dưới kính hiển vi để tìm dấu hiệu ung thư.
Lối sống thiếu vận động và lạm dụng rượu bia là những tác nhân tăng nguy cơ ung thư đại tràng
4. Điều trị ung thư đại tràng bằng biện pháp nào?
Tương tự như các loại ung thư khác, dưới đây là những phương pháp thường được chỉ định cho các trường hợp ung thư đại tràng:
Phẫu thuật:
Ở giai đoạn đầu khi khối u chưa xâm lấn sâu rộng thì phương pháp phẫu thuật sẽ được áp dụng để loại bỏ khối u. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể cần điều trị tiếp tục bằng xạ trị, hóa trị để đảm bảo dấu vết ung thư đã được tiêu diệt hoàn toàn.
Các hạch bạch huyết xung quanh và phần đại tràng bị ung thư sẽ được cắt bỏ. Bệnh nhân có thể thực hiện mổ mở hoặc nội soi, trong đó kỹ thuật mổ nội soi sẽ giúp tránh vết sẹo mất thẩm mỹ, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, rút ngắn thời gian phục hồi sau phẫu thuật. Đôi khi cũng cần phải kết hợp hai phương pháp phẫu thuật này để điều trị ung thư đại tràng.
Xạ trị:
Khi tiến hành phương pháp này, chùm tia xạ sẽ được chiếu vào khu vực có khối u đại tràng để ức chế sự phát triển và tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy từng giai đoạn ung thư mà sẽ lựa chọn phương thức xạ trị phù hợp.
Hóa trị:
Khác với phẫu thuật hay xạ trị, hóa trị là biện pháp sử dụng hóa chất để ngăn cản sự hình thành và tăng trưởng của tế bào ung thư. Hóa chất có thể được đưa vào cơ thể theo đường uống hoặc tiêm truyền tĩnh mạch.
Hóa trị trong điều trị ung thư đại tràng
Đối với những bệnh nhân bị ung thư di căn thì hóa trị sẽ được kết hợp cùng với những thuốc điều trị trúng đích. Ngoài ra hóa trị cũng được áp dụng sau phẫu thuật để ngăn ngừa khả năng tái phát và làm gia tăng thời gian sống cho bệnh nhân.
5. Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân ung thư đại tràng
-
Tránh ăn thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ vì những thức ăn này thường kích thích tiết axit trong đại tràng, tạo điều kiện để khối u phát triển nhanh hơn;
-
Tăng cường ăn các loại rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt: trong những thực phẩm này chứa một hàm lượng chất xơ dồi dào, giúp thúc đẩy quá trình đào thải các chất thải tích tụ trong đại tràng ra ngoài. Các chất này chính là nguyên nhân gây hình thành polyp trong đại tràng;
-
Bổ sung canxi đầy đủ: mỗi ngày nên bổ sung từ 700 - 800mg canxi để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh;
-
Ăn các loại trái cây chứa nhiều axit folic (cam, quýt, bưởi) để ức chế khối u phát triển.
Nhìn chung quan trọng nhất vẫn là người bệnh nên chủ động đến khám tại bệnh viện và các cơ sở y tế nếu nhận thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường nghi ngờ ung thư. Điều này giúp sớm phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm, làm tăng cơ hội sống sót và nâng cao chất lượng cuộc sống về sau. Ngoài ra, mỗi năm nên thực hiện tầm soát ung thư khoảng 6 tháng/lần, cập nhật các kiến thức mới nhất về các bệnh ung thư trên các nguồn thông tin uy tín.
Để đặt lịch khám và sử dụng dịch vụ tầm soát ung thư tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, quý khách hàng vui lòng liên hệ ngay hotline 1900 56 56 56. Tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ quý khách hàng 24/7