Đối với nhiều mẹ bầu, nghén khi mang thai gây ra nhiều mệt mỏi khiến cho thai kỳ trở nên khó khăn. Những lúc như vậy mong muốn giảm nghén khi mang thai thường xuất hiện và là tâm lý dễ hiểu. Vậy làm sao để đạt được điều này, hãy cùng tham khảo những chia sẻ dưới đây, biết đâu mẹ bầu sẽ tìm được bí kíp để đi qua “mùa giông bão”.
15/08/2020 | Nghén nôn ra máu có nguy hiểm đến sức khỏe của mẹ và bé không? 06/08/2020 | Nghén nên ăn gì mẹ bầu đỡ buồn nôn mà bé vẫn đủ dinh dưỡng? 06/08/2020 | Nghén là gì và nguyên nhân chính gây hiện tượng này ở bà bầu
1. Nghén khi mang thai - nguyên nhân và ảnh hưởng của nó tới thai kỳ
1.1. Tại sao mẹ bầu bị nghén khi mang thai
Nghén là hàng loạt các biểu hiện khó chịu xảy ra trong quá trình mang thai, nhất là giai đoạn đầu thai kỳ. Hầu hết thai phụ đều sẽ gặp phải hiện tượng này, chỉ khác nhau ở mức độ nghén mà thôi.
Nhiều nghiên cứu cho thấy nghén là hệ lụy của sự thay đổi và điều hòa hormone sinh dục ở người phụ nữ trong thời kỳ mang thai. Nói cụ thể hơn thì thời kỳ này cơ thể người phụ nữ sản sinh ra lượng lớn hormone nên cơ thể không kịp thích nghi và phản ứng lại từ đó sinh ra các dấu hiệu nghén.
Bên cạnh đó, những tác nhân sau cũng có thể góp phần khiến nhiều mẹ bầu bị nghén nặng hơn:
Sự tăng mạnh nồng độ HCG khi mang thai khiến phụ nữ dễ bị ốm nghén
- Sự tăng mạnh nồng độ HCG
Giai đoạn đầu thời kỳ mang thai cơ thể người phụ nữ sẽ tăng rất nhiều hormone nhất là hormone HCG. Loại hormone này được sản sinh ra từ nhau thai và phát triển mạnh trong khoảng tuần 8 - 12 của thai kỳ, khiến mẹ bầu bị ốm nghén.
- Nhạy cảm về thính giác, khứu giác
Việc mang thai cũng làm cho estrogen tăng lên và gây ra hệ lụy chính là mẹ bầu trở nên nhạy cảm với mùi hơn nhiều so với trước đó. Vì thế nhiều mẹ bầu sợ mùi, dễ buồn nôn khi ngửi thấy mùi đồ ăn.
- Đa thai
Những người mang đa thai thường ốm nghén nhiều hơn vì lượng HCG tăng lên gấp đôi làm tăng hoặc kéo dài thời kỳ ốm nghén.
- Những lần mang thai trước cũng từng ốm nghén
Nếu những lần mang thai trước mẹ bầu đã từng ốm nghén thì lần mang thai sau cũng khó tránh khỏi hiện tượng này, thậm chí có người còn ốm nghén nặng hơn trước rất nhiều lần.
- Say xe
Dạ dày của người hay bị say xe thường rất nhạy cảm nên giai đoạn đầu thai kỳ thai phụ cũng dễ bị ốm nghén dữ dội.
- Bầu bé gái
Thực tế cho thấy những mẹ bầu mang thai bé gái thường ốm nghén nặng hơn so với mang thai bé trai.
- Bị bệnh đau nửa đầu
Những thai phụ vốn có tiền sử với bệnh đau nửa đầu thường có nguy cơ ốm nghén cao bởi bệnh làm tác động đến các dây thần kinh từ đó sinh ra các triệu chứng ốm nghén như hoa mắt, buồn nôn, chóng mặt, đau đầu,...
1.2. Ốm nghén và những ảnh hưởng của nó tới thai nhi
Các nghiên cứu chỉ ra rằng ốm nghén không hề gây ra tác động xấu nào đối với thai nhi. Tuy nhiên, nếu ốm nghén quá nặng dẫn đến mất nước, mất điện giải nghiêm trọng thì cân nặng của thai nhi có thể sẽ bị ảnh hưởng. Mặt khác, những thai phụ ốm nghén nặng cũng dễ bị suy nhược cơ thể.
2. Giải pháp giúp giảm nghén khi mang thai
2.1. Bổ sung vitamin trước sinh
Hầu hết các loại vitamin có thể làm tăng cảm giác buồn nôn do chứa hàm lượng sắt khá lớn. Tuy nhiên, bổ sung vitamin lại là một việc cần làm trong quá trình mang thai.
Bổ sung vitamin đúng cách sẽ giúp giảm nghén khi mang thai
Để giảm nghén khi mang thai giai đoạn đầu mẹ bầu nên sử dụng axit folic hoặc vitamin tổng hợp không chứa sắt. Hoặc mẹ bầu cùng có thể ăn bánh quy trước khi bổ sung vitamin cũng là một gợi ý không tồi.
2.2. Thường xuyên súc miệng
Những trường hợp mẹ bầu bị tiết quá nhiều nước bọt do thai kỳ thường dễ ốm nghén hơn. Để giảm thiểu tình trạng ấy, mẹ bầu nên nhổ nước bọt và thường xuyên súc miệng. Mẹ bầu có thể pha nước với 1 thìa cà phê soda để súc miệng, vừa giúp giảm nghén do nước bọt tiết ra nhiều vừa bảo vệ răng không bị acid dạ dày bào mòn.
2.3. Uống nước điều độ và đầy đủ
Bổ sung đầy đủ mỗi ngày 2 lít nước, uống trước hoặc sau khi ăn cũng là một cách giảm nghén khi mang thai. Điều này được giải thích rằng uống nhiều nước sẽ làm giảm cảm giác buồn nôn trong trường hợp tuyến nước bọt hoạt động và tiết ra nhiều hơn so với bình thường.
2.4. Chia bữa ăn thành các bữa nhỏ
Để tránh dạ dày rơi vào tình trạng quá no hay quá đói kích thích buồn nôn thì mẹ bầu nên tạo cho mình thói quen ăn nhiều bữa nhỏ trong một ngày. Điều này rất dễ thực hiện, mẹ bầu chỉ cần sắm sẵn các món ăn vặt như bánh mỳ, hoa quả, bánh quy,... khi đến bữa chỉ việc đưa ra dùng.
2.5. Bấm huyệt
Đến bác sĩ đông y bấm huyệt tay cũng là một cách giảm nghén rất hay vì nó kích thích não giải phóng ra chất hóa học làm dịu đi cơn buồn nôn hay cảm giác khó chịu về mùi.
Tập các bài yoga nhẹ nhàng vừa giúp tăng cường sức khỏe vừa giảm nghén hiệu quả
2.6. Vận động nhẹ nhàng và vừa sức
Hàng ngày đi bộ khoảng 30 phút, tập các bài tập yoga nhẹ nhàng là cách giảm ốm nghén khá tốt đồng thời hỗ trợ cho quá trình sinh nở sau này trở nên dễ dàng hơn. Quá trình vận động như vậy còn giúp cơ thể mẹ bầu trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát hơn, từ đó đẩy lùi cảm giác buồn nôn do ốm nghén.
2.7. Chú ý trong việc lựa chọn thực phẩm
Để tránh cảm giác khó chịu do mùi thực phẩm mang lại, mẹ bầu nên lựa chọn các loại thực phẩm lạnh, món ăn đã được để nguội, sữa chua, salad rau củ quả,...
2.8. Một vài lưu ý
Hầu hết các trường hợp ốm nghén đều không ảnh hưởng quá nhiều đến thai nhi nhưng nếu đã thực hiện một số cách giúp giảm nghén khi mang thai mà không hiệu quả và có những biểu hiện sau, mẹ bầu nên đến gặp bác sĩ:
- Cân nặng giảm sút, sức khỏe suy kiệt ở mức nghiêm trọng trong một thời gian ngắn.
- Nôn nghén quá nhiều và kéo dài.
- Vừa nôn nhiều vừa thấy bụng lớn nhanh về kích thước so với tuổi thực của thai.
- Nước tiểu màu đỏ sẫm hoặc rất ít về lượng ở mỗi lần tiểu tiện.
- Bị ngất xỉu hoặc chóng mặt mỗi lần đứng dậy.
Hy vọng những mẹo mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ góp phần giúp mẹ bầu giảm nghén khi mang thai để có một thai kỳ thoải mái, khỏe mạnh. Nếu cần thêm bất kỳ tư vấn nào khác liên quan tới sức khỏe thai kỳ mẹ bầu có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để nhận được những chia sẻ hữu ích từ chuyên viên y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.