Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn có thể gây nên những bệnh lý vô cùng nguy hiểm, khó điều trị do kháng kháng sinh. Chủ động phòng tránh tụ cầu vàng được xem là giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa những hệ lụy do vi khuẩn này gây ra.
14/12/2020 | Nhiễm khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm ra sao, nhận biết cách nào 14/11/2020 | Bạn đã biết gì về tình trạng sốc nhiễm khuẩn và dấu hiệu nhận biết 04/05/2020 | Vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện
1. Vi khuẩn tụ cầu vàng - nguyên nhân của nhiều bệnh lý nguy hiểm
tụ cầu vàng là một chủng Vi khuẩn có thể gây ra nhiều bệnh nhiễm trùng nguy hiểm cho cơ thể khi nó xâm nhập vào vết thương trên da hoặc đường hô hấp. Quan sát dưới kính hiển vi có độ phân giải cao nhìn thấy vi khuẩn này có hình cầu nhỏ và tập trung thành cụm giống như chùm nho.
Hình ảnh vi khuẩn tụ cầu vàng dưới kính hiển vi
Vào mùa nắng nóng, tụ cầu vàng rất dễ gây nên bệnh nhiễm khuẩn da và niêm mạc điển hình như lở loét, chốc đầu, nhọt, áp xe. Đặc biệt, chúng có thể gây hội chứng bong da hoặc viêm da sơ sinh ở trẻ nhỏ với triệu chứng: sốt, đỏ da, bong lớp biểu bì, hình thành bọng nước trên da,...
Ngoài ra, các ổ áp xe nhỏ trông giống như đầu đinh ghim ở da đầu do khuẩn tụ cầu vàng cũng có thể xuất hiện nếu tuyến mồ hôi và chân lông bị viêm tắc. Có những trường hợp viêm da do tụ cầu vàng còn tạo thành áp xe ở da đầu bị vỡ ra và chảy huyết tương chứa vi khuẩn, lây lan cho vùng da khác.
Mụn đầu đinh (đinh râu) do vi khuẩn tụ cầu vàng có thể gây nhiễm khuẩn cấp tính dẫn đến nhiễm khuẩn huyết đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Khi tụ cầu vàng xâm nhập vào bên trong cơ thể, chúng sẽ tạo thành áp xe ở nhiều cơ quan khác nhau như: phổi, bắp chân, đùi,...
Vi khuẩn tụ cầu vàng xuất hiện trong môi trường bệnh viện có thể gây nên các nhiễm khuẩn bệnh viện như nhiễm khuẩn bỏng, nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, nó còn có thể gây nên nhiều bệnh lý nặng như viêm tĩnh mạch xoang hang, viêm tủy xương, viêm màng não mủ, viêm nội tâm mạc,...
Ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng cũng không phải là trường hợp hiếm gặp. Căn nguyên của điều này là do vệ sinh an toàn thực phẩm không tốt. Nếu ăn phải thực phẩm có tụ cầu vàng hoặc chứa độc tố của chúng thì rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.
2. Biện pháp phòng tránh tụ cầu vàng
Các biện pháp phòng tránh tụ cầu vàng được chuyên gia y tế khuyến cáo chủ yếu gồm:
2.1. Phòng ngừa lây lan vi khuẩn tụ cầu vàng trong bệnh viện
Người bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng thường được đặt trong các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc để ngăn ngừa sự lây lan của khuẩn này. Những nhân viên y tế chăm sóc người đang bị cách ly cần mặc trang phục bảo hộ và tuân thủ nghiêm túc quy trình vệ sinh tay. Đồ và bề mặt bị ô nhiễm cần được khử trùng đúng cách.
2.2. Phòng ngừa vi khuẩn tụ cầu vàng trong cộng đồng
- Rửa tay
Rửa tay sạch sẽ, đúng cách được xem là cách tốt nhất để phòng tránh tụ cầu vàng lây lan trong cộng đồng. Muốn vậy bạn cần rửa tay kỹ tối thiểu 15 giây rồi dùng khăn chỉ sử dụng 1 lần để lau khô sau đó dùng một khăn khác để tắt vòi nước. Hoặc cách khác, bạn cũng có thể đem theo bên mình một chai nhỏ chứa chất khử trùng để xịt khi không có điều kiện rửa tay với xà phòng diệt khuẩn.
Rửa tay sạch sẽ, thường xuyên giúp phòng tránh tụ cầu vàng lây lan
- Giữ vệ sinh vết thương
Bất kỳ vết thương hay vết trầy xước nào trên da cũng cần được băng kín và giữ khô cho đến khi chúng lành lại. Việc làm này giúp ngăn chặn mủ từ vết thương bị nhiễm trùng chứa vi khuẩn tụ cầu vàng lây lan cho người khác.
- Giữ vệ sinh và không dùng chung vật dụng cá nhân
Vật dụng cá nhân là đồ dùng riêng cho mỗi người, tốt nhất không nên sử dụng chung. Vi khuẩn tụ cầu vàng có thể lây lan qua các vật dụng, lây từ người này sang người khác nên việc làm này sẽ góp phần ngăn ngừa nguy cơ lây lan bệnh trong cộng đồng.
- Tắm sạch sau khi tập luyện hoặc chơi thể thao
Sau mỗi lần tập luyện hoặc chơi thể thao bạn cần tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn và nước. Ngoài ra bạn cũng không nên dùng chung khăn tắm với người khác để phòng tránh tụ cầu vàng lây nhiễm qua da.
- Thay và làm sạch ga trải giường thường xuyên
Nếu bạn đang bị vết thương ngoài da, hãy chú ý thay và giặt khăn trải giường sạch sẽ, phơi khô ngoài trời nắng hoặc sấy trong máy để tiêu diệt tác nhân có thể gây bệnh nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
- Không tự ý tiêm thuốc
Tự ý tiêm thuốc ở tĩnh mạch sẽ có nguy cơ cao đối với nhiều loại bệnh nhiễm trùng nguy hiểm trong đó có nhiễm khuẩn tụ cầu vàng.
Tự ý tiêm tĩnh mạch không có chỉ định của bác sĩ làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng
- Thường xuyên thay băng vệ sinh
Vào mỗi kỳ kinh, hãy chú ý thay băng vệ sinh thường xuyên ít nhất mỗi 4 - 8 giờ bởi vì dùng băng vệ sinh trong thời gian dài có thể tạo môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi của vi khuẩn tụ cầu vàng. Một khi nó đã xâm nhập vào cơ thể rất dễ gây nên hội chứng sốc độc tố nguy hại đến tính mạng. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng băng vệ sinh có tính thấm hút tốt để đảm bảo an toàn hơn cho vùng kín trong những ngày này.
- Vệ sinh miệng, họng
Thực hiện vệ sinh miệng, họng bằng cách súc nước muối nhạt và đánh răng hàng ngày cũng là một cách phòng tránh tụ cầu vàng lây nhiễm qua đường hô hấp. Mặt khác, bạn cũng nên đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài đường để tránh hít phải bụi bẩn, giảm nguy cơ viêm đường hô hấp.
- Thực hiện giữ gìn an toàn vệ sinh thực phẩm
Đây là một biện pháp cần thực hiện để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn tụ cầu vàng. Để làm được điều ấy, hãy chú ý tránh xa các loại thực phẩm chưa nấu chín như nem chua, tiết canh, rau sống, gỏi,... nước chưa được đun sôi.
Ngoài các cách trên đây thì nâng cao sức đề kháng cũng được xem là biện pháp cần thiết để phòng tránh tụ cầu vàng trong điều kiện chưa có vacxin đặc hiệu để phòng các loại bệnh do vi khuẩn này gây ra. Nếu cần tới bất kỳ sự hỗ trợ y tế nào để đối phó với tụ cầu vàng, hãy liên hệ ngay tổng đài của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56, 24/7 chúng tôi luôn sẵn lòng phục vụ nhằm chăm sóc tốt nhất cho sức khỏe của bạn và cộng đồng.