Nhiễm khuẩn bệnh viện là tình trạng nhiễm khuẩn xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi nhập viện, do các tác nhân gây bệnh trong môi trường bệnh viện gây nên. Vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện giúp xác định nguồn lây, căn nguyên gây nhiễm khuẩn từ đó đưa ra các biện pháp ngăn chặn và ứng phó kịp thời, hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.
1. Vai trò của vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện
Nguồn vi sinh vật có khả năng gây nhiễm khuẩn tại bệnh viện là rất lớn, chúng có thể phát tán trong môi trường qua những chất bài tiết hoặc bệnh phẩm. Ngoài ra, những vi sinh vật này còn hay gặp ở bàn tay, trang phục của nhân viên y tế cũng như ngay trong cơ thể của chính những bệnh nhân khám và điều trị tại bệnh viện. Vi sinh vật gây nhiễm khuẩn bệnh viện có thể là vi khuẩn, virus hoặc nấm và ký sinh trùng.
Cần rửa tay y tế trước khi thực hiện thủ thuật
Vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện có vai trò:
+ Đánh giá chất lượng kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện (phòng mổ, dụng cụ hấp sấy tiệt trùng, bề mặt,…).
+ Kiểm tra chất lượng phòng vô khuẩn: chế biến thực phẩm, chế biến dụng cụ y tế,…
+ Phát hiện nhiễm trùng bệnh viện thông qua nuôi cấy và phân lập vi sinh vật từ bệnh phẩm.
+ Đánh giá mức độ kháng thuốc của vi khuẩn.
+ Định kỳ báo cáo các tác nhân gây nhiễm khuẩn bệnh viện, kết quả kháng sinh đồ của các vi khuẩn phân lập được từ các nguồn bệnh phẩm khác nhau.
2. Các xét nghiệm vi sinh vật cấy kiểm tra
Theo thông tư 43/2013/ TT - BYT có các danh mục xét nghiệm vi sinh vật cấy đánh giá nhiễm khuẩn bệnh viện:
- Kiểm tra không khí.
Vi sinh vật cấy kiểm tra không khí
+ Đánh giá sự hiện diện của các vi sinh vật trong không khí về số lượng và chất lượng.
+ Phát hiện nguồn nhiễm vi sinh vật gây nhiễm trùng bệnh viện có trong không khí.
- Kiểm tra dụng cụ đã tiệt trùng:
Nuôi cấy dụng cụ đã tiệt trùng nhằm phát hiện các vi sinh vật trên dụng cụ y tế đã tiệt trùng còn thời hạn sử dụng để đánh giá quá trình tiệt trùng.
- Kiểm tra bề mặt:
+ Đánh giá sự hiện diện của các vi sinh vật trên các bề mặt đồ vải hấp sấy tiệt trùng.
+ Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì xem xét quy trình khử trùng để đưa ra những khuyến cáo thích hợp.
- Kiểm tra bàn tay:
+ Cấy khuẩn vi sinh bàn tay nhân viên y tế nhằm đánh giá sự hiện diện của các vi sinh vật trên bàn tay phẫu thuật viên sau khi rửa tay ngoại khoa.
+ Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì xem xét chất lượng nước rửa tay, quy trình rửa tay, khăn lau tay,... để đưa ra những khuyến cáo thích hợp.
- Kiểm tra nước sinh hoạt:
+ Đánh giá về độ tinh khiết của nước. Nguy cơ lớn nhất về vi sinh vật liên quan đến việc ăn uống, sinh hoạt nguồn nước bị nhiễm bẩn bởi phân người và súc vật.
- Kiểm tra nước thải.
Đánh giá xem nguồn nước có bị ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh từ phân hay không thông qua thử nghiệm Coliform.
Xét nghiệm này hữu ích cho việc đánh giá sự ô nhiễm của nguồn nước cần nghiên cứu.
- Một số xét nghiệm khác:
+ Vi khuẩn kháng thuốc - Phát hiện người mang.
+ Vi khuẩn gây nhiễm trùng bệnh viện - Phát hiện nguồn nhiễm.
3. Khi nào thì cần thực hiện vi sinh vật cấy kiểm tra bệnh viện
Tùy theo quy mô giường bệnh, quy mô khoa phòng mà các cơ sở y tế có những nhu cầu thực hiện vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện khác nhau. Tuy nhiên, vẫn phải tuân theo một số quy định và thông tư của bộ y tế:
+ Thông tư 16/2018/TT - BYT quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám chữa bệnh.
+ Thông tư 18/2009/TT - BYT ngày 14 tháng 10 năm 2009 về hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
+ Quyết định số 6858/QĐ - BYT ngày 18 tháng 11 năm 2016 “Hướng dẫn của bộ tiêu chí chất lượng Bệnh viện Việt Nam”.
+ TCVN 6404:2008 (ISO 7218:2007).
+ TCVN 9716:2013 (ISO 8199:2005),…
Với nội dung chính:
+ Kiểm tra theo lịch định kỳ (hàng tuần/ hàng tháng/ hàng quý,…).
+ Có kiểm tra đột xuất.
+ Lập báo cáo và báo cáo kết quả.
+ Khi phát hiện nguồn nhiễm cần xác định nguyên nhân, xử lý và báo cáo lại sau xử lý.
4. Cần chuẩn bị gì trước khi cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện
Để thu thập được mẫu vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện, các cơ sở y tế cần chuẩn bị:
- Lập kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện:
+ Nội dung giám sát và dự trù kinh phí.
+ Mẫu vi sinh vật cấy là gì? Xác định cụ thể mẫu cần thực hiện vi sinh vật cấy là không khí, bàn tay, đồ vải, nước,…
+ Số lượng mẫu vi sinh vật cấy.
+ Thời gian, tần suất,…
- Chuẩn bị:
Hấp sấy dụng cụ thủ thuật trước khi thực hiện vi sinh vật cấy dụng cụ
+ Phòng mổ: cần khử khuẩn/ tiệt trùng theo các bước đúng quy định.
+ Đồ phẫu thuật (dụng cụ) được hấp sấy tiệt trùng trước khi lấy mẫu vi sinh vật cấy.
+ Nước sinh hoạt/ nước thải: được xử lý theo đúng quy định.
+ Bàn tay nhân viên y tế: rửa tay theo quy trình,…
Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC nhận thấy đã hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ của mình về cả lĩnh vực chuyên sâu lẫn công tác chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Không chỉ tại viện mà bệnh viện còn tạo được niềm tin cho nhiều bệnh viện, cơ sở y tế khác như viện Mắt Nhật Bản, Bệnh viện Thận Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội,… thường xuyên gửi mẫu để điều tra giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện.
Với hệ thống trang thiết bị xét nghiệm hiện đại cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao, làm việc một cách nhiệt tình, chuyên nghiệp, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC luôn đảm bảo mang tới những kết quả xét nghiệm nhanh chóng và chính xác nhất.
Nếu cơ sở y tế của bạn chưa có khả năng thực hiện vi sinh vật cấy kiểm tra nhiễm khuẩn bệnh viện thì liên hệ ngay với chúng tôi theo số 1900 565656. Bạn sẽ được tư vấn đặt lịch và lấy mẫu tận nơi.