Tràn dịch màng phổi là tình trạng dịch xuất hiện trong khoang màng phổi nhiều hơn bình thường. Tùy theo mức độ bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ lựa chọn điều trị và theo dõi thích hợp. Vậy bệnh tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không, cách điều trị, chăm sóc bệnh nhân như thế nào?
18/03/2021 | Xét nghiệm chẩn đoán tràn dịch màng phổi để kịp thời bảo vệ tính mạng 10/09/2020 | Tràn dịch màng phổi ác tính có chữa được không? 20/08/2020 | X - quang tràn dịch màng phổi được áp dụng khi nào?
1. Nguyên nhân nào dẫn đến tràn dịch màng phổi
Thực tế phổi là một trong những cơ quan nội tạng quan trọng của con người, là trung tâm của hoạt động hô hấp và cung cấp oxy đến máu, sau đó được đưa đi nuôi toàn cơ thể. Để bảo vệ cơ quan này, phổi được nằm gọn trong khung xương sườn, hơn nữa còn được bao bọc bởi khoang màng phổi. Khoang màng phổi được cấu tạo 2 lớp nằm giữa phổi và thành ngực. Giữa 2 lớp có một lượng dịch nhỏ đảm bảo hoạt động hô hấp diễn ra dễ dàng hơn.
Tràn dịch màng phổi là tình trạng rò dịch giữa khoang màng phổi
Lượng dịch màng phổi thông thường rơi vào khoảng 10 - 20 ml tùy thể tích phổi của mỗi người. Chất dịch này cần tồn tại nhưng nếu lượng dịch nhiều hơn bình thường, nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động hô hấp của phổi. Nếu tràn dịch màng phổi nhẹ, bệnh nhân có thể không có triệu chứng do phổi không ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên tràn dịch màng phổi nhiều, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa do phổi bị đè ép nghiêm trọng.
Đa phần tràn dịch màng phổi là tình trạng lành tính, tiến triển do những bất thường hoặc bệnh lý, có thể tự khỏi hoặc cải thiện tốt bằng các biện pháp hỗ trợ. Không nên chủ quan với bệnh, nếu điều trị không hiệu quả, thường xuyên tái phát, nguyên nhân có thể do tràn dịch màng phổi ác tính. Nếu không điều trị đúng hướng sớm, tràn dịch màng phổi ác tính có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Tràn dịch màng phổi ác tính rất nguy hiểm và dễ tái phát
Những nguyên nhân thường gặp gây bệnh tràn dịch màng phổi bao gồm:
-
Do viêm nhiễm: viêm phổi, lao, giang mai, bệnh hệ thống, mủ màng phổi, nấm.
-
Không do viêm: K màng phổi, U xơ màng phổi, K di căn màng phổi, tắc mạch phổi.
2. Bệnh tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không - giải đáp chi tiết nhất
Thực tế, mức độ nguy hiểm của bệnh tràn dịch màng phổi còn tùy thuộc vào tình trạng tràn dịch (lượng ít hay nhiều và xảy ra trong thời gian bao lâu), nguyên nhân gây bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Cần cẩn thận với những tình trạng tràn dịch mức độ nhiều có thể gây chèn ép phổi, suy giảm chức năng hô hấp, thiếu oxy gây tổn thương nghiêm trọng các cơ quan hoặc thậm chí dẫn đến tử vong. Nếu không điều trị sớm, tràn dịch màng phổi có thể gây một số di chứng khó phục hồi như: vôi hóa màng phổi, viêm dày màng phổi, viêm mủ màng phổi,… ảnh hưởng lớn đến chức năng hô hấp.
Dù nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm, tràn dịch màng phổi hoàn toàn có thể chữa khỏi, đồng thời khắc phục được ảnh hưởng bệnh tới tình trạng sức khỏe và sự sống của người bệnh. Phát hiện và điều trị muộn không những gây tổn kém thời gian và tiền bạc mà tiên lượng bệnh có thể không tốt.
3. Điều trị và chăm sóc cho bệnh nhân tràn dịch màng phổi
3.1. Điều trị
Bệnh nhân tràn dịch màng phổi sẽ được chẩn đoán nhanh tình trạng bệnh, sau đó thực hiện các biện pháp điều trị để loại bỏ dịch thừa bằng các biện pháp như: chọc hút dịch màng phổi, dẫn lưu khoang màng phổi,… Song song với đó, trong quá trình điều trị, cần tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị triệt để. Tùy theo nguyên nhân mà điều trị sẽ khác nhau như:
-
Nếu tràn dịch màng phổi do nhiễm trùng, cần xây dựng kháng sinh đồ với hiệu quả điều trị tốt nhất.
-
Nếu tràn dịch màng phổi ác tính do ung thư, cần tìm ra vị trí ung thư nguyên phát và điều trị bằng phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp trúng đích,…
Có những trường hợp tràn dịch màng phổi do suy tim
3.2. Chăm sóc
Không những tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám thường xuyên sau điều trị, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi nên lưu ý về chế độ nghỉ ngơi và ăn uống. Chăm sóc tốt trong thời gian sau điều trị này không những giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt hơn mà còn hạn chế được nguy cơ tái phát và tiến triển bệnh.
Dưới đây là một số lưu ý về chế độ ăn uống và nghỉ ngơi:
Trái cây
Trái cây tươi, nước ép trái cây rất tốt cho bệnh nhân tràn dịch màng phổi, song cần uống ở mức độ vừa phải để tránh cơ thể tích tụ nhiều chất lỏng, dẫn đến tràn dịch màng phổi tái phát.
Các loại trái cây nên ăn theo mùa và cần tươi ngon để đảm bảo dưỡng chất nhiều nhất. Cụ thể các loại trái cây tốt cho người bệnh như cam, táo, lê, xoài,...
Bổ sung đủ dinh dưỡng
Dinh dưỡng mà người bệnh sau điều trị tràn dịch màng phổi cần bổ sung là từ nguồn thực phẩm tươi sống, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn. Cần cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, đạm, tinh bột,...
Hạn chế thực phẩm dễ gây kích ứng
Nếu xảy ra kích ứng, tràn dịch màng phổi có thể tái phát và biến chứng cũng nghiêm trọng hơn. Do đó, trong thời gian phục hồi bệnh nhân nên hạn chế ăn thực phẩm dễ gây kích thích như: tôm, cua, hải sản,…
Thực phẩm gây kích ứng có thể khiến tràn dịch màng phổi tái phát
Bệnh tràn dịch màng phổi có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng bệnh. Đa phần trường hợp bệnh là lành tính, sau điều trị sẽ phục hồi tốt và không để lại biến chứng.
Nếu cần tư vấn thêm, đừng ngần ngại liên hệ MEDLATEC để được hỗ trợ qua hotline 1900 56 56 56. Các chuyên gia của chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7. Chăm sóc sức khỏe cho bạn, cho cộng đồng là niềm vui, là sứ mệnh của chúng tôi.